“Đừng để giấc mơ của bạn bị đánh cắp, chúng là tương lai”
Ngọc Yến - Vatican
Khởi đi từ chủ đề “Đừng để giấc mơ của bạn bị đánh cắp, chúng là tương lai” ĐHY nói: “Chủ đề được chọn là một chủ đề rất đẹp, một chủ đề đại diện cho một thách đố. Bởi vì ngày nay khi chúng ta nói về “những giấc mơ” và “tương lai”, trước hết chúng ta nói đến những người trẻ, và người ta nghĩ một cách đơn giản đó là nói về một quan điểm nào đó, một khía cạnh nghề nghiệp. Nhưng không phải như vậy, nó có một mục tiêu cao hơn mà người trẻ được mời gọi. Một mục tiêu mà chúng ta có thể tìm thấy trong Tông huấn Christus vivit: Nếu bạn đã đánh mất sức mạnh nội tâm, các giấc mơ, lòng hăng say, niềm hy vọng và lòng quảng đại của mình, Chúa Giê-su xuất hiện trước bạn như khi Ngài hiện diện trước bà góa với người con trai duy nhất đã chết, và với tất cả quyền năng phục sinh, Chúa khích lệ bạn: «Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy" (Lc 7,14).
Đây là một bước quan trọng vì nó làm nổi bật ba yếu tố nền tảng: niềm hy vọng, đức tin và tính cụ thể. Trong nhiều thập kỷ qua người ta thường nói về người trẻ với một ngôn ngữ đầy những lời khoa trương và những cảm xúc tốt đẹp, nhưng ít chú ý đến cuộc sống cụ thể và trên hết là ý thức trách nhiệm đối với họ. Khi tôi nói về cuộc sống cụ thể, rõ ràng tôi đề cập đến một cuộc sống trọn vẹn trong đó chiều kích tâm linh có vai trò quan trọng. Một chiều kích tâm linh không hủy bỏ khả năng mơ ước hay ước muốn giúp đỡ người khác.
Tính cụ thể thể hiện trong việc đi đến với người khác không đối lập với khả năng mơ ước; chúng là hai chiều kích liên kết mật thiết bắt nguồn từ niềm vui theo Chúa Giêsu. Hơn bất kỳ hệ tư tưởng chính trị nào, thế hệ trẻ có nguy cơ bị thu hút bởi một chủ nghĩa duy vật hư vô, không quan tâm đến người khác đang đau khổ và không có động lực đích thực cho tương lai, mong muốn thành công cá nhân, trở thành một vị thần của chính mình và sở hữu tài sản lớn.
Sống chung
Ngày nay, nhiều người trẻ bị ảnh hưởng bởi một xã hội theo chủ nghĩa khoái lạc, tầm thường hóa tình bạn và các mối tương quan con người. Hậu quả là họ có một cuộc sống duy cá nhân không cho phép họ đánh giá đầy đủ ý nghĩa của "việc sống chung". Theo tôi, đây là một khớp nối quyết định: cần phải khôi phục ý nghĩa sâu sắc của khái niệm mối tương quan. Bởi vì chỉ nhờ mối quan hệ với những người khác mà một người trẻ có thể trở thành một phần cơ thể sống của: một gia đình, một cộng đồng thành phố, một trường học, một hiệp hội và một cộng đoàn Giáo hội.
Với chính mình
Khi tôi nói về ý niệm mối tương giao, tôi đề cập đến ít nhất ba chiều kích. Trước hết là mối tương quan với cơ thể. Đó là hình thức đầu tiên của mối quan hệ chúng ta có với chính mình và sau đó với người khác. Thông qua cơ thể chúng ta học cách biết nhau nhưng cũng biết ai đang ở trước mặt chúng ta. Chúng ta biết cơ thể, những hạn chế và sự khác biệt giữa các cơ thể: sự khác biệt giữa nam và nữ, về diên mạo, màu da. Ngày nay chiều kích thân thể là một trong những chiều kích quan trọng và đồng thời cũng trở nên tầm thường đối với những người trẻ trong thế giới đương đại.
Thực tế, chiều kích thân xác đã lao vào xã hội và gây ấn tượng từ cuộc cách mạng tình dục trong thế kỷ XX. Nhưng cơ thể ngày nay cũng đảm nhận trách nhiệm bi thảm của các cuộc chiến tranh hoặc cái chết hàng loạt, chẳng hạn như cái chết của những người di cư được truyền thông loan đi mỗi ngày. Đây là một điểm cần suy tư sâu sắc: nó là nền tảng để đưa ra một ý nghĩa xác thực trở lại mối quan hệ với thân xác, chống lại mọi tầm thường hóa và trôi dạt về ý thức hệ.
Với người khác
Thứ hai, mối quan hệ giữa các cá nhân. Thông qua mối quan hệ với những người khác, mỗi người trở thành một thành viên của một cơ thể sống: đó là một phần của một gia đình, một cộng đồng thành phố, một trường học, một hiệp hội, một cộng đồng giáo hội. Thomas Merton viết: "Không ai là một hòn đảo", nhưng "mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tất cả". Mỗi người do tình yêu Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống của mỗi người, không bao giờ đơn độc mà là một phần của toàn nhân loại.
Tuy nhiên, ngày nay, chiều kích của mối quan hệ cá nhân trong giới trẻ là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều trong xã hội. Có những người nói về tính lỏng của các mối quan hệ của con người và những người gợi lên một xã hội trong cát bụi. Tôi muốn nhấn mạnh ngày hôm nay chỉ có hai khía cạnh: trước hết, chiều kích cá nhân hóa của rất nhiều người trẻ sống cả ở các thành phố lớn và vùng ngoại; và thứ hai, chiều kích của tình bạn hời hợt và sự cô đơn của các thế hệ trẻ, những người hàng ngày sống hầu hết các mối quan hệ của họ trên web thông qua điện thoại hoặc máy tính. Chúng ta không thể nhìn vào những vấn đề này một cách hời hợt. Chúng ta cần đưa ra một câu trả lời có giá trị và cụ thể đối với cảm giác mất phương hướng mà những người trẻ của chúng ta ở thành phố hít thở, và cảm giác bối rối mất định phướng mà họ gặp trên internet.
Với Đấng Siêu Việt và Giáo hội
Và cuối cùng, mối quan hệ với Đấng Siêu Việt và với Giáo hội. Mối quan hệ giữa những người trẻ và Giáo hội rõ ràng bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội nhưng chắc chắn đó là một mối quan hệ phức tạp, đôi khi mạnh mẽ, đôi khi thân mật, thường không kiên định và chỉ trong thời gian ngắn.
Có những người trẻ từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành vẫn ở trong các nhóm của giáo xứ. Tuy nhiên, có những người khi tới tuổi thanh thiếu niên, mối quan hệ này trong nhiều trường hợp bị rạn nứt. Tất cả điều này phải làm cho chúng ta suy nghĩ sâu sắc. Trên thực tế, nền tảng là có một vấn đề giáo dục lớn chưa được giải quyết: giáo dục về đức tin, về giá trị của cuộc sống và biết cách ở trong cộng đoàn. Do đó, chưa bao giờ như ngày nay, chúng ta được kêu gọi trở thành một Giáo hội đi ra ngoài cho giới trẻ và tôi nghĩ rằng những lời của ĐTC Phaolo VI rất phù hợp khi ngài nói rằng “Con người ngày nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, hoặc nếu họ nghe thầy dạy vì những người này là những chứng nhân”.
Ơn gọi và tài năng.
Tầm quan trọng cho người trẻ hiện này: ơn gọi và tài năng. Thật vậy, mỗi người trẻ trong tâm hồn họ đều có một ơn gọi và một số tài năng và chúng ta có thể nói đó là những giấc mơ. Họ có nó không phải vì khả năng đặc biệt của con người, mà vì một hành động trao ban vô điều kiện và đơn phương. Đó là món quà tình yều của Thiên Chúa. Mỗi người trẻ với tự do biết nhận ra những món quà này để sử dụng chúng một cách khôn ngoan trong hành trình cuộc sống.
Tuy nhiên, phía người lớn có một nhiệm vụ quan trọng: đó là loan báo, biết làm thế nào để loan báo cho các bạn trẻ rằng mỗi ơn gọi là "tiếng gọi của tình yêu". Một lời kêu gọi sống đẹp, sống trọn vẹn. Không có đường tắt và thỏa hiệp. Không nhượng bộ trước những cám dỗ phù du của xã hội và không quỳ gối trước những thần tượng giả của thế giới. Cuộc sống đúng là một cuộc sống gặp gỡ và không chia rẽ; một cuộc sống bác ái và không quyền hành; Một cuộc sống của tình yêu và không chỉ cảm xúc. Bởi vì chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu. Và về tình yêu, chúng ta được mời gọi để phân định ơn gọi của chúng ta.
Từ thứ hai mà tôi muốn mời các bạn suy tư là tài năng. Có nhiều bạn trẻ rất giàu, không phải vì tiền mà là tài năng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, những tài năng này không được công nhận. Họ bị chôn vùi trong sa mạc, trong vùng đầm lầy của xã hội. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta thấy có những người sống “không có ý nghĩa” bởi vì họ không có khả năng nhìn đến tương lai. Thật đáng buồn cho một đất nước không biết trao ban niềm hy vọng cho chính những người con của mình. Thật buồn cho một đất nước không biết lên kế hoạch cho tương lai, không có khả năng chữa lành những vết thương lịch sử. Trong những năm qua, tôi đã gặp và biết rất nhiều bạn trẻ muốn tham gia vào đời sống xã hội, họ muốn chứng tỏ khả năng và đem áp dụng những gì đã học, nhưng họ mất hy vọng vì không tìm thấy một vai trò và một chỗ trong một xã hội tham lam và khô khan này. Nghĩa là họ mất hy vọng tìm một công việc xứng đáng.
Khi đối diện với những vấn đề này như tôi đã nói lúc đầu. Chúa Giêsu nói với người thanh niên đã chết: «Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy" (Lc 7,14). Tôi muốn nói điều này với các bạn trẻ và gia đình của các bạn: các bạn trẻ hãy đứng dậy, chúng ta cùng với nhau hành động, không sợ hãi, với lòng can đảm và niềm vui tinh khiết. Bởi vì chính ĐTC Phanxicô vẫn luôn nhắc lại: “Đừng để các giấc mơ của bạn bị đánh cắp”; chúng không chỉ là sự lảng tránh, mà nền tảng tương lai được xây dựng với lòng can đảm và sức mạnh của Thánh Thần.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.