Caritas tại Ucraina đồng hành cùng người dân trên Đàng Thánh Giá của chiến tranh
Svitlana Dukhovych - Vatican City
15 tháng sau khi Nga xâm lược Ucraina, thảm kịch của cuộc xung đột một lần nữa được kể lại bằng những con số, được cung cấp bởi Caritas-Spes - tổ chức bác ái của Giáo hội Công giáo Latinh -, và Caritas Ucraina - tổ chức bác ái của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm rưỡi, hai tổ chức này đã cung cấp hơn 7,3 triệu dịch vụ xã hội. Số người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, cả ở các khu vực giao tranh lẫn ở các thành phố, làng mạc thường xuyên bị tấn công, không ngừng gia tăng và nếu không có sự giúp đỡ, liên đới của nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ và những người thiện chí, tình hình nhân đạo sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.
Nhu cầu của người dân gia tăng
Cha Andriy Nahirniak, người phụ trách tổ chức Căn tính và Mạng lưới của Caritas Ucraina, giải thích rằng để hiểu được số lượng người cần giúp đỡ, chỉ cần nhìn vào số liệu của những người tản cư trong nước: “Trước chiến tranh, có khoảng 36 triệu người sống ở Ucraina; vào tháng 5/2022, hai tháng sau khi chiến tranh bùng nổ, đã có hơn 8 triệu người tản cư trong nước. Đến tháng 12, số lượng này đã giảm xuống còn khoảng 6 triệu, hiện tại có khoảng 5,3 triệu. Số người tản cư giảm là do mọi người sẵn sàng quay trở lại miền đất của họ, hiện đã được giải phóng và trở về nhà của họ”. Tuy nhiên, sự trở lại này không tương ứng với sự sụt giảm nhu cầu, “thực sự có lẽ chúng còn tăng lên, bởi vì ngoài những nhu cầu cơ bản, hiện còn có nhu cầu tìm kiếm sự giúp đỡ để xây dựng lại những ngôi nhà bị phá hủy.”
Chăm sóc vết thương
Hai tổ chức Caritas của Giáo hội Công giáo Ucraina đã dấn thân cung cấp thuốc men và thực phẩm, nơi trú ẩn tạm thời và các bữa ăn nóng, hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa và nhiều hơn nữa, thậm chí hỗ trợ tâm lý-tinh thần để giải quyết những vết thương vô hình. Chính cha Vyacheslav Hrynevych, SAC, giám đốc điều hành Caritas-Spes Ucraina, giải thích rằng việc chăm sóc theo chiều kích tâm linh được truyền cảm hứng từ các giá trị nền tảng của Caritas. Cha nói: “Khi chúng tôi giúp đỡ mọi người, chúng tôi cố gắng dành thời gian cho họ, lắng nghe họ và thể hiện sự quan tâm của chúng tôi, để họ cảm thấy rằng Chúa đang chăm sóc họ. Sau đó, một số người yêu cầu cộng tác với chúng tôi, để có thể giúp đỡ và trở thành tình nguyện viên. Vì vậy, chúng tôi cố gắng thể hiện khuôn mặt của Giáo hội gần gũi với con người.” Chăm sóc chiều kích nội tâm là nguồn gốc của dự án, như Cha Vyacheslav kể lại, dự án cung cấp các kỳ nghỉ ở nước ngoài cho trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh, ngay cả khi mất cha mẹ, “cho các em thoát được đôi chút tiếng còi báo động của không kích và xung đột.”
Xây dựng hòa bình
Những tổn thương cá nhân trải qua trong chiến tranh có thể được phản ánh trên bình diện xã hội, vì lý do này, như Cha Nahirniak chỉ ra, điều quan trọng là phải ngăn chặn và giúp vượt qua các xung đột trong xã hội. Một trong những dự án của Caritas Ucraina là nhằm tăng cường sự gắn kết xã hội bằng cách một mặt giúp đỡ các cộng đồng địa phương giải quyết các vấn đề nội bộ của họ và mặt khác, khuyến khích họ làm công tác xã hội. Theo cách này, một nỗ lực cũng được thực hiện để chữa lành các tâm hồn thông qua chương trình xây dựng hòa bình, nhằm khắc phục những căng thẳng trong cộng đồng nảy sinh bởi ba vấn đề quan trọng mà các nhà điều hành Caritas xác định: vấn đề về ngôn ngữ, vấn đề tiếp cận viện trợ nhân đạo và vấn đề về truyền thống và văn hóa. Cha Nahirniak nói thêm: “Chúng tôi phải nhận thức được tất cả những vấn đề này để đảm bảo sự chung sống hòa bình trong cộng đồng của chúng tôi, bởi vì cùng chung sống hòa bình có nghĩa là hiệp nhất và chúng tôi cần xây dựng sự hiệp nhất ở cấp làng xã và thành phố. Đây là cách mà sự thống nhất của đất nước chúng tôi được xây dựng, cũng bắt đầu từ gia đình.”
Vết thương của các gia đình
Cha Hrynevych cũng nói về việc xây dựng hòa bình: “Điều này không chỉ liên quan đến thái độ của chúng tôi đối với người Nga bởi vì còn hơi sớm để nói về nó, chúng tôi phải đợi thời điểm của công lý. Ngược lại, đó là việc xây dựng các mối quan hệ trong một gia đình mà người chồng đang ở trên chiến trường và người vợ đang ở nước ngoài. Ở đây cũng vậy, hòa bình phải được vun đắp, để gia đình được đoàn tụ, bởi vì người chồng trở về từ mặt trận, thường mắc hội chứng hậu chấn thương, cần tìm lại vị trí của mình trong một gia đình đã bị chia cắt bởi chiến tranh. Các quy trình này rất phức tạp và chúng tôi muốn giúp đỡ mọi người vì sứ mạng của Caritas là chữa lành những vết thương và vết sẹo sẽ còn tồn tại qua nhiều thế hệ”.
Quan tâm chăm sóc những người hoạt động cho Caritas
Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, số lượng các dự án do hai tổ chức Caritas ở Ucraina thực hiện đã tăng lên đáng kể và do đó, số lượng nhân viên và tình nguyện viên cũng tăng lên. Giống như tất cả người Ucraina, họ cũng đang trải qua những bi kịch và khó khăn do chiến tranh gây ra và họ cũng cần được quan tâm và chăm sóc. Cha Andriy Nahirniak vô cùng đau buồn nhớ lại cái chết của một số nhân viên của Caritas Mariupol, trong tháng đầu tiên của cuộc chiến: “Đối với chúng tôi, đó là một thảm kịch”. Sự quan tâm đến nhân viên và tình nguyện viên đã thúc đẩy Caritas Ucraina mở ra một chương trình mới, đó là chăm sóc nhân viên, tức là có người cung cấp tư vấn tâm lý, tổ chức các cuộc họp, khóa đào tạo và các chương trình phục hồi tinh thần. “Đây là yếu tố rất quan trọng, vì nếu không có người hoạt động thì không giúp được người gặp khó khăn”.
Chặng Đàng Thánh Giá đã kéo dài đã hơn 15 tháng
Cha Hrynevych nói tiếp: “Đó là một khoảng thời gian rất khó khăn đối với chúng tôi; thật khó để làm việc khi có các cuộc tấn công và đánh bom, bởi vì một mặt, chúng tôi phải nghĩ đến sự an toàn của chính mình, mặt khác chúng tôi hiểu rằng chúng tôi phải tiếp tục công việc của mình, bởi vì mọi người đang chờ đợi sự giúp đỡ của chúng tôi”. Cha cũng cảm thấy khối lượng công việc và trách nhiệm gia tăng. Cha giải thích rằng chính sự cống hiến hết mình của các cộng tác viên của cha giúp cha có thể chịu đựng nổi sự căng thẳng này. Cha chia sẻ: “Đối với họ, đó không phải là công việc, mà là phục vụ, bởi vì họ làm việc 24/24 và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm chung”. Trong tình huống này, những khoảnh khắc chia sẻ là rất quan trọng, khi các đồng nghiệp có thể nói về nỗi đau, hy vọng và tìm cách để hiểu những gì họ đang trải qua. Cha Vyacheslav kết luận: “Tôi đã đi đến kết luận rằng đối với chúng tôi đây là một Đàng Thánh Giá thực sự, đã diễn ra gần một năm rưỡi, mỗi ngày chúng tôi có thể gục ngã rồi đứng dậy... Đôi khi bạn chỉ muốn gục ngã dưới sức nặng của cây thánh giá này và không bao giờ đứng dậy nữa, bạn chỉ muốn trốn tránh, vì bạn cảm thấy thực sự mệt mỏi. Và tất cả chúng tôi đều như vậy. Nhưng sau đó bạn nhớ rằng đây là chiến tuyến đầu tiên của bạn, chiến tuyến của bạn, trách nhiệm xã hội và bạn hiểu rằng nếu không có bạn, một số người nhất định sẽ không nhận được sự giúp đỡ, rằng đối với một số người, Thiên Chúa sẽ không thể hành động, bởi vì chúng ta là dụng cụ của Người. Do đó bạn đứng dậy đi tiếp, dọc đường bạn gặp bà Vêrônica lau mặt cho Người, gặp ông Simon người Kyrênê vác đỡ Thánh giá cho Người. Và vì vậy chúng tôi mang nó lại với nhau. Và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chúng tôi hy vọng sẽ có một khoảnh khắc phục sinh. Trên thực tế, đây là điều mà Giáo hội mang lại: hy vọng. Tin tốt lành là trong thực tế, có rất nhiều người trên khắp thế giới ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi. Và khi bạn nhìn thấy ánh mắt của những đứa trẻ trở về từ những kỳ nghỉ mà chúng tôi tổ chức ở nước ngoài, hay ánh mắt của những người đã được giúp đỡ, đó thực sự là một sự khích lệ, và đây là động lực để chúng tôi tiếp tục phục vụ.”
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.