Tìm kiếm

A Palestinian man holds his children as he walks next to buildings destroyed in an Israeli strike, in Khan Younis

Những gì đang diễn ra ở Gaza không phải là một “Chiến tranh chính đáng”

Phản đối lối diễn đạt của một số chính trị gia đối với giáo lý Công giáo nhằm biện minh cho bạo lực đang diễn ra ở Dải Gaza, ngày 30/6 vừa qua, qua hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin Mừng, Uỷ ban Công lý và Hoà bình của Thánh Địa tuyên bố rằng những gì đang diễn ra ở Gaza không phải là một “Chiến tranh chính đáng”.

Vatican News

Văn bản được Uỷ ban công bố có đoạn viết: “Là những người Công giáo ở Thánh Địa, cùng chia sẻ tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô về một thế giới hoà bình, chúng tôi phẫn nộ vì các chính trị gia ở Israel và nước ngoài đang sử dụng lý thuyết về ‘Chiến tranh chính đáng’ để kéo dài và hợp pháp hoá cuộc chiến đang diễn ra ở Dải Gaza”.

Tài liệu của Uỷ ban Công lý và Hoà bình của Thánh địa tái đề xuất các điều kiện thiết yếu cho phép định nghĩa thế nào là “Chiến tranh chính đáng” theo quan điểm của giáo lý Công giáo, được thể hiện trong số 2309 của sách Giáo lý Giáo hội Công giáo. Theo đó, việc sử dụng vũ khí được cho là hợp pháp để đối phó với sự xâm lược đã gây ra thiệt hại và bất công nghiêm trọng và lâu dài, trong khi tất cả các phương thế khác để chấm dứt tình trạng này rõ ràng là bất khả hoặc vô hiệu; Phải hội đủ các điều kiện quan trọng để thành công; Việc sử dụng vũ khí không kéo theo những tai hại và hỗn loạn nghiêm trọng hơn tai hại đang cố loại trừ.

Theo Uỷ ban, các cuộc chiến chính đáng phải phân biệt rõ giữa dân thường và người tham chiến, một nguyên tắc đã bị cả hai bên Israel và Hamas phớt lờ trong cuộc chiến với kết quả bi thảm này. Các cuộc chiến tranh chính đáng cũng phải sử dụng vũ lực một cách hợp lý, điều không thể dễ dàng nói về một cuộc chiến trong đó số người Palestine thiệt mạng cao gấp hàng chục ngàn lần so với Israel và trong đó phần lớn thương vong là phụ nữ và trẻ em.

Thực tế, các cuộc chiến tranh “chính đáng” chỉ có thể tồn tại trong những trường hợp rất hiếm hoi. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh phát triển của ngành công nghiệp vũ khí hiện đại, có khả năng gây ra cái chết và sự hủy diệt ở quy mô không xác định.

Tài liệu cũng trích những lời nhắc nhở liên tục của Đức Thánh Cha, bắt đầu từ ngày 11/10/2023, bốn ngày sau các cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel. Ngài đã kêu gọi quyền tự vệ của Israel sau cuộc tấn công của Hamas, đồng thời bày tỏ quan ngại về cuộc bao vây ở Gaza, nơi có nhiều nạn nhân vô tội.

Uỷ ban khẳng định: có người cho rằng cuộc chiến tuân theo các quy tắc “tương xứng”, và lập luận rằng một cuộc chiến kéo dài đến cùng có thể cứu mạng sống của người Israel trong tương lai, đặt ở một khía cạnh khác của quy mô là hàng ngàn sinh mạng Palestine đã thiệt mạng trong hiện tại. Bằng cách này, sự an toàn của những người giả định trong tương lai được ưu tiên hơn so với mạng sống của những người đang sống và đang bị giết mỗi ngày. Nói tóm lại, việc thao túng ngôn ngữ của lý thuyết chiến tranh chính đáng không chỉ là về từ ngữ: nó đang gây ra những hậu quả rõ ràng và tai hại.

Tài liệu của Ủy ban Công lý và Hòa bình nhấn mạnh, mặc dù là một cộng đoàn nhỏ ở Thánh địa, nhưng là những người Công giáo, các tín hữu là một phần không thể thiếu trong căn tính của vùng đất này. Không được sử dụng truyền thống thần học Công giáo để biện minh cho bạo lực đang diễn ra. Chứng tá mà các tín hữu đưa ra không phải về chiến tranh nhưng là tình yêu biến đổi, về tự do và bình đẳng, về công lý và hòa bình, về đối thoại và hòa giải.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

02 tháng bảy 2024, 11:10