Hoạt động truyền giáo của các nữ tu thuộc hội dòng Đức Maria Vô Nhiễm ở Hồng Kông
Ngọc Yến - Vatican
Những người trẻ, chủ nghĩa tiêu dùng và một cuộc sống vật chất đi quá xa; là những thách thức đang chờ đợi sứ vụ của Giáo hội tại Hồng Kông. Các nhà Truyền giáo Đức Maria Vô Nhiễm đáp trả ơn gọi của mình qua việc "trở thành những dụng cụ khiêm nhường, một sự hiện diện Kitô giáo gần gũi và hỗ trợ những người đau khổ". Đây là những gì sơ Luigia Mindassi, đại diện cấp trên của các nữ tu, người đã làm việc trong lãnh thổ gần 40 năm chia sẻ. Sơ nói: "Không phải lúc nào cũng có thể nói về Chúa Giêsu, nhưng ngay cả cách chúng tôi chào hỏi mọi người hay sự chú ý, quan tâm mà chúng tôi dành cho họ cũng có thể là một việc làm chứng cho đức tin".
Vào ngày 2 tháng 12, chi nhánh nữ của Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại đã tổ chức Thánh lễ kỷ niệm 50 năm, ngày các nhà truyền giáo đầu tiên đến thuộc địa cũ của Anh. Thánh lễ được Đức cha Michael Yeung Ming-cheung chủ tế trong nhà thờ thánh Cosma và Damiano ở Tsuen Wan, với sự tham gia của khoảng 700 người. Trong số này có sơ Theresa Pathickal đến từ Ấn Độ, nữ tu đầu tiên đến Hồng Kông vào ngày 11 tháng 9 năm 1968 cùng với Chị Maddalena Pirodda.
Với việc thành lập trường Phaolô VI, trường cấp hai dành cho nữ sinh ở quận Shek Lei, năm 1969 đánh dấu khởi đầu hành trình dấn thân trong lĩnh vực giáo dục của các nữ tu. Trường là một trường công lập, có chương trình đào tạo theo các chương trình được chính phủ phê duyệt. Sơ Luigia nói:"Tuy nhiên, chúng tôi có thể tự do đưa ra một cách tiếp cận Công giáo cho nền giáo dục mà chúng tôi cung cấp". Viện này đã sớm trở thành một điểm tham chiếu cho giáo dục trong lãnh thổ, hiện trường đang có 800 thiếu nữ theo học, 40 trong số họ là Công giáo.
Một lĩnh vực truyền giáo khác mà từ những năm đầu tiên đã là mục tiêu chính của Hội dòng đó là chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật. Trong công việc của mình, các nữ tu làm việc chủ yếu với các tổ chức giáo phận và giáo xứ ở Hồng Kông. Sơ phụ trách giải thích: "Chúng tôi cố gắng hướng cộng đoàn ra thế giới bên ngoài, đặc biệt là những người không phải là người Công giáo và người nghèo". Các nhà truyền giáo tham gia tích cực vào thừa tác vụ mục vụ của các giáo xứ và đồng hành cùng người dân trong việc dạy giáo lý. Sơ Luigia nói: "Chúng tôi cũng muốn đến gần các bé trai và bé gái hơn, đến gần những người thiếu thốn trong xã hội".
Vì lý do này, các nữ tu thường xuyên đến thăm các tù nhân trong các nhà tù ở Hồng Kông. Một số sơ tham gia vào các nhóm tôn giáo, những người khác hoạt động trong các nhóm không tôn giáo. Các sơ quan tâm đặc biệt đến những phụ nữ đang mang thai trong thời gian thụ án tù. Các sơ chuẩn bị cho họ sinh con và dạy họ cách chăm sóc đứa trẻ, cố gắng làm cho họ trở nên bình yên hơn. Một nhóm các sơ khác đến thăm các tù nhân không phải là người Trung Quốc, với những người này các chị đọc Tin Mừng và chia sẻ những giây phút cầu nguyện cùng với họ.
Một hoạt động khác được các nữ tu thực hiện là hoạt động bác ái giữa những người vô gia cư trong thành phố. Những người này thường là nạn nhân của nghiện ma túy. Sơ Luigia giải thích rằng việc lôi kéo họ theo đạo không phải là mục tiêu chính của các nữ tu. Các sơ cho rằng nhiệm vụ của các sơ là gieo hạt giống vì mỗi người đều có quyền nhận Tin Mừng. Có lẽ các sơ sẽ không bao giờ thấy họ trở lại, nhưng đối với các nữ tu, sự hiện diện và làm chứng Kitô giáo là quan trọng. Những gì còn lại là một dấu vết, một liên kết rất mạnh mẽ với những người các sơ gặp gỡ.
Sơ chia sẻ: "Vài năm trước, trong Thánh lễ Phục sinh, tôi đã gặp một người đàn ông, do vợ anh đưa tới, anh bắt đầu theo học giáo lý khi tôi vẫn còn lãnh trách nhiệm về việc đó. Tôi chúc mừng anh và anh ước muốn chia sẻ một kỷ niệm. Anh hỏi tôi: 'Sơ có nhớ khi sơ nói với chúng tôi: Đừng đợi tóc bạn trở nên trắng như tôi mới quyết định? Vâng, tôi đã lắng nghe sơ. Chúng ta không biết khi nào, nhưng những lời chân thành chạm đến trái tim của mọi người và có thể mang đến những điều tốt đẹp”.
Hiện tại, các nữ tu dòng Đức Maria Vô Nhiễm ở Hồng Kông là 12 chị, hiện diện ở 3 cộng đoàn, mỗi cộng đoàn có 4 nữ tu. Một nửa số chị ở độ tuổi khoảng 40, trong khi phần còn lại đã ngoài sáu mươi. Họ là người Ý, người Brazil, người Ấn Độ và người Trung Quốc. Theo yêu cầu của luật dòng, kêu mời họ ra đi, hai nữ tu từ Hồng Kông đang đi truyền giáo ở nước ngoài, tại Brazil và Bangladesh.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.