Do thái cực đoan chống Kitô hữu tại Thánh Địa
Giuse Trần Đức Anh O.P.
Những vụ mới nhất
Hôm thứ Năm 27/7/2023, hãng tin Công Giáo Đức KNA đưa tin: sáng sớm cùng ngày, 2 xe bus chở những người Do Thái cực đoan, nhóm Chassidim, đã tấn công Đền Thánh "Đức Mẹ Sao Biển” trên núi Carmel ở thành phố Haifa của Israel và đụng độ với các tín hữu Công Giáo canh giữ tại đây.
Ông Wadie Abunassar, cộng tác viên của hãng tin Công Giáo Đức, sống tại địa phương, xác nhận với hãng tin này.
Đây là lần thứ hai xảy ra như thế. Lần đầu có hơn 30 người Chassidim đến Đền Thánh với lý do là muốn cầu nguyện. Nhưng chủ đích là để tấn công và chiếm nơi này. Các cha dòng Cát Minh coi sóc Đền Thánh đã báo cảnh sát. Đến nơi, cảnh sát buộc những người Do Thái lên xe bus và rời khỏi đền thánh. Nhóm này là đồ đệ của Rabbi Eliezer Berland del Shuvu Achim Yeshiva. Họ tin rằng trong Đền Thánh có mộ của ngôn sứ Elisêô và vì thế - họ nói - nơi này là của họ.
Ông Abunasser trách cứ cảnh sát Israel đã thiên vị và không thẳng tay với những người gây hấn. Ngay tối thứ Năm 27/7 đã có buổi cầu nguyện tại Đền Thánh Đức Mẹ Sao Biển để liên đới với Đan viện Cát Minh tại đây.
Trước đó, tuyên bố với đài truyền hình Arập vào tối Chúa Nhật 23/7/2023, ông Abunasser bác bỏ lập luận của nhóm Chassidim về mộ của ngôn sứ Elisêô và nói rằng: "Giả sử chúng tôi tìm thấy mộ của Ngôn Sứ, thì chúng tôi đã trình bày cho mọi người với tất cả sự tôn kính. Nhưng đan viện này có từ 400 năm tại đây và chúng tôi không thấy Elisêô và mộ của Ngôn Sứ” (KNA 27-7-2023).
Những vụ như vừa nói có vẻ không trầm trọng, nhưng giữa các tín hữu Kitô sống trong vùng, sự lo sợ lan rộng. Ví dụ hôm Chúa Nhật 23/7/2023, một người Do Thái dắt chó vào nhà thờ Mar Elias thuộc khu phố Wadi Nusna cũng ở thành Haifa, với chủ ý tạo nên xáo trộn trong buổi lễ. Sau nhiều phản đối và yêu cầu, người ấy ra đi, miệng tuyên bố đòi chủ quyền trên nơi thánh ấy.
Ông Jafar Farah, giám đốc Trung Tâm thăng tiến các quyền của người Israel Arập, cho biết "Các tín hữu Kitô Arập nghi rằng những người Do Thái siêu bảo thủ muốn chiếm thánh đường Mar Elias, như họ đã làm tại al-Khadr, một nơi quan trọng đối với các tín hữu ba tôn giáo độc thần Do Thái, Kitô và Hồi giáo, nhưng trong những năm gần đây đã được tu bổ và dùng làm nơi cầu nguyện của Do Thái giáo”.
Hiện tượng đáng lo âu
Những vụ trên đây nằm trong hàng loạt những vụ gây hấn, tấn công các Kitô hữu tại Thánh Địa.
Tờ Jerusalem Post, ra ngày Chúa Nhật 16/7/2023 cho biết tối thứ Bảy 15/7 trước đó, cảnh sát Israel đã bắt giữ hai thanh niên Do Thái bị tình nghi phá hoại một thánh đường Công Giáo tại Giêrusalem: một người 18 tuổi và một người 24 tuổi đã bị nghi là phá hoại thánh đường thánh Elisabeth của người Ba Lan ở đường Hahoma-Hashlishit. Tại đây cũng có nữ tu viện dòng thánh Elisabeth và nhà trọ cho khách hành hương Ba Lan. Ban đầu có 4 người bị bắt, nhưng sau đó chỉ có 2 người bị đưa ra tòa.
Đại diện cảnh sát Israel tuyên bố rằng "Chúng tôi rất chú ý đến những vụ phá hoại các tổ chức và các nơi thờ phượng của các tôn giáo. Chúng tôi sẽ quyết liệt chống lại những hành vi bạo lực và phá hoại tại các cơ sở của mọi tôn giáo”.
- Hoặc một vụ khác: hôm Chúa Nhật 18/6/2023, cửa kiếng màu của Nhà Tiệc Ly trên núi Sion ở Giêrusalem đã bị một người Do Thái cực đoan ném đá làm vỡ. Các nhân viên an ninh hiện diện đã bắt thủ phạm. Đương sự 30 tuổi, từng được cảnh sát biết đến, đã được quan tòa trả tự do với điều kiện không được đến gần cổ thành Giêrusalem nữa.
Nhà Tiệc Ly là nơi Chúa Giêsu đã dùng bữa tối cuối cùng với các môn đệ trước khi ra đi chịu khổ nạn.
Phản ứng của Giáo quyền
Trước tình trạng như thế, các vị lãnh đạo Kitô ở Thánh Địa đã lên tiếng tố giác và coi những vụ này có liên hệ tới sự kiện có những thành phần Do thái cực đoan, cực hữu, tham gia chính phủ mới của Israel, và những thành phần cực đoan cảm thấy được khuyến khích do sự kiện đó.
Cha Francesco Patton, bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, khi trả lời phỏng vấn dành cho một đài truyền hình Israel, ngài tố giác một số chính trị gia Israel xách động làn sóng bạo lực qua những tuyên bố chính trị gây hấn. Cha Patton cũng nhắc đến vụ xúc phạm nghĩa trang của Cộng đoàn Tin Lành Luther ở Giêrusalem, vụ phá hoại nhà nguyện của Giáo Hội Công Giáo Maronite, phun sơn để viết hàng chữ "Đập chết những người Kitô”, trên một cơ sở của Giáo hội Armenia, như những bằng chứng về sự leo thang các tội ác oán ghét.
Phản ứng từ phía chính phủ Israel
Hôm 13/7/2023, lần đầu tiên từ 12 năm nay, một ngoại trưởng của Israel đã đến thăm Tòa Thánh, đó là Ông Eli Cohen. Ông đã hội kiến với Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher.
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí sau đó, ngoại trưởng Eli Cohen xác quyết rằng "Chúng tôi đã cam kết bảo vệ an ninh và phẩm giá của các Kitô hữu, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm, chúng tôi tuyệt đối không bao dung đối với những vụ bạo hành dựa trên oán ghét. Tôi đã cám ơn Tòa Thánh vì các hoạt động quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn bài Do thái và giúp giải quyết vấn đề các tù nhân và những người Israel bị mất tích. Tôi đã mời Vatican chấp nhận định nghĩa quốc tế về nạn bài Do thái, theo Liên Minh Quốc tế tưởng niệm cuộc Diệt chủng Do thái (International Holocaust Remembrance Alliance, (IHRA)
Trước đó, ngày 28/6/2023, Chủ tịch Quốc hội Israel, ông Amir Ohama, cũng lên án những vụ bạo hành gia tăng chống các tín hữu và cơ sở của Kitô giáo tại Thánh Địa và hứa dấn thân bênh vực tự do tôn giáo.
Tuyên bố sau khi gặp Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa, thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo Latinh ở Thánh Địa, ông Ohana bày tỏ lập trường trên đây và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đối thoại liên tôn cũng như tôn trọng tự do tôn giáo.
Các Rabbi Âu Châu lên tiếng
Cả Hội đồng các Rabbi Do Thái giáo Âu Châu (CER) cũng lên án những vụ tấn công mới đây chống Kitô giáo ở Israel
Hôm 23/7/2023, Rabbi trưởng Pinchas Goldschmits, Chủ tịch Hội đồng Rabbi Âu Châu, tuyên bố tại thành phố Munich, nam Đức, rằng: "Chúng tôi lên án một loạt các vụ tấn công bằng lời nói và thể lý chống lại các giáo sĩ và giáo dân Kitô. Những hành động này đi ngược với các giá trị tự do tôn giáo, vốn là nền tảng của Israel và giáo huấn của Do Thái giáo”.
Hội đồng các Rabbi Âu Châu, gọi tắt là CER, qui tụ một ngàn Rabbi thành viên, trong đó có 800 Rabbi còn hoạt động, từ Dublin bên Ai Len đến Vladivostok ở miền cực đông Nga. Hội đồng nhắm bảo vệ tự do tôn giáo và đối thoại liên tôn, liên văn hóa với người Hồi giáo và Kitô giáo.
Lập trường của Đức Thượng Phụ Pizzaballa
Trước những hành động chống Kitô hữu trên đây, Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa, cũng là một Hồng Y tân cử, đã nhiều lần lên tiếng.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, hôm 26/7/2023, ngài bày tỏ lo âu trước những hiện tượng ấy và đặc biệt nói đến vấn đề huấn luyện và giáo dục trong một số môi trường Do Thái, đồng thời ngài cảnh giác không nên tổng quát hoá. Phần lớn người Do Thái, và cả những người sùng đạo, không liên hệ gì tới tình trạng hiện nay. Ngài nói: "Trong những tháng gần đây, chúng ta đã thấy bao nhiêu vị Rabbi đã viết và lên tiếng công khai chống lại hiện tượng cực đoan đó, nhưng cũng có một vài người xách động bạo lực. Cũng có một thế hệ mới những người Do thái định cư trên đất Palestine, họ không quen gặp gỡ những thực tại khác với họ. Có một bầu không khí bạo lực chung trong nước chúng ta thấy giữa lòng xã hội Israel cũng như trong xã hội Palestine. Vì thế có một tình trạng văn hóa chung cực đoan ảnh hưởng trên mọi sự”.
Thực tế là hiện có một cộng đoàn Kitô cảm thấy mình là đối tượng của những vụ tấn công kỳ thị dựa trên bạo lực tôn giáo, oán ghét và coi rẻ tôn giáo, và nó tạo nên trong cộng đồng Kitô sự căng thẳng, bất mãn, và nhiều khi thịnh nộ.
Về những nơi của Kitô giáo bị người Do Thái cực đoan đe dọa chiếm đóng, Đức Thượng Phụ Pizzaballa nói: "Chúng tôi không muốn sự bảo vệ, nhưng muốn những bảo đảm, muốn các quyền; chúng tôi muốn sống như những công dân tự do trong một Nước dân chủ”. Bổn phận của chính quyền Israel đối người Israel và Palestine đối với người Palestine bảo đảm sao cho mọi thực tại trên lãnh thổ có trách nhiệm được an toàn, bất luận họ thuộc tôn giáo, văn hóa, chủng tộc nào”.
Sau cùng, ngài cho biết có những lý do để hy vọng, vì những tình trạng này đã tạo ra những phản ứng mạnh, thường là rất mạnh trong xã hội Israel cũng như trong xã hội tôn giáo hơn cả nơi các tín hữu Kitô, vì thế sự ý thức về vấn đề giữa lòng xã hội Israel như thế sẽ mang lại hoa trái với thời gian”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.