HĐGM Nigeria cảnh báo đất nước đang ngồi trên quả bom hẹn giờ
Vatican News
Đề cập đến các cuộc biểu tình gần đây của giới trẻ chống lại chính sách kinh tế của tổng thống Bola Tinubu, Đức cha Ugorji cho rằng sẽ có các cuộc biểu tình tiếp theo nếu chính phủ không có hành động đáp ứng kêu cầu của họ. Ngài nói: “Nếu đất nước vẫn còn nghèo đói, đau khổ và tham nhũng, và nếu tương lai của những người trẻ ở đất nước chúng ta vẫn còn ảm đạm, thì vẫn còn những cuộc biểu tình”.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục phê bình phản ứng của chính phủ liên bang, và đặc biệt “một số quan chức chính phủ, những người thay vì đối phó với cái ác lại bận rộn với việc chối bỏ trách nhiệm và tìm kiếm ‘vật tế thần’”.
Ngài mạnh mẽ nói: “Thực vậy, chúng ta đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ trong khi các nhân viên an ninh cố gắng đàn áp những người tham gia biểu tình và những người ủng hộ họ bằng những cáo buộc bịa đặt. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng họ đang cố gắng tước bỏ các quyền dân chủ và tự do biểu tình của công dân hoặc tạo ấn tượng rằng mọi thứ trong nước đều ổn và thực sự không cần thiết phải biểu tình. Điều này là ảo tưởng và đáng lên án”.
Đức cha Ugorji kêu gọi tổng thống Tinubu xem xét lại các chính sách kinh tế của ông, đồng thời nhấn mạnh rằng hậu quả là người dân Nigeria đang phải gánh chịu hậu quả.
Phong trào phản kháng chính phủ đã tuyên bố kéo dài 10 ngày biểu tình và đình công trên khắp Nigeria từ ngày 01 đến ngày 10/8. Các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực do các phần tử côn đồ xâm nhập vào những người biểu tình ôn hòa và phản ứng tàn bạo của cảnh sát khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hơn một ngàn người bị bắt giữ. Bạo lực lớn nhất xảy ra ở các bang phía Bắc. Tại Kano, có khoảng 873 nghi phạm bị cảnh sát bắt giữ, những kẻ côn đồ cải trang thành người biểu tình đã tấn công và phá hoại các văn phòng chính phủ cũng như cướp bóc tài sản cá nhân.
Theo báo chí Nigeria, các cuộc biểu tình mới được lên kế hoạch vào tháng 10. Yêu cầu của các nhà lãnh đạo phong trào phản đối chính phủ không chỉ giới hạn ở việc kêu gọi khôi phục trợ cấp nhiên liệu, mà còn giải quyết tình trạng giá các nhu yếu phẩm cơ bản tăng theo cấp số nhân. Trong số các yêu cầu có việc tăng mức lương tối thiểu cho người lao động, cải cách lực lượng cảnh sát vốn bị coi là tham nhũng và bạo lực, và hệ thống tư pháp vốn bị coi là bất công và tham nhũng.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.