ĐHY Bo: Đường thập giá vẫn còn ở Myanmar
Ngọc Yến - Vatican News
Trả lời câu hỏi đầu tiên của Vatican News về việc chuẩn bị lễ Phục sinh trong tình hình đất nước vẫn còn bất ổn, Đức Hồng y Bo khẳng định rằng những đau khổ của Chúa Giêsu giờ đây lại được tái hiện nơi những nạn nhân của chiến tranh, những người tị nạn, những goá phụ than khóc và những đứa trẻ không còn cha, những thanh niên chết trong rừng. Ngài thú nhận rằng bằng sức riêng chúng ta không thể giải quyết các xung đột. Vì thực tế cho đến nay những nỗ lực của mọi người cho hoà bình đều vô ích. Thiên Chúa đau khổ trong dân Người. Những giờ phút sau cùng của Chúa phản ánh trong mắt và con tim của những bà mẹ có chồng và con trai chết ở Myanmar và Ucraina. Hiện nay, cuộc sống của họ là con đường thập giá.
Ở Myanmar, về những hậu quả của xung đột, Giáo hội Công giáo cũng chịu chung số phận với người dân và các tôn giáo khác, và đôi khi còn nặng nề hơn bởi vì vụ bạo lực lớn xảy ra ở những nơi có đa số là Kitô hữu. Hơn 15 nhà thờ và tu viện đã bị tàn phá, lục soát hoặc đánh bom. Chiến lược chống nổi dậy của quân đội là phá huỷ cơ sở của các cộng đồng nếu kháng cự.
Phóng viên hỏi Đức Hồng y rằng “Với tình hình ở Myanmar, Đức Hồng y có tin rằng cần phải đưa ra lời kêu gọi Phục sinh không?”. Ngài trả lời: “Như Chúa Giêsu nói với những người Pharisêu: Nếu họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng phải lên tiếng. Vâng, cần phải kêu gọi, nhưng chúng tôi tự hỏi liệu có ai nghe không”.
Theo Đức Hồng y, tất nhiên lời kêu gọi trước tiên là “Đủ rồi! Hãy dừng giết người cách tàn bạo! Nhưng điều cần nhất hiện nay là hãy cho phép Giáo hội tiếp cận với những hỗ trợ nhân đạo. Vì các cơ quan nhân đạo trong nước không thể tiếp cận những người cần hỗ trợ”.
Đối với làn sóng lớn người tị nạn, Đức Hồng y nói trên đường vác Thánh giá Chúa Giêsu đã dừng lại chú ý đến những phụ nữ Giêrusalem. Chúng ta cũng phải làm như vậy, lắng nghe sứ điệp mà cả thế giới phải lắng nghe. Báo cáo gần đây nhất của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng có 520.000 người mới phải di dời trong số 370.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ. Họ có một thông điệp cho các nhà lãnh đạo thế giới. Đức Hồng y giải thích: “Gần đây, tôi đã đi đến Bang Kayah để lắng nghe những người đã di dời, nhưng sự kiểm soát và thời gian khiến tôi chỉ có thể gặp một vài người trong số họ. Thông điệp của tôi với họ là tôi muốn nghe họ nói, hiểu được nỗi đau khổ của họ, biết được lời kể của họ về những gì đã xảy ra với họ”.
Mặc dù thực tế nhiều khó khăn, nhưng Đức Hồng y vẫn muốn đưa ra niềm hy vọng. Tiếp tục suy tư về cuộc khổ nạn của Chúa, Đức Hồng y giải thích: “Trên Thánh giá, mọi người đều chế nhạo Chúa hãy tự cứu mình, nhưng chỉ có người trộm lành nhận ra Chúa mang đến một ơn cứu độ khác. Chúng ta được mời gọi chia sẻ niềm tin của người trộm lành này. Trở thành môn đệ Chúa không làm cho chúng ta miễn khỏi cái chết, nhưng đúng hơn đòi hỏi chúng ta chết mỗi ngày. Trong trường hợp của chúng tôi, sự bách hại và bất công trở nên quá thực”.
Với câu hỏi “Là Chủ tịch Liên Hội đồng giám mục Á châu, mặc dù có những thách đố đối với các Kitô hữu trên khắp châu lục, nhưng có những dấu hiệu tích cực ở đây không?” Đức Hồng y nhận xét rằng: “Giáo hội Myanmar không phải là trường hợp duy nhất ở châu Á sống dưới chế độ chuyên quyền, hoặc nơi quyền tự do bị hạn chế. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ trở thành men trong xã hội, hiện diện và có tác động đến cuộc sống cũng như sự dạy dỗ của chúng ta. Những người theo Chúa Giêsu tiếp tục làm điều này ngay cả trong những tình huống ở châu Á nơi các quyền tự do bị hạn chế. Ở hầu hết các quốc gia thuộc Liên Hội đồng giám mục Á châu, ngoại trừ Philippines và Đông Timor, Giáo hội là thành phần thiểu số. Tuy nhiên, Giáo hội có một tầm quan trọng vượt ra ngoài con số, đặc biệt ở nơi mà các nhân viên của Giáo hội có thể tham gia vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.