Caritas Giêrusalem kêu gọi ngừng bắn ở Gaza để cung cấp vắc xin chống bại liệt cho trẻ em
Hồng Thủy - Vatican News
Giai đoạn 1 của chiến dịch tiêm phòng bệnh bại liệt cho trẻ em ở Gaza đã được bắt đầu tiến hành từ ngày 1/9 và kéo dài đến ngày 4/9/2024. Các nhóm của Caritas Giêrusalem phối hợp với Bộ Y tế Gaza và với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với hai đơn vị y tế trong khu vực Deir al-Balah, với hy vọng mang lại điều tốt lành cho người dân.
Chiến dịch tiêm chủng chống bệnh bại liệt đã được Tổ chức Y tế Thế giới lên kế hoạch cùng với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef), Bộ Y tế Gaza và các tổ chức nhân đạo khác. Chiến dịch có sự tham gia của 2.700 nhân viên y tế và 708 đội tiêm chủng tại hiện trường: mục đích là tiêm chủng cho 640 ngànn trẻ em dưới 10 tuổi.
Caritas Jerusalem không chỉ dấn thân ở việc tiêm chủng: “7 trong số 9 trung tâm y tế hiện đang hoạt động (hai trung tâm không thể hoạt động do điều kiện an toàn) phối hợp tổng cộng 14 đội y tế. Một trong số đó ở Thành phố Gaza (thuộc giáo xứ Thánh Gia), những nơi khác ở phía nam Wadi Gaza, ở Nuseirat, Khanyounis, Deir al Balah. Tình hình vẫn còn thảm khốc và có nguy cơ cao".
Đến nay, với các chương trình của Caritas, hơn 28 ngàn người đã được hỗ trợ, trong đó 12 ngàn người được trợ giúp về sức khỏe, 500 người được hỗ trợ tâm lý và hơn 3.000 gia đình được hỗ trợ kinh tế. Caritas Giêrusalem được Caritas Ý hỗ trợ trong các hoạt động nhân đạo. Cùng hoạt động trong chiến dịch tiêm chủng tại Gaza là tổ chức Bác sĩ Không Biên giới. Ramiro Garcia Cantugal, điều phối viên y tế của Tổ chức cho biết, "vấn đề của chiến dịch tiêm chủng là vấn đề an ninh. Một khó khăn khác là thiếu điện".
Tổ chức hiện có 5 trung tâm y tế, tất cả đều ở phía nam Dải Gaza, nơi dự kiến có khoảng 25.000 đến 30.000 trẻ em được tiêm chủng. Bác sĩ Cantugal chia sẻ: “Mục tiêu là tiếp cận 95% trẻ em dưới 10 tuổi trên toàn Gaza. Nếu không đạt được tỷ lệ này, nguy cơ xảy ra dịch bệnh vẫn có và điều chúng ta phải làm là thực hiện nhiều chu kỳ tiêm chủng hơn để cố gắng đạt 95% và thực sự giảm thiểu nguy cơ xảy ra dịch bệnh".
Ông nhấn mạnh một vấn đề nữa: “Một khó khăn khác trong chiến dịch này là thiếu điện. Điện ở Gaza đến từ máy phát điện: Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới đang đảm bảo có đủ điện để duy trì dây chuyền lạnh cần thiết cho chiến dịch tiêm chủng”. (SIR 02/09/2024)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.