Sơ Kinsey: “Người Ucraina đùm bọc nhau giữa cuộc chiến tàn khốc”
Văn Cương, SJ – Vatican News
Hơn mười nhà lãnh đạo thuộc các tôn giáo khác nhau đã đến thủ đô Kiev của Ucraina trong tuần này để cùng cầu nguyện cho hòa bình ở đất nước đang bị chiến tranh tàn phá.
Phái đoàn liên tôn cấp cao đến Kiev theo lời mời của Thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko, ba tháng sau khi bị Nga xâm lược.
Sơ Sheila Kinsey, FCJM, một thành viên trong đoàn, đã tham gia chuyến thăm, và nói chuyện với Vatican News về sứ mạng hòa bình.
Sơ Sheila hiện là Đồng Thư ký Điều hành của Ủy ban Sáng tạo Công lý, Hòa bình và Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ.
Cầu nguyện và liên đới
Sơ cho biết, mục đích của chuyến thăm là “cầu nguyện và liên đới”, không nhằm thu thập thông tin, phái đoàn đã lắng nghe và nói chuyện với nhiều người về tình hình hiện tại của họ. Phái đoàn gồm có Công giáo, Chính thống, Hồi giáo, Tin lành và Tin lành Phúc âm.
“Những gì chúng tôi đang làm là gắn kết với nhau như một cộng đoàn và khi cầu nguyện, chúng tôi tìm thấy những đoạn Tin mừng trong truyền thống của chúng tôi, nói với chúng tôi về hòa bình.”
Chúng tôi cầu nguyện và liên đới với nhau qua việc chia sẻ về cuộc sống và hy vọng của chúng tôi. Chúng tôi khám phá ra rằng chúng tôi liên kết với họ - người dân Ucraina - và chúng tôi cũng khám phá ra rằng mục đích của việc liên đới là để nhận được niềm hy vọng và để chia sẻ niềm hy vọng.
Sơ Sheila nói thêm rằng, một trích đoạn Kinh Thánh trong Tin Mừng Gioan 14,27 đã soi sáng cho mọi người: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng.”
Tin tưởng lẫn nhau
Sơ cũng ca ngợi tinh thần đoàn kết giữa những nạn nhân đang chịu đau khổ vì chiến tranh.
“Điều khiến tôi cảm động khi nhìn cách người Ucraina đối xử tử tế với nhau. Họ chỉ nói sự thật về những gì đã xảy ra, họ rất quan tâm đến hạnh phúc của nhau, thậm chí khi bạn nói chuyện với họ, bạn có thể thấy sự dịu dàng họ dành cho nhau.”
Sơ Sheila nói thêm rằng những người Ucraina mà sơ gặp dường như trong họ có “cảm giác được kết nối với nhau” vượt qua các mối nguy hiểm hàng ngày mà họ phải đối mặt từ các vụ đánh bom và xâm lược quân sự.
Sơ nói, “có một cảm giác rằng họ muốn quan tâm đến nhau, và tin tưởng lẫn nhau, nghĩa là tất cả họ đều quan trọng với nhau, điều này cho bạn cảm giác rằng chính quyền đang biểu lộ nhiều sự quan tâm đến họ.”
Sự tàn phá văn hóa đầy đau đớn
Phái đoàn liên tôn đã đến thăm vùng ngoại ô Irpin của Kiev, nơi Caritas đã lập một trung tâm cung cấp thực phẩm và nơi ở cho những người phải di dời vì chiến tranh.
Sơ Sheila cho biết một trong những trải nghiệm đau đớn nhất trong chuyến đi, đối với sơ, là thăm một Trung tâm Văn hóa ở Kiev và đi trên những tấm kính đã bị vỡ do vụ ném bom của Nga.
Sơ nói, tôi cảm giác rằng sự xâm lược dường như được thúc đẩy bởi mong muốn “lấy đi di sản của Ucraina và lấy đi những điều mà bạn ước ao như một nền văn hóa”, cũng có ý muốn đe dọa người dân.
Cuối cùng, Sơ Sheila cho biết, phái đoàn các nhà lãnh đạo tôn giáo hy vọng sẽ truyền đi một thông điệp về hòa bình và thiêng liêng, và rời Ucraina với mong muốn trở thành “những con người của hội nhập”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.