Giáo hội Philippines kêu gọi tín hữu không mua bán phiếu bầu nhưng bỏ phiếu theo lương tâm
Hồng Thủy - Vatican News
Mua và bán phiếu bầu là một tội lỗi và vi phạm pháp luật
Trong một video gửi đến các tín hữu, Đức tổng giám mục Villegas nói: “Mọi người không nên bỏ phiếu cho những ứng cử viên đưa tiền ra để tìm kiếm phiếu bầu. Chúng ta không buộc phải tuân theo một số loại ‘hợp đồng’ trái đạo đức hoặc bất hợp pháp”. Ngài khẳng định rằng việc mua và bán phiếu bầu là một tội lỗi và vi phạm pháp luật.
Đức cha nguyên Chủ tịch Hội đồng giám mục Philippines nói rõ: “Khi rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn, người ta chắc chắn có thể nhận những giúp đỡ từ các ứng cử viên chính trị, nhưng đây không phải là một cuộc đổi chác hay một thỏa thuận: mọi người không buộc phải bỏ phiếu cho những ứng cử viên đó. Bạn có thể nhận trợ giúp bằng tiền, nhưng không vì giao kèo mà vì gia đình rất cần”.
Hiện tượng mua bán phiếu bầu
Hiện tượng mua phiếu bầu diễn ra phổ biến và tràn lan trong các cuộc bầu cử ở Philippines, mặc dù nó đi ngược lại bộ luật bầu cử “Omnibus”.
Cha Bel R. San Luis, dòng Ngôi Lời, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, giải thích với hãng tin Fides, “một trong những vấn đề chính của các cuộc bầu cử ở Philippines là nhiều cử tri bán phiếu bầu của họ với số tiền ít ỏi. Họ không xem xét khả năng, năng lực và sự liêm chính đạo đức của những chính trị gia mua phiếu bầu. Đây là một trong những lý do chính khiến đất nước không tiến bộ như mong muốn”. Cha nói thêm rằng các ứng cử viên hứa hẹn đủ điều nhưng khi được bầu họ lại muốn được phục vụ và tôn kính.
Chọn những ứng cử viên thể hiện khát vọng cao cả và ý chí thực sự phục vụ quốc gia
Theo cha Rolando V. De La Rosa dòng Đaminh, sử gia, nguyên viện trưởng Đại học thánh Tô-ma ở Manila, các cuộc bầu cử ở Philippines trên thực tế là “được tiền bạc hướng dẫn”. Nhiều ứng cử viên chi hàng triệu đô-la cho các áp phích, biểu ngữ, áo thun và quảng cáo được in tên và khuôn mặt của họ, để lưu lại trong trí nhớ của cử tri và nhận được phiếu bầu.
Theo cha, ý tưởng về dân chủ ngày nay bị “bẻ ngoặt và đảo lộn” trong cơ chế của guồng máy chính trị vì “đối với các nhà lãnh đạo, và cả đối với người dân thường, tiêu chí bầu chọn người vào chức vụ công là dựa trên sự nổi tiếng hoặc giàu có”. Cha De La Rosa nhấn mạnh: “Tiêu chí cơ bản của cuộc bỏ phiếu phải là tính trung thực và liêm chính, không bị ảnh hưởng bởi quảng cáo chính trị, các cuộc thăm dò và khả năng chiến thắng”. Cha đề nghị cử tri “cẩn thận lựa chọn những ứng cử viên thể hiện khát vọng cao cả và ý chí thực sự phục vụ quốc gia”.
Ủy ban Bầu cử dự kiến sẽ công bố danh sách cuối cùng các ứng cử viên chính thức vào tháng 1/2022, bao gồm những người tranh cử vị trí tổng thống, phó tổng thống, 12 ghế thượng nghị sĩ và 308 thành viên Hạ viện. Sau đó là bầu 81 thống đốc và phó thống đốc, 780 ghế trong hội đồng cấp tỉnh, 1.634 thị trưởng và phó thị trưởng các thành phố, 13.546 ghế trong hội đồng thành phố.
Theo Hiến pháp Philippines năm 1987, tổng tuyển cử được tổ chức sáu năm một lần, vào ngày thứ Hai của tuần thứ hai trong tháng 5. (Fides 03/11/2021)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.