Hội thảo tại Vatican dành cho các cộng đoàn đón tiếp người tị nạn
Ngọc Yến - Vatican News
Tại cuộc gặp gỡ, các tham dự viên được cung cấp các kinh nghiệm và chương trình đón tiếp người tị nạn do chính phủ Canada tạo ra để hỗ trợ các cộng đồng địa phương trợ giúp những người phải chạy trốn các cuộc xung đột và các thách đố khác. Hơn 300 ngàn người tị nạn đã được trợ giúp thông qua Chương trình Bảo trợ Cộng đồng trong việc hoà nhập vào các cộng đồng địa phương ở nhiều vùng khác nhau của Canada từ năm 1979.
Nói về hội thảo này, Bà Angele Tissot, nhân viên của Bộ Di trú, Tị nạn và Quyền công dân Canada hy vọng sự kiện sẽ thúc đẩy các sáng kiến tương tự ở các quốc gia khác, và cho biết nhận thức về sự cần thiết phải hòa nhập người tị nạn vào các cộng đồng địa phương xuất hiện sau cuộc di cư ồ ạt của “thuyền nhân Việt Nam”, một hiện tượng di cư đạt đến đỉnh điểm vào cuối những năm 1970 sau Chiến tranh Việt Nam. Gần đây, các cuộc chiến ở Afghanistan và Ucraina đã đẩy vấn đề định cư người tị nạn lên danh sách những công việc chính trị cần làm.
Theo Đức ông Bobrt Vitillo, Tổng thư ký Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế, chương trình của Canada như một mô hình tiềm năng cho các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, trong lúc tìm kiếm các giải pháp lâu dài để hòa nhập người tị nạn. Các chương trình tương tự có thể được thực hiện cả ở những quốc gia khác, chứ không chỉ riêng châu Âu. Trong thực tế, sáng kiến của Canda chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, nhưng ở châu Âu, các khu vực nông thôn đã cho thấy sự sẵn sáng đón tiếp người tị nạn, đặc biệt do sự suy giảm dân số ở các thị trấn nhỏ.
Nhắc lại lời của Đức Thánh Cha, Đức ông nói rằng sự hoà nhập của người tị nạn là con đường hai chiều, vì những người chào đón và những người được tiếp nhận đều trao cho nhau sự phong phú về văn hóa và kinh tế.
Cha Fabio Baggio, Phó Tổng Thư ký Phân bộ Di dân và Tị nạn của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, nhấn mạnh sự tham gia ngày càng nhiều của Giáo hội trong việc hỗ trợ hành trình của những người tị nạn khi họ tìm cách biến các quốc gia đón nhận họ trở thành “nhà”. Chính Đức Thánh Cha cũng đã thường xuyên mời gọi các quốc gia hỗ trợ người tị nạn, qua việc chào đón, đồng hành, hỗ trợ và hòa nhập.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.