Các Giám mục châu Âu đồng hành trong tiến trình thống nhất châu lục
Ngọc Yến - Vatican News
Cử hành “hoà bình và thống nhất châu Âu”, Ngày đánh dấu kỷ niệm Tuyên bố Schumann năm 1950, đề xuất việc kết hợp than và thép của Pháp và Tây Đức, đưa đến một cộng đồng châu Âu đầu tiên, Cộng đồng Than và Thép châu Âu.
Trong một tuyên bố về “Trung thành với các giá trị châu Âu”, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (COMECE) lưu ý rằng Ngày châu Âu được truyền cảm hứng bởi mong muốn duy trì hòa bình và an ninh, cũng như đạt được sự ổn định và tăng trưởng bền vững; và dựa trên các giá trị chung bao gồm tự do, tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền, dân chủ và pháp quyền, liên đới và trợ cấp.
Ngài nói thêm: “Ngày nay, chúng ta có thể sống trong một thế giới mà sự trung thành với nguồn cảm hứng và những giá trị này một lần nữa có nghĩa là dự kiến thay đổi cho Liên minh châu Âu”. Đặc biệt Đức Hồng y chỉ ra hai “hướng thay đổi” liên quan đến Hội nghị vì Tương lai châu Âu và cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraina.
Đức Hồng y nhấn mạnh “tính sáng tạo và mới mẻ” của các đề xuất được Hội nghị vì Tương lai châu Âu trình bày trước các tổ chức châu Âu vào những ngày vừa qua. 49 đề nghị, với những đề xuất cụ thể thực hiện, là thành quả của “một thử nghiệm táo bạo về sự tham gia của người dân”, một thử nghiệm mà các Giám mục hy vọng sẽ tiếp tục.
Đức Hồng y lưu ý rằng điều đáng buồn là kỷ niệm Ngày châu Âu năm 2022 diễn ra khi chiến tranh lại bùng phát ở châu Âu. Quan tâm đến hoà bình, kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ucraina, các Giám mục luôn cầu nguyện cho hoà bình.
Chủ tịch Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu nhấn mạnh đến những hỗ trợ nhân đạo, tài chính và quân sự mà các quốc gia châu Âu dành cho Ucraina, cũng như mong muốn của nhiều công dân châu Âu về “sự hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề quốc phòng và an ninh.”
Trong bối cảnh đó, Đức Hồng y Hollerich ủng hộ việc xin gia nhập châu Âu của Ucraina và nói rằng: “Yêu cầu này xứng đáng được hưởng một phản hồi tích cực và thực tế”. Tương tự, các quốc gia châu Âu khác, như Moldova, Georgia và các quốc gia châu Âu khác đã đưa ra yêu cầu tương tự trong quá khứ “cần một quan điểm gia nhập đáng tin cậy”.
Đức Hồng y kết thúc tuyên bố với khẳng định rằng Giáo hội Công giáo không bao giờ ngừng “toàn tâm” đón nhận “tiến trình thống nhất châu Âu và các giá trị cơ bản của nó”, ngay cả khi đôi lúc các vị mục tử bày tỏ sự dè dặt về các vấn đề chính sách riêng biệt” Ngài nói: “Vào Ngày châu Âu này, chúng tôi muốn khuyến khích giới lãnh đạo chính trị trong các thể chế và các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đón nhận những thách thức và cơ hội mới ở phía trước”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.