Các trường Công giáo ở Libăng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội
Vatican News
Vào tháng 10/2019, người dân Libăng đã biểu tình chống lại sự tham nhũng, cuộc khủng hoảng kinh tế, tiền lương sụt giảm và các thể chế của Libăng vẫn bị tê liệt bởi sự chia rẽ chính trị.
Thước đo của cuộc khủng hoảng này được thể hiện ở các trường học, đặc biệt là các cơ sở Công giáo. Với 325 trường, các trường Công giáo ở Libăng vẫn là một mắt xích thiết yếu trong việc phục vụ tất cả các cộng đồng ở nước này, giáo dục gần 200.000 trẻ em trong nước.
Những khó khăn các trường Công giáo ở Libăng phải đối mặt
Cha Nasser Youssef, tổng thư ký ủy ban giáo dục Công giáo ở Libăng giải thích: "Chúng tôi đang tiếp tục sứ mạng của mình bất chấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng". Cha cho biết lương của giáo viên đã bị mất giá, số tiền cách đây vài năm có giá trị bằng 2.000 đô la thì ngày nay chỉ còn giá trị bằng 20 đô la".
Chi phí vận hành của các cơ sở giáo dục cũng trở thành gánh nặng to lớn đối với mạng lưới Công giáo, đặc biệt là chi phí điện.
Ở nhiều trường, hiệu trưởng đã thành lập quỹ liên đới, được sự đồng ý của phụ huynh, nhằm giúp giáo viên duy trì mức lương xứng đáng. Khoảng 20% phụ huynh học sinh trong nền giáo dục Công giáo có đủ khả năng tài trợ cho quỹ liên đới này.
Phần tài chính còn lại được cung cấp bởi các tổ chức phi chính phủ như L'Œuvre d'Orient, Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ hoặc quỹ Raoul Follereau. Cha Youssef Nasser giải thích: "Sự hỗ trợ xã hội này dành cho giáo viên của chúng tôi là điều cần thiết để giữ họ trong hệ thống của chúng tôi, nếu không chúng tôi có nguy cơ mất họ". Cha cho biết ít nhất 20% giáo viên của ngành giáo dục Công giáo đã bỏ vị trí do cuộc khủng hoảng, đặc biệt là vào năm 2023. Bất chấp sự hỗ trợ này, lương của giáo viên không đạt 50% thu nhập mà họ có trước cuộc khủng hoảng. Không được chính phủ quan tâm, Giáo hội tiếp tục đấu tranh cho sự sống còn của ngành giáo dục và sứ mạng Công giáo của mình.
Giáo hội nỗ lực duy trì sứ mạng giáo dục
Giáo dục thực sự vẫn là sứ mạng quan trọng của Giáo hội tại Libăng, nhưng ngày nay sứ mạng này đang suy yếu hơn bao giờ hết. Cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây, cộng thêm cuộc chiến ở Nam Libăng, đã buộc một số cơ sở Công giáo ở nước này phải đóng cửa, một điều thực sự đau lòng đối với các nhà giáo dục.
Sơ Marie-Antoinette Saadé, bề trên của dòng Thánh Gia nghi lễ Maronite, nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô II: "Nếu ngành giáo dục tôn giáo tư nhân sụp đổ, thì 'thông điệp Libăng [sự hòa hợp liên tôn] cũng có thể sụp đổ".
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.