ĐHY Sako lo ngại về tình hình chính trị bế tắc ở Iraq
Ngọc Yến - Vatican News
Căng thẳng chính trị tại Iraq nổ ra khi đảng của giáo sĩ Moqtada Al-Sadr, dòng Shiite giành được 73/329 ghế trong bầu cử tháng 10/2021, trở thành nhóm lớn nhất trong cơ quan lập pháp của đất nước giàu. Tuy nhiên, số ghế này là chưa đủ quá bán. Trong khi đó, hai nhóm theo dòng Shiite trong Quốc hội Iraq gồm phe của giáo sĩ Al-Sadr và Coordination Framework đều tuyên bố chiếm đa số và có quyền bổ nhiệm thủ tướng. Do vậy, tiến trình đàm phán nhằm thiết lập một chính phủ mới liên tục bị đình trệ do Quốc hội chưa thể bầu tổng thống mới với 2/3 số phiếu cần thiết theo Hiến pháp. Vì thế toàn bộ nghị sĩ thuộc đảng của giáo sĩ Al-Sadr đã rút khỏi Quốc hội.
Ngày 30/7, hàng nghìn người ủng hộ Muqtada al-Sadr đã xông vào tòa nhà Quốc hội Iraq ở thủ đô Baghdad với mục đích phản đối phe đối lập đề cử ứng cử viên chức thủ tướng.
Ngày 03/8, giáo sĩ Moqtada al-Sadr đã yêu cầu giải tán cơ quan lập pháp và tổ chức bầu cử lại, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục biểu tình ngồi ở toà nhà Quốc hội cho đến khi các yêu cầu được đáp ứng.
Thủ tướng sắp mãn nhiệm, Mustafa al-Kadhimi, kêu gọi "tất cả các bên bình tĩnh, giảm căng thẳng và đưa ra sáng kiến để đạt được một giải pháp dựa trên quốc gia".
Trước tình hình bất ổn chính trị này, Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng Phụ Công giáo Canđê ở Iraq đã kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị thành lập một “bàn tham vấn quốc gia”, cảnh báo rằng tình trạng bế tắc chính trị đang diễn ra sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tất cả mọi người. Ngài nhận xét rằng tình hình rất căng thẳng và khủng hiếp, phải hành động ngay không thể chậm trễ hơn nữa. Đức Thượng Phụ nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo chính trị, và cả các nhà chức trách tôn giáo, phải khắc phục tình hình trước khi sóng thần quét sạch chúng ta”.
Đức Hồng Y Sako cũng chỉ ra nhu cầu cấp thiết loại bỏ những nguyên nhân cơ cấu nguồn gốc của tình trạng hỗn loạn đang tiếp diễn trong nước, và trên hết phải thừa nhận sự thất bại của hệ thống chính trị được thành lập vào năm 2003, sau cuộc xâm lược do Hoa Kỳ lãnh đạo lật đổ Saddam Hussei, theo đó quyền lực được phân phối trên cơ sở sắc tộc-bè phái.
Theo Đức Thượng Phụ, với các phân phối quyền lực này đã tạo ra "tham nhũng và bất công". Vì thế cần phải tìm ra "những cách tiếp cận và những cách thức mới" để thiết kế một hệ thống chính trị hiệu quả, trong đó các thể chế được đặt vào mục tiêu phục vụ người dân chứ không phải lợi ích đảng phái.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.