Các Giám mục Đức Các Giám mục Đức 

Hiện tượng xin ra khỏi Giáo Hội tại Đức

Các vị lãnh đạo Công Giáo và Tin Lành ở Đức bày tỏ đau buồn và quan tâm vì sự kiện trong năm ngoái, 2018, có tới 430 ngàn tín hữu Kitô làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội: 216 ngàn tín hữu Công Giáo và 220 ngàn tín hữu Tin Lành, một con số rất cao: Đối với Công Giáo, con số mất mát này tăng 29% so với năm 2017 trước đó.

Trần Đức Anh OP - Vatican

Hiện tượng xin ra khỏi Giáo Hội tại Đức

Những con số trên đây được HĐGM Công Giáo Đức và các Giáo Hội Tin Lành Đức công bố hôm 19-7-2019.

Với sự ra đi này, Giáo Hội Công Giáo Đức còn hơn 23 triệu tín hữu, tức là giảm từ 28,2% trong năm 2017 xuống còn 27,7% dân số trong năm ngoái. Trong khi đó Giáo Hội Tin Lành còn 21 triệu 140 ngàn tín hữu, tương đương với 25,4% dân số. Như vậy, tổng số tín hữu Công Giáo và Tin Lành ở Đức, là 2 Giáo Hội lớn nhất, chiếm 53,2% trên tổng số hơn 83 triệu dân ở Đức.

Phản ứng

Cha Hans Langendoerfer SJ, Tổng thư ký HĐGM Đức, gọi những con số trên đây là “một thống kê gây lo âu”, còn mục sư Bedford-Strohm, thủ lãnh các Giáo Hội Tin Lành Đức, nói rằng “mỗi tín hữu rời bỏ Giáo Hội đều là điều gây đau buồn”.

Xu hướng đã có từ lâu và sẽ tiếp tục

Nhiều vị lãnh đạo Kitô ở Đức đã đưa ra những nhận định về sự suy giảm này, và tìm hiểu những nguyên do khiến cho nhiều người làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội liên hệ. Theo nghiên cứu do Tổng giáo phận Freiburg ủy nhiệm thực hiện, thì sự giảm bớt số tín hữu Công Giáo và Tin Lành ở Đức sẽ còn tiếp tục và giảm một nửa: từ 45 triệu như hiện nay, xuống còn 22 triệu 700 ngàn vào năm 2060, tức là trong vòng 40 năm tới đây.

Vài nguyên nhân

Trong số các nguyên nhân gây ra sự suy giảm này, người ta kể đến sự rời bỏ Giáo Hội như vừa nói, tình trạng dân số Đức già nua và giảm sút, số sinh giảm nên số người chịu phép rửa tội cũng giảm sút.

Có những người Công Giáo cổ võ theo Tin Lành

Điều đáng để ý là trong Giáo Hội Công Giáo, có những người đang cổ võ cải tổ Giáo Hội, như điều gọi là “hành trình công nghị toàn quốc” với những chủ trương như bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ, gọi là để tránh nạn lạm quyền đưa tới nạn lạm dụng tính dục trẻ em, hoặc truyền chức linh mục cho phụ nữ, và đặt phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo Giáo Hội, cải tiến luân lý tính dục, hôn nhân và gia đình, chấp nhận đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng phái, hoặc như ĐHY Reinhard Marx, TGM giáo phận Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, vừa tuyên bố hôm 20-7 vừa qua, đề nghị xét lại việc cấm giáo dân hay những người không có thánh chức không được giảng trong thánh lễ, lý do vì có những linh mục giảng kém, trong khi có những giáo dân có tình độ cao về thần học và giảng hay, tại sao lại không để họ giảng trong thánh lễ.

Áo tưởng

Theo nhận xét của ĐHY Brandmueller người Đức, những người Công Giáo chủ trương thực hiện những cải tổ như thế với mục đích giữ tín hữu Công Giáo ở lại và đừng làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội, đó thực là một ảo tưởng, vì tất cả những gì nhiều người Công Giáo ở Đức đang đòi hỏi qua việc cải tổ, qua “con đường công nghị”, thì phía Tin Lành đều đã có: có các nữ GM giảng dạy và cai trị, các mục sư nam nữ đều là những người có gia đình, và Tin Lành nhìn nhận ly dị, phá thai, hôn nhân đồng phái đều là những gì có thể chấp nhận được, thế mà số tín hữu Tin Lành rời bỏ Giáo Hội của họ đông đảo hơn Công Giáo và sự suy giảm ngày càng nhiều hơn, xét vì trước đây Tin Lành chiếm đa số tại Đức.

Nhận định của Đức TGM giáo phận Berlin

Hôm 21-7-2019, Đức Cha Heiner Koch, TGM giáo phận thủ đô Berlin, tuyên bố rằng “tôi ủng hộ các cuộc cải tổ Giáo Hội, nhưng tôi không tin rằng nhờ những cải tổ như thế, sẽ có nhiều người trở về với Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta cứ nhìn sang Giáo Hội Tin Lành thì thấy điều đó”. Đức TGM Koch cho rằng trào lưu chung rời bỏ Giáo Hội sẽ không ngưng lại, dù chúng ta có đổi mới, để theo trào lưu thời đại và làm những gì người ta mong đợi chúng ta. Đức TGM Koch nói rằng “một nguyên do là vì sự gắn bó với Giáo Hội và Thiên Chúa, Truyền thống và sự gắn bó gia đình ở Đức bị tan vỡ trên nhiều bình diện. Chúng ta phải sống Giáo Hội một cách hoàn toàn mới mẻ và chúng ta cần những liên hệ gắn bó mới mẻ về mặt xã hội. Đó là một đói hỏi lớn và là cơ may, là niềm vui làm cho Giáo Hội tái trở thành mới mẻ”.

Khủng hoảng đức tin

Cũng có những vị GM nhận xét rằng cuộc khủng hoảng của các Giáo Hội Kitô ở Đức không phải là khủng hoảng cơ cấu, nhưng là khủng hoảng Đức tin. Đức tin của tín đồ không còn nữa, thì họ không thấy tại sao phải tiếp tục là thành phần của Giáo Hội để phải đóng thuế hằng năm cho Giáo Hội số tiền tương đương với 9% số thuế lợi tức đóng cho Nhà Nước.

Hiện tượng tương tự tại nhiều nước

Nhìn rộng hơn, cuộc khủng hoảng và sa sút của Giáo Hội tại Đức không phải là điều duy nhất. Hòa Lan và Bỉ đã đi trước nước Đức, và ngay cả tại Italia, trong 7 năm qua, số người Công Giáo đóng góp cho Giáo Hội Công Giáo giảm mất 2 triệu người. Khi khai thuế lợi tức cho nhà nước Italia, họ không dành cho Giáo Hội Công Giáo số tiền 0,8% tiền thuế lợi tức đóng cho chính phủ nữa. Đó là một dấu hiệu tiêu cực mà chắc chắn các vị hữu trách của Giáo Hội phải quan tâm. Và sở dĩ người ta không biết bao nhiêu tín hữu Công Giáo ở Italia rời bỏ Giáo Hội, vì tại nước này không có chế độ làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội như ở Đức, hay Thụy Sĩ hoặc nước Áo.

Có những dấu chỉ hy vọng

Dầu vậy, vẫn không thiếu những dấu chỉ hy vọng, như Đức TGM Koch của giáo phận Berlin nhắc đến, đó là theo các nghiên cứu 37% các cha mẹ Công Giáo ở Đức vẫn còn thông truyền đức tin cho con cái của họ. Tại Hòa Lan, ĐHY giáo chủ Wilhelm Eijk, TGM giáo phận Utrecht cũng nói đến những dấu chỉ hy vọng trong Giáo Hội Công Giáo tại đây, với những tín hữu Công Giáo nhiệt thành, tuy họ trở thành thiểu số trong xã hội tục hóa cao độ tại nước này.
 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

27 tháng bảy 2019, 11:53