Hơn 360 triệu Kitô hữu bị bách hại trên thế giới
Ngọc Yến - Vatican News
Trong năm 2022 có 5621 Kitô hữu bị sát hại
Được trình bày hôm 18/01 tại Ý trong phòng họp báo của Nghị viện, và tại 24 quốc gia khác, phúc trình là kết quả công việc của một nhóm các nhà nghiên cứu theo dõi thực tế hoàn cảnh của các Kitô hữu ở 100 quốc gia trên thế giới. Theo đó, từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022, có 5.621 Kitô hữu bị giết, 4.542 bị bắt giữ, và 5.259 bị bắt cóc, chỉ riêng Nigeria đã có 4.726 trường hợp bị bắt cóc. Có 2.110 nhà thờ hoặc toà nhà của các Kitô hữu bị tấn công.
Bắc Hàn là quốc gia có nhiều Kitô hữu bị bách hại nhất
Quốc gia có số Kitô hữu bị bách hại nhiều nhất là Bắc Hàn. “Luật chống tư duy phản động” mới được ban hành vào năm 2021 dẫn đến sự gia tăng các vụ bắt giữ và đóng cửa nhiều nhà thờ. Các Kitô hữu hoàn toàn không có tự do và nếu bị phát hiện thực hành đức tin, họ sẽ phải đối mặt với các trại lao động hoặc là cái chết. Ngay cả việc sở hữu một cuốn Kinh thánh cũng là một tội nghiêm trọng và sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Tiếp đến là Somalia, Yemen, Eritrea, Libya, các quốc gia phần lớn theo Hồi giáo và không khoan dung đối với các Kitô hữu. Ở đây, đức tin Kitô giáo phải sống trong bí mật và nếu bị phát hiện có thể bị kết án tử.
Những nơi nguy hiểm nhất đối với các Kitô hữu là ở Nigeria và Pakistan vì có nhiều bạo lực chống các Kitô hữu. Ở Iran, Afghanistan và Sudan, các Kitô hữu bị coi là mối đe doạ đối với chế độ Hồi giáo và những người cải đạo sang Kitô giáo phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Mặt khác, ở Myanmar, hơn 100 ngàn Kitô hữu buộc phải rời bỏ nhà cửa, ẩn trốn hoặc chạy trốn khỏi đất nước, do sự bách hại của chính quyền quân sự. Chính quyền này nhằm vào một số nhóm thiểu số được coi là đáng lo ngại vì thực tế đơn giản là tuyên xưng đức tin Kitô.
Gia tăng các vụ bắt cóc Kitô hữu
Phúc trình cho thấy số nhà thờ bị tấn công hoặc bị đóng cửa giảm, từ 5.110 xuống 2.110 trường hợp, nhưng số vụ bắt cóc tăng từ 3.829 lên 5.259 trường hợp, đây là điều đáng lo ngại, trong đó gần 5.000 vụ ở châu Phi, chủ yếu ở Nigeria, Mozambique (32) và Cộng hòa Dân chủ Congo (37).
Mặt khác, hàng chục ngàn Kitô hữu bị tấn công chỉ vì đức tin; trong năm qua, có hơn 29.400 trường hợp, trong khi có 4.547 ngôi nhà và 2.210 cửa hàng và hoạt động kinh tế của các Kitô hữu đã bị tấn công. Bên cạnh bạo lực, còn có sự quấy rối hàng ngày chống lại các Kitô hữu, như phân biệt đối xử tại nơi làm việc, không được tiếp cận với chăm sóc sức khỏe và giáo dục, ép buộc chối bỏ đức tin, từ chối viện trợ trong trường hợp xảy ra thảm họa, quan liêu.
Các chính phủ thù ghét các Kitô hữu
Tự do tôn giáo ở Mỹ Latinh đang bị đe dọa bởi sự đàn áp trực tiếp của chính phủ đối với các Kitô hữu. Ở Nicaragua, Venezuela và Cuba, các Kitô hữu bị coi là tiếng nói của phe đối lập. Vì tham gia vào các cuộc biểu tình, các vị lãnh đạo Kitô bị bỏ tù không xét xử.
Điều tồi tệ nhất ở Nicaragua bắt đầu từ tháng 4/2018, khi sự đàn áp của chính phủ gia tăng sau các cuộc biểu tình công khai và Giáo hội Công giáo là mục tiêu cụ thể, với các tòa nhà bị phá hoại, đài truyền hình và trường học đóng cửa, các lãnh đạo tôn giáo bị trục xuất.
Trong khoảng 100 quốc gia được Open Doors giám sát, sự bách hại đang gia tăng mạnh mẽ. Số các Kitô hữu chạy trốn khỏi cuộc bách hại ngày càng tăng. Chẳng hạn, ở Trung Đông, ngày càng có ít Kitô hữu hơn do bị tước đoạt, bị phân biệt đối xử và bị ngược đãi, và những người trẻ tiếp tục di cư để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.
Bách hại tôn giáo liên quan đến phụ nữ
Các phân tích của phúc trình cũng cung cấp một cái nhìn tổng quan về các trường hợp bạo lực và lạm dụng đối với phụ nữ. Hàng ngàn người là nạn nhân của các vụ hãm hiếp để làm xấu hổ gia đình và cộng đồng của họ, hoặc các cuộc hôn nhân cưỡng ép nhằm mục đích ép buộc cải đạo. Phúc trình chỉ ghi lại một số ít trường hợp: hơn 2.126 vụ hãm hiếp và 717 cuộc hôn nhân cưỡng ép. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì các lý do xã hội và văn hóa, hầu hết các trường hợp không được báo cáo với chính quyền.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.