Người Công giáo Anh cầu nguyện nhiều hơn trong đại dịch Người Công giáo Anh cầu nguyện nhiều hơn trong đại dịch 

Người Công giáo Anh trong đại dịch: gần Chúa hơn, nhưng xa giáo xứ

Sau một thời gian dài phải tuân thủ biện pháp cách ly xã hội, các nhà thờ phải đóng cửa, người Công giáo Anh cầu nguyện nhiều hơn nhưng có nguy cơ là số người đến nhà thờ giảm.

Ngọc Yến - Vatican News

Đây là kết luận nghiên cứu của nhóm giáo sư thuộc Đại học Birmingham và Oxford do giáo sứ Francis Davis hướng dẫn thực hiện.

Đời sống thiêng liêng

Theo bản kết luận của nghiên cứu, phần lớn người Công giáo Anh trong số 5 triệu người cho rằng các giám mục đã phản ứng tốt đối với cuộc khủng hoảng và việc đóng cửa các nhà thờ không có gì là quá đáng. Hơn một nửa số người Công giáo tuyên bố thời gian cách ly giúp họ gần Chúa hơn và ước muốn cầu nguyện nhiều hơn.

Về kinh tế

Giáo sư Francis Davis nhận định: “Tôi nghĩ phần lớn tín hữu sẽ trở lại nhà thờ. Vấn đề là các giáo xứ sẽ không thể có được số tiền để trang trải các sinh hoạt như trước đây. Các tín hữu sẵn sàng hỗ trợ Giáo hội, nhưng nhiều người không thể làm điều này vì họ bị mất việc. Vì thế, mỗi Giáo phận phải có kế hoạch cho cuộc khủng hoảng trong vòng một năm. Chỉ bằng cách này các giáo xứ mới có thể vay tiền ở ngân hàng cho các chi phí phát sinh trong giáo xứ. Với hoàn cảnh khó khăn này, sẽ có một số nhà thờ phải đóng cửa”.

Thói quen tốt

Bà Catherine Brady, một giáo dân đang làm việc cho Giáo phận Nottingham giải thích: “Tôi đang làm việc cho một ủy ban do Đức cha Patrick McKinney hướng dẫn. Đức cha muốn liên lạc với đời sống của các giáo xứ và muốn biết điều gì đang xảy ra và điều gì sẽ chờ đợi chúng tôi. Từ khi các nhà thờ phải đóng cửa có hai vấn đề chính nảy sinh: đời sống phụng vụ và mục vụ bị gián đoạn và hậu quả là kinh tế bị ảnh hưởng. Với việc đóng cửa các nhà thờ, một số linh mục đang chăm sóc các giáo xứ không thích công nghệ, không muốn cử hành Thánh lễ trực tuyến, và như thế đời sống cộng đoàn tín hữu bị ngưng hoàn toàn. Chỉ có hai trong số 100 giáo xứ có nhóm Facebook, nơi tín hữu có thể nhận được thông tin. Trang web của giáo xứ có nhưng điều này không nuôi dưỡng đời sống cộng đoàn. Ở Anh giáo dân có thói quen tụ họp tại hội trường giáo xứ sau các hoạt động và đây là dịp để gây quỹ, nhưng giờ đây không còn nữa”.

Nguy cơ đóng cửa

Bà Catherine Brady cho biết thêm, giáo xứ Saint Mary của bà, một giáo xứ ở trung tâm Loughborough, có khoảng 600 người thường xuyên đến nhà thờ nhưng trên nhóm Facebook chỉ có 146 người, trong số này không có người lớn tuổi. Nhiều người có thể không trở lại khi nhà thờ mở cửa. Nhiều giáo xứ có nguy cơ đóng cửa. Ví dụ tại giáo xứ Saint Mary, hiện nay giáo xứ mất khoảng 3.500 euro mỗi tháng, do không có việc dâng cúng trong Thánh lễ. Trong khi đó để có thể hoạt động, tòa nhà của giáo xứ cần 5.500 euro. (Sir. 22/6/2020)
 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

23 tháng sáu 2020, 11:46