Giáo hội Malawi giúp đỡ người bị bạch tạng đang bị kỳ thị vì định kiến
Hồng Thủy - Vatican News
Ở một số khu vực của châu Phi cận Sahara, người dân mê tín dị đoan cho rằng những người bị bệnh bạch tạng được trời phú cho sức mạnh ma thuật và các bộ phận trên cơ thể họ mang lại may mắn và thành công. Tuy nhiên, ở các khu vực khác của lục địa này, người bạch tạng bị coi là những người mang bất hạnh và bị gọi là ma, vô hình.
Giáo phận Zomba bảo vệ quyền của người bệnh bạch tạng
Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận Zomba phân phát xe đạp cho một số đại diện của nhóm quyền cộng đồng: để đảm bảo rằng họ có thể đến được nơi những người bạch tạng sinh sống và giúp đỡ họ trong những vấn đề khó khăn xã hội. Ủy ban cũng kêu gọi những tình nguyện viên này làm việc cùng với các nhà lãnh đạo của cộng đồng địa phương, “để đảm bảo rằng các quyền của người bạch tạng được bảo vệ và chăm sóc vô điều kiện, một cách đầy đủ và lâu dài”.
Lời kêu gọi của Tổ chức Ân xá Quốc tế
Theo một số dữ liệu do Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố, Malawi là một trong những quốc gia trong đó tình trạng kỳ thị đối với người bạch tạng đặc biệt phổ biến. Mặc dù Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi trong những năm qua, áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với những người có hành vi chống lại họ, nhưng người bạch tạng vẫn tiếp tục bị gạt ra ngoài lề bởi các cộng đồng xem họ là dị thường cần phải loại bỏ, bắt cóc, giết chết và phân xác, và bán cơ thể của họ cho những người thực hiện các nghi lễ ma thuật.
Năm ngoái, nhân Ngày nâng cao nhận thức về những người mắc bệnh bạch tạng vào ngày 13/6, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã yêu cầu các chính phủ ở miền nam châu Phi đảm bảo bảo vệ và sức khỏe cho những người đặc biệt dễ bị tổn thương này trước tình trạng hiện nay người bạch tạng bị săn lùng để lấy thi thể của họ làm bùa phép, bên cạnh sự lây lan của Covid- 19 đại dịch. (CSR_910_2021)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.