Các cuộc tấn công chống Kitô giáo vì thù hận tăng 44% ở châu Âu
Vatican News
Thông tin được tổ chức đưa ra trong tuyên bố nhân Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân của các Hành vi Bạo lực vì lý do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng, do Liên Hợp Quốc thành lập vào năm 2019, được tổ chức vào ngày 22/8.
Oidac Europe cảnh báo về tình trạng bạo lực chống Kitô giáo, thật đáng tiếc là cũng đang hiện diện ở châu Âu, “như những ví dụ gần đây đã chứng minh”.
Tấn công nhà thờ, nghĩa trang và Kitô hữu
Anja Hoffmann, giám đốc điều hành của Oidac Europe, giải thích: “Hầu hết các cuộc tấn công chống Kitô giáo ở châu Âu đều nhằm vào các nhà thờ và nghĩa trang, nhưng thật không may, chúng ta cũng tiếp tục chứng kiến các cuộc tấn công bạo lực chống lại các cá nhân Kitô hữu”.
Báo cáo đưa ra ví dụ là Bộ Nội vụ Pháp đã ghi nhận gần 1.000 tội ác căm thù chống Kitô giáo vào năm 2023. Trong khi 90% các vụ việc này nhắm vào các nhà thờ và nghĩa trang, các cơ quan thống kê của Bộ cũng ghi nhận 84 vụ tấn công cá nhân với động cơ chống tôn giáo chống lại các Kitô hữu.
Theo Oidac Europe, các cuộc tấn công bạo lực vẫn chưa dừng lại vào năm 2024. Kể từ đầu năm, Trung tâm quan sát này đã ghi nhận 25 trường hợp bạo lực thể lý, đe dọa và âm mưu giết hại các Kitô hữu ở Vương quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Áo, Ba Lan và Serbia. Trong một số trường hợp, toàn bộ cộng đoàn đã trở thành mục tiêu. Ví dụ, vào tháng 6, Giáo hội Phục Lâm ở Dijon đã bị tấn công bằng hơi cay trong một cử hành tôn giáo tại nhà thờ, gây hoảng loạn và làm 9 người bị thương.
Kitô hữu gốc Hồi giáo là đối tượng dễ bị tấn công
Bà Hoffmann lưu ý: “Một nhóm đặc biệt dễ bị bạo lực là những người Hồi giáo theo Kitô giáo”. Vào tháng 5, một tòa án ở Anh đã kết án tù một người đàn ông vì âm mưu giết Javed Nouri, một Kitô hữu gốc Hồi giáo, vì anh ta coi Nouri là kẻ bội giáo “đáng phải chết”. Vào tháng 4, một tòa án Ý đã ra phán quyết về một vụ án tương tự liên quan đến một người Hồi giáo Tunisia theo Kitô giáo, đã bị đồng bào của mình đánh đập vì “đi nhà thờ Kitô giáo”.
Theo Oidac Europe, cả hai trường hợp đều rất ít được giới truyền thông đưa tin. Bà Hoffmann kết luận: “Quyền cải đạo là một yếu tố thiết yếu của tự do tôn giáo. Do đó, các chính phủ châu Âu phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ, đặc biệt là những người gốc Hồi giáo theo Kitô giáo, những người có nguy cơ bạo lực cao”. (SIR 21/08/2024)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.