31 tổ chức tôn giáo tuyên bố ngừng đầu tư vào nhiên liệu hoá thạch
Ngọc Yến - Vatican News
Phong trào Laudato si’ cho biết, vào tháng trước, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra lời cảnh báo cuối cùng, nói rõ rằng không có chỗ cho những phát triển nhiên liệu hoá thạch mới vì lượng khí thải từ những phát triển hiện nay sẽ vượt quá lượng carbon cho phép thải ra. Tuy vậy, vẫn có những tổ chức xem thường cảnh báo này như: 20 công ty nhiên liệu hoá thạch lớn đã có kế hoạch chi gần một tỷ cho dầu và khí đốt mới cho năm 2023; chính phủ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Na Uy, Úc và Canada tiếp tục phê duyệt các dự án nhiên liệu hoá thạch mới vi phạm các cảnh báo khoa học. Phong trào cho biết thêm, kể từ Hiệp định Paris, 60 ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới đã tài trợ cho ngành nhiên liệu hoá thạch với số tiền 5,5 ngàn tỷ USD.
Theo Phong trào, ngược lại, nhiều nhóm đức tin không chỉ thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch nhưng còn vận động hành lang các ngân hàng và công ty bảo hiểm ngừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, chuyển đổi ngân hàng và hỗ trợ Hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch, như vào tháng Hai, Nhóm Anh giáo gồm 85 triệu thành viên đã kêu gọi một lệnh cấm toàn cầu đối với việc phát triển nhiên liệu hóa thạch mới và đề nghị các Giáo hội ủng hộ sáng kiến này.
Thông báo của Phong trào Laudato si’ viết: “Khi các công ty sử dụng nhiên liệu hoá thạch tiếp tục làm cho hành tinh nóng lên, ít đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhưng tìm kiếm dầu khí mới, vi phạm các cảnh báo khoa học, 31 tổ chức tôn giáo từ Mỹ, Anh, Úc, Canada, Ý và Pháp đã thông báo toàn cầu rằng họ sẽ không muốn phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch nữa. Nghĩa là khoản tiết kiệm của họ sẽ không dành cho các công ty nhiên liệu hoá thạch. Thông báo thoái vốn của 31 tổ chức tôn giáo đại diện cho hơn 2 tỷ USD tài sản được quản lý”.
Các lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo tham gia Phong trào Laudato si’ khẳng định việc thoái vốn khỏi nhiên liệu hoá thạch là lời kêu gọi của thời đại. Cần một sự thay đổi cơ bản trong cách thức hoạt động của nền kinh tế, và thoái vốn khỏi nhiên liệu hoá thạch là bước quan trọng đầu tiên.
Bà Roberta Vincini, chủ tịch của Phong trào Hướng đạo Công giáo ở Ý nói: “Chúng tôi muốn chăm sóc cho những anh chị em của chúng tôi, những người ở các vùng lãnh thổ bị bóc lột, sống trong những điều kiện rất nghèo khổ. Chúng ta phải thực hiện lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô thay đổi lối sống để bảo vệ Ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta đã vượt quá thời điểm thuận lợi để hành động.”
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.