Giáo hội Chính Thống Copte Ai Cập chung tay giải quyết “tai họa thất nghiệp”
Ngọc Yến - Vatican News
Cũng như một số nước khác, Ai Cập đang phải đối phó với nạn thất nghiệp do người dân phải vật lộn với những cơ hội và mâu thuẫn của toàn cầu hóa kinh tế. Tình trạng khẩn cấp về lao động là gánh nặng nghiêm trọng đối với tất cả các dự án phát triển, cuộc sống của nhiều người trẻ có nguy cơ bị phân tán do những tuyên truyền cực đoan, hoạt động tội phạm.
Trong bối cảnh này, hôm 8/7, Đức Thượng phụ Chính Thống Copte Tawadros II đã tham dự lễ ký kết hai thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Lao động Ai Cập và các tổ chức bác ái xã hội liên kết với Tòa Thượng phụ. Các thỏa thuận nhằm thực hiện các sáng kiến cụ thể để đối phó với tai họa thất nghiệp trong xã hội, và đặc biệt để khuyến khích những người trẻ tìm ra con đường làm việc lương thiện. Hai thỏa thuận còn nhằm thúc đẩy một “văn hóa lao động” và hoạt động kinh doanh phù hợp, với các sáng kiến cụ thể để phổ biến nhận thức về sự cần thiết phải luôn đảm bảo an toàn cho người lao động trong các hoạt động và tại nơi làm việc.
Các quy trình thực hiện của các thỏa thuận cũng bao gồm việc củng cố và tăng cường các trung tâm đào tạo cho thị trường lao động, liên kết với các cơ quan chính phủ và Giáo hội đi đầu trong các hoạt động phục vụ và liên đới xã hội. Đặc biệt, các thỏa thuận quy định sự hiệp lực giữa các cơ quan chính phủ và Giáo hội trong việc tạo ra các khóa đào tạo chuyên nghiệp, đảm bảo hàng năm cho 800 người trẻ có điều kiện tham gia vào thế giới lao động. Các khóa đào tạo sẽ giúp cho những người tham gia đạt được chứng chỉ hợp lệ theo yêu cầu của các công ty.
Ngoài ra, các thỏa thuận còn tạo ra một “diễn đàn” chịu trách nhiệm đưa các yêu cầu và đề nghị của người lao động, cho đến nay đã làm việc trong các cơ cấu của Giáo hội mà không được hưởng các dịch vụ do hệ thống an sinh xã hội của nhà nước đảm bảo cho người lao động.
Tại lễ ký kết, Đức Thượng phụ Tawadros nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa chính phủ và các tổ chức Giáo hội, đối với nhu cầu thiết thực của mọi công dân Ai Cập. Ngài lưu ý rằng, nếu toàn cầu hóa và công nghệ không được quản lý vì con người và các dân tộc, thì nó sẽ có tác động tiêu cực đến thế giới việc làm, đặc biệt làm cho các thế hệ trẻ có nguy cơ bị “xóa sổ” bởi “tai họa thất nghiệp”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.