Croatia: Đức Hồng y Parolin nhắc lại cam kết của ĐTC đối với hòa bình ở Ucraina
Vatican News
Đây là ngày cuối cùng trong chuyến thăm của Đức Hồng y Pietro Parolin tới Croatia và thủ đô Zagreb để đánh dấu kỷ niệm 30 năm Tòa thánh công nhận nền độc lập của Cộng hòa Croatia và kỷ niệm 25 năm phê chuẩn ba hiệp ước giữa Vatican và Nước Balkan.
Vào sáng thứ Năm, trong một cuộc họp với Chủ tịch Quốc hội Croatia, ông Gordan Jandroković, Đức Hồng y nhắc lại lời kêu gọi hòa bình cho Ucraina, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng nhiều lần kể từ khi Nga bắt đầu chiến sự. Về phần mình, ông Jandroković bày tỏ lo ngại về khả năng cuộc khủng hoảng lan rộng từ Ucraina sang Đông Nam Âu, đặc biệt tập trung vào Bosnia và Herzegovina. Trong cuộc đối thoại, ông Jandroković nói về tình hình ở Croatia và bày tỏ lo ngại cho tương lai, sự tồn vong của đất nước, sau đó ông kêu gọi Tòa thánh giúp đưa ra một giải pháp đảm bảo sự bình đẳng của cả ba dân tộc. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự hài lòng về mối quan hệ tốt đẹp và hữu nghị giữa Croatia và Tòa thánh, dựa trên mối quan hệ bền chặt và lâu đời trong lịch sử.
Người dân Croatia thân yêu
Mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên là trung tâm của bài phát biểu mà Đức Hồng y Pietro Parolin đã trình bày trước Quốc hội Zagreb và khẳng định chắc chắn rằng “Tòa thánh luôn đứng về phía người dân Croatia thân yêu”. Một tình cảm và sự gắn bó được sinh ra theo thời gian và được thể hiện rất rõ qua sự hiện diện của một nhà thờ ở quảng trường phía trước Nghị viện. “Sự phát triển của Quảng trường thánh Máccô,” Hồng y Parolin giải thích, “phản ánh toàn bộ thực tế về mối quan hệ lịch sử giữa người dân Croatia và Giáo hội Công giáo. Sự gần gũi liên đới đã phát triển với tình cảm và sự tôn trọng đặc biệt được nuôi dưỡng bởi thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Không giống ai khác, ngài hiểu gánh nặng của lịch sử, sự bất công và đau khổ mà người Croatia phải chịu đựng với tư cách là một dân tộc Slav trong khát vọng hàng thế kỷ để có được nhà nước của riêng mình”.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Croatia
Đức Hồng y Parolin nhớ lại, chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã thúc đẩy rất nhiều hoạt động pháp lý và ngoại giao mạnh mẽ cả trước và trong quá trình thành lập nhà nước Croatia đương đại, đặc biệt là vào thời điểm độc lập, được Tòa thánh chính thức công nhận vào ngày 13 tháng 1 năm 1992 , và thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nằm trong số những người đầu tiên hành động như vậy. Đức hồng y nhấn mạnh, “Hành động này cho đến ngày nay vẫn là một dấu hiệu của đức tin mạnh mẽ, tin cậy, gần gũi, tận tụy và hỗ trợ lẫn nhau.” Thậm chí dấu hiệu này còn được khẳng định nhiều hơn trong ba chuyến tông du của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tại một trong những địa điểm này, ngài đã phong chân phước cho Đức Hồng y Stepinac, một người chống lại chủ nghĩa phát xít Đức Quốc Xã và là người bảo vệ tự do tôn giáo trong suốt thời kì chế độ Tito.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.