Ngày cuối năm hát Thánh Thi “Te Deum” – Lạy Thiên Chúa
Hồng Thủy - Vatican
Mỗi năm, vào chiều ngày 31/12, tại đền thờ thánh Phêrô, ĐTC lại chủ sự giờ Kinh Chiều một lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và sau đó ngài sẽ cùng các tín hữu hát Thánh thi Te Deum (tiếng Việt thường được dịch là Lạy Thiên Chúa). Vậy Thánh thi này có ý nghĩa gì và tại sao lại được hát vào dịp này.
“Te Deum” là tên tiếng Latinh của một bài Thánh thi tạ ơn nổi bật nhất của Kitô giáo, lấy từ những chữ đầu của bài Thánh thi. Tên đầy đủ của bài ca này là “Te Deum laudamus” (Lạy Thiên Chúa, chúng con ngợi khen Chúa).
Cử hành
Theo truyền thống, bài thánh thi này được hát trong giờ Kinh Chiều một lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, vào chiều cuối năm 31/12, để tạ ơn Chúa về năm vừa qua, hoặc trong những sự kiện trọng thể như tại Nhà Nguyện Sixtine, khi vị Giáo hoàng mới được bầu chọn, trước khi giải tán mật nghi bầu Giáo hoàng, hoặc kết thúc một Công đồng.
Trong giờ Kinh Thần vụ (các linh mục và tu sĩ đọc mỗi ngày), Thánh thi “Te Deum” còn được đọc hay hát sau các giờ Kinh Sách vào các ngày lễ Trọng và Chúa nhật ngoài Mùa Chay, các ngày trong Tuần Bát Nhật Phục sinh và Giáng sinh.
Thánh thi “Te Deum” cũng còn được hát trong một số dịp khác, tùy theo phong tục địa phương.
Tác giả
Quyền tác giả của bài thánh thi này đã được tranh luận rất nhiều. Theo truyền thống, người ta cho rằng thánh Cipriano đã sáng tác nó, nhưng ngày nay các chuyên viên cho rằng Nicetus, Giám mục của Remesiana, sống vào cuối thế kỷ thứ IV, là người đã biên soạn sau cùng.
Theo một truyền thuyết, bài Thánh Thi “Te Deum” đã được thánh Ambrosio và thánh Augustino hát vào ngày lễ rửa tội của thánh Augustino tại Milan năm 386, do đó nó được gọi là “Thánh thi Ambrosio).
Phổ nhạc
Thánh thi “Te Deum” được nhiều nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc: Giovanni Pierluigi da Palestrina, de Victoria, Händel, Mendelssohn, Mozart, Haydn e Verdi.
Nội dung
Thánh Thi “Te Deum” có thể được chia thành 3 phần:
- Phần I: từ đầu (Lạy Thiên Chúa) cho đến câu “Cùng Thánh Thần, Đấng an ủi yêu thương.”, là lời ngợi khen Chúa Ba Ngôi.
- Phần II: từ câu “Lạy Đức Kitô” cho đến câu “Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang” là lời ngợi khen Chúa Kitô Cứu Thế.
- Phần III: (được xem là được thêm vào) từ câu Lạy Chúa, xin cứu độ dân Ngài, gồm những lời cầu xin trích từ các Thánh vịnh.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.