POPE-JAPAN/ POPE-JAPAN/ 

Paolo Takashi Nagai: người bác sĩ thánh thiện của Nagasaki

Tiếp xúc với một gia đình Công giáo và biết về lịch sử Giáo hội Công giáo Nhật Bản, nhất là tiểu sử các thánh tử đạo, Paolo Takashi Nagai, một sinh viên y khoa đã trở lại Công giáo và dấn thân phục vụ trong công việc của một bác sĩ.

Hồng Thủy - Vatican

Audio

Paolo Takashi Nagai sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo Thần đạo, một tôn giáo phổ biến của Nhật. Nhưng dần dần anh trở thành vô thần và bị chủ thuyết duy vật thuyết phục. Khi đến Nagasaki để theo học đại học y khoa, Takashi thuê một căn hộ của gia đình Moriyama và ở đó anh đã quen với Maria.

“Các Kitô hữu bí mật”

Cha mẹ của Maria là con cháu của Sonzaemon, một trong những lãnh tụ của “các Kitô hữu bí mật”, những người đã gìn giữ đức tin cho 7 thế hệ, từ thế kỷ XVII, bị tách biệt khỏi thế giới và Giáo hội hoàn vũ, sau khi các nhà truyền giáo hoặc bị sát hại hoặc đã bỏ trốn. Các tín hữu ẩn trốn, cầu nguyện bí mật trong rừng; không còn linh mục, các giáo dân tự tổ chức đời sống tôn giáo, họ rửa tội cho trẻ em, dạy giáo lý cho các em. Sau hai thế kỷ, nhà truyền giáo đầu tiên mới trở lại Nhật, vào năm 1865. Vị này đã không thể tin vào mắt mình, vẫn còn hơn 300 ngàn Kitô hữu tồn tại sau các cuộc bách hại.

Thánh Phaolô Miki

Khi Takashi ở trọ tại nhà của cô Maria, anh không biết về câu chuyện lịch sử đó của Giáo hội Nhật Bản. Khi đó Takashi là một chàng trai chỉ biết học hành, chơi thể thao và làm thơ, và tin rằng mình đã đóng chặt cánh cửa lòng mình với tôn giáo. Nhưng sau cái chết của người mẹ, Takashi không còn chắc chắn về điều này nữa. Anh bắt đầu đọc các tư tưởng của Pascal. Chính Maria là người đã kể cho anh nghe về lịch sử anh hùng của Giáo hội Nhật Bản, về lòng can đảm của thánh Phaolô Miki, một trong những tu sĩ dòng Tên đầu tiên người Nhật. Pháp quan Phật giáo đã yêu cầu thánh Phaolô Miki chối đạo: nếu giẫm lên các tượng Chúa Giêsu và Đức Trinh nữ Maria thì sẽ được sống, nhưng ngài đã từ chối vì tình yêu Chúa Kitô. Vì thế ngài bị đóng đinh trên một ngọn đồi ngay bên ngoài thành Nagasaki vào năm 1597, cùng với 25 người khác. Sau này khi gia nhập được rửa tội vào năm 1934, Takashi đã nhận tên thánh là Phaolô, vì cảm phục cuộc đời của thánh Phaolô Miki.

“Tôi cảm thấy sự hiện diện của một Đấng mà tôi không biết.”

Đêm Giáng sinh năm 1932, Maria mời Takashi tham dự Thánh lễ nửa đêm tại nhà thờ chính tòa Nagasaki, ngôi nhà thờ lớn nhất ở Đông Á. Nhà thờ được các ngư dân và nông dân đóng góp xây dựng, là biểu tượng sự hồi sinh của cộng đồng Công giáo sau những thăng trầm thử thách. Takashi bị ấn tượng và thu hút bởi các bài thánh ca và những lời cầu nguyện của các tín hữu tham dự Thánh lễ đông chật nhà thờ. Sau này Takashi nhớ lại về Thánh lễ đó: “Tôi cảm thấy sự hiện diện của một Đấng mà tôi không biết.” Tối sau đó, Maria bị những cơn đau quằn quại tưởng như sắp chết. Ngay lập tức Takashi chẩn đoán và biết rằng cô vị viêm ruột thừa cấp; anh đã vác cô trên tay đưa đến bệnh viện dưới trời mưa tuyết. Maria được giải phẫu và được cứu sống.

Takashi và Maria yêu nhau và tháng 08/1934, họ kết hôn với nhau. Maria là chủ tịch hội phụ nữ, còn Takashi dấn thân chăm sóc cho người nghèo của hội thánh Vinh Sơn.

Vị bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân

Paolo Takashi là bác sĩ chuyên về X quang; tháng 6 năm 1945, ông bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu do tiếp xúc với tia X. Tuy thế, khi chiến tranh bùng nổ, bác sĩ đã làm tất cả những gì có thể trong bệnh viện để giúp đỡ những người bị thương đến từ khắp nơi trong khu vực.

Ngày 08/08, Takashi từ biệt vợ lần cuối, trước khi lên thành phố để làm nhiệm vụ trực đêm. Ngày hôm sau, ngày 09/08/1945, lúc 11.02 sáng, quả bom nguyên tử phát nổ ở độ cao 500 mét, ngay trước nhà thờ chính tòa. 70 ngàn người bị chết.

Khi đó Takashi đang ở bệnh viện và bị thương, nhưng đã cố gắng chăm sóc cho các nạn nhân trong “hỏa ngục” của chiến tranh đó. Sau đó Takashi khám phá ra một sự việc rất đau lòng: cả Maria, người vợ yêu quý của ông, cũng bị chết, dưới đóng gạch đá đổ vụn của ngôi nhà. Ông hứa với vợ sẽ dành chút ít thời gian còn lại của đời mình để chăm sóc cho người khác. Ông viết: “Để nhớ đến em, vì tình yêu của em em ... người đã đưa anh đến với tình yêu của Chúa Kitô.”

Trong khi  phải nằm liệt giường những năm cuối đời, Takashi cầu nguyện và viết sách. Hoàng đế Hirohito và Đức Hồng y Norman Thomas Gilroy, đặc sứ của Đức Giáo hoàng Pio XII, đã đến thăm ông. Nhờ sự đóng góp của ông, hàng ngàn cây anh đào đã được trồng để biến thành phố hoang tàn này thành một ngọn đồi hoa.

Một vài năm trước khi qua đời, khi nhiều người xem Takashi như một vị thánh, ông đã nói: “Mặt trăng chiếu sáng bầu trời đêm không gì khác ngoài một khối vật chất lạnh phản chiếu ánh sáng mặt trời. Mặt trời là Chúa Giêsu. Tôi cũng chỉ phản chiếu một chút ánh sáng của Người. Không có Chúa, tôi sẽ chỉ là một đầy tớ vô dụng.”

Paolo Takashi qua đời vào tháng 05/1951; 20 ngàn người đã tham dự tang lễ của ông. Cả thành phố Nagasaki thinh lặng tưởng niệm ông một phút, khi các chuông của tất cả nhà thờ vang lên.

 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

28 tháng mười một 2019, 13:10