Giáo hội Pakistan phản đối việc các học sinh bị bắt buộc học môn Hồi giáo
Ngọc Yến - Vatican News
Giáo hội Công giáo Pakistan lo ngại về Hồi giáo hoá chương trình giảng dạy trong các trường công. Theo các Giám mục, việc giảng dạy nội dung Hồi giáo trong các môn học bắt buộc là không công bằng, vì học sinh thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số buộc phải theo các khoá học và phải vượt qua các kỳ thi trong các môn học này.
Ông Peter Jacob, Giám đốc Trung tâm Công bằng Xã hội, một tổ chức hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy nhân quyền ở Pakistan, giải thích: “Chúng tôi muốn quốc gia có một chương trình học phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, dựa trên các giá trị đạo đức và luân lý. Chính phủ không được đưa nội dung tôn giáo vào các môn học bắt buộc như tiếng Urdu và tiếng Anh”.
Ông Peter Jacob nhắc lại: “Điều 22 của Hiến pháp Pakistan quy định rằng ‘những người theo học tại các cơ sở giáo dục, không bị bắt buộc theo học môn tôn giáo hoặc tham gia vào một nghi lễ tôn giáo không phải tôn giáo của mình’”.
Với tinh thần này, sau hội nghị được tổ chức bởi Uỷ ban Giám mục Pakistan về Công lý và Hoà bình, Giám đốc Trung tâm Công bằng Xã hội cùng với Hội đồng Giám mục kêu gọi thành lập một uỷ ban về cải cách giáo dục để xem xét các chính sách giáo dục trước đây.
Ông Peter Jacob cho biết thêm, trong nhiều năm không có ai làm công việc phân tích nội dung có trong các sách giáo khoa, cũng như những tác động theo sau đó.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tauseef Ahmed Kha, thành viên của Uỷ ban Nhân quyền Pakistan cũng lên tiếng. Ông lưu ý: “Chương trình giảng dạy trong các trường học của chúng ta có các nội dung gieo rắc lòng căm thù các nhóm thiểu số và trở thành nguồn gốc sự thù ghét trong tâm hồn các học sinh. Các học sinh cần tiếp thu những nội dung nói về hoà bình, hoà giải và công bằng”.
Kashif Aslam, Điều phối viên Chương trình của Uỷ ban Giám mục về Công lý và Hoà bình cho biết: “Trong 10 năm qua, chúng tôi đã làm việc rất nhiều để loại bỏ tài liệu căm thù khỏi sách giáo khoa. Chúng ta không muốn nó trở nên lãng phí. Chúng ta cần loại bỏ những nội dung làm phát sinh trào lưu cực đoan và bạo lực”.
Các thành viên của các nhóm nhân quyền và xã hội dân sự hy vọng chính phủ sẽ nỗ lực để cứu nền giáo dục khỏi bị xuống cấp, và hệ thống giáo dục hòa nhập và tôn trọng các cơ hội bình đẳng, để tất cả trẻ em có thể nhận được một nền giáo dục chất lượng cao.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.