Tại G20, Đức Hồng y Parolin kêu gọi các nước giàu xóa nợ cho các nước đang phát triển
Vatican News
Phát biểu tại Hội nghị, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã nhấn mạnh đến sự chuyển dịch quyền lực từ các quốc gia dân tộc sang các tổ chức đa phương quốc tế đã diễn ra trong thế kỷ qua.
Đức Hồng y Parolin chỉ ra rằng sau Thế chiến thứ hai, số các quốc gia giành được độc lập gia tăng và thay đổi cấu trúc của bối cảnh chính trị thế giới. Do đó, các tổ chức đa phương quốc tế “dường như đang gặp phải những thách đố trong việc đáp ứng các yêu cầu của thế kỷ 21”.
Như một giải pháp, Quốc vụ khanh Tòa Thánh kêu gọi một sự thay đổi, một “sự suy nghĩ lại về các khuôn khổ sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác quốc tế hiệu quả”. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình và ổn định, đồng thời học cách phản ứng với những thách đố mới và tạo ra “các cơ chế toàn cầu có thể ứng phó với các vấn đề về môi trường, sức khỏe cộng đồng, văn hóa và xã hội, cũng như trí tuệ nhân tạo”. Theo ngài, tất cả những diễn biến này phải tôn trọng các quyền cơ bản của con người, các quyền xã hội và chăm sóc môi trường.
Tham chiếu đến Tông huấn Laudate Deum của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng y Parolin đã cảnh báo về một “quyền lực toàn cầu tập trung vào một người hoặc vào một nhóm tinh hoa có quyền lực quá mức”.
Bất kỳ cải cách nào trong tương lai đối với các chính phủ trên thế giới đều phải tính đến các nguyên tắc bổ trợ và sự tham gia bình đẳng, để, như Đức Thánh Cha đã viết, các quy tắc toàn cầu hiệu quả “có thể cho phép ‘cung cấp’ sự bảo vệ toàn cầu”. Để làm được điều này, ngài đề xuất rằng các quốc gia giàu có hơn phải thừa nhận tác động của các quyết định trong quá khứ của họ và xóa nợ cho các quốc gia không bao giờ có khả năng trả nợ. Ngài nói: “Hơn cả vấn đề về lòng quảng đại, đây là vấn đề công lý”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.