Catholic200SG-Cathedral-exterior-01..jpg

Giáo hội Công giáo Singapore kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 200 năm truyền giảng Tin Mừng

Hôm thứ Bảy 11/12/2021, Giáo hội Công giáo ở Singapore đã bế mạc các cử hành trong Năm Thánh kỷ niệm 200 năm quốc đảo đón nhận Tin Mừng. Chuông ở tất cả 32 nhà thờ giáo xứ Công giáo trên toàn Singapore đã đồng thời vang lên trong một phút vào lúc 6 giờ chiều, sau đó là Thánh lễ được cử hành tại các nhà thờ.

Hồng Thủy - Vatican News

Khởi đầu của Giáo hội Singapore

Công cuộc truyền giáo đầu tiên tại Singapore bắt đầu từ thế kỷ XVI, khi một số nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, được tiếp nối bởi thánh Phanxicô Xaviê, đến quần đảo Mã Lai, nhưng nó bị gián đoạn sau khi người Hà Lan theo Tin Lành Calvin đến Singapore. Họ đã cấm việc thờ phượng Công giáo, các hoạt động truyền giáo bị hạn chế, trong khi các giám mục của giáo phận Malacca khi đó bị buộc phải cư trú bên ngoài lãnh thổ. Năm 1819, sau khi Công ty Đông Ấn của Anh mua đảo Singapore, Giáo hội quay trở lại Singapore, nhờ hoạt động của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris và đặc biệt là của thánh Laurent Marie Joseph Imbert (1796-1839), một linh mục người Pháp, thành viên của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, người được xem là linh mục Công giáo đã cử hành Thánh lễ đầu tiên tại đảo quốc này sau khi đặt chân lên bờ biển Singapore vào ngày 11/12/1821.

Được cử đến từ Pháp để lo việc truyền giáo ở Penang, ở nước láng giềng Malaysia, và ở Trung Quốc, thánh Laurent Imbert đã viết thư cho Đức cha Esprit Marie Joseph Florens, Đại diện Tông Tòa của Xiêm, người đã ủy nhiệm cho ngài: “Con đã đến Singapore vào ngày 11 và theo yêu cầu của Đức cha, con đã đến thăm những người Công giáo của khu định cư mới này. Chỉ có 12 hoặc 13 người và dường như họ có một cuộc sống nghèo khổ.” Thánh nhân đã thúc giục thành lập một cơ sở truyền giáo trên đảo. Được ủy thác cho Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, năm 1841 Singapore được Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI nâng thành giáo phận Đại diện Tông tòa Malacca-Singapore và đến năm 1972, trở thành một tổng giáo phận tách khỏi Malacca. Trong hai thế kỷ này, dân số Công giáo đã gia tăng đáng kể.

Về phần thánh Laurent Imbert, từ Singapore ngài đã đi đến Hàn Quốc, nơi ngài được bổ nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa vào năm 1836 và tử đạo tại đó vào ngày 21/9/1839, ở tuổi 43. Ngài là một trong số 301 vị tử đạo của Hàn Quốc được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên thánh vào năm 1984.

Lịch sử Giáo hội Công giáo Singapore

Năm Thánh kỷ niệm

Ngày 13/12/2020, Đức Tổng Giám mục William Goh của Singapore đã chủ sự Thánh lễ khai mạc các cử hành kỷ niệm trong Năm Thánh mừng 200 năm Tin Mừng được loan báo tại Singapore. Cùng với Thánh lễ khai mạc được cử hành trực tuyến, logo và trang web chính thức của Năm Thánh mang tên “Catholic200SG” cũng đã được ra mắt và với chủ đề: “Hãy thắp sáng và tỏa sáng với đức tin”, phù hợp với các mục tiêu mục vụ của Tổng giáo phận: những mục tiêu thúc đẩy một Giáo hội địa phương truyền giáo hơn.

Cha Valerian Cheong, đồng Chủ tịch của Ủy ban Năm Thánh đã giải thích: “Năm 2021 sẽ là một năm đặc biệt cho sự đổi mới đức tin của người Công giáo Singapore. Lễ kỷ niệm cũng sẽ giúp họ đánh giá cao vai trò của Giáo hội đối với sự phát triển của Singapore trong 200 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội và đối thoại liên tôn. Vì vậy, khi chúng tôi kỷ niệm năm quan trọng này, chúng tôi muốn mời tất cả người dân Singapore - không chỉ người Công giáo - cùng tham gia với chúng tôi để trao đổi ý kiến về cách hình thành một xã hội tốt hơn và quan tâm hơn.”

Trong năm cử hành vừa qua, các tín hữu Công giáo Singapore đã được mời gọi đào sâu, phân định, làm chứng và sống đức tin của họ. Các sự kiện tập trung xoay quanh bốn chủ đề, bao gồm Thánh lễ và những giây phút cầu nguyện, giáo lý, sám hối và suy tư, nhưng cũng có triển lãm, hòa nhạc, lễ hội và các hoạt động truyền giáo. Các tín hữu đã cầu nguyện để cảm ơn tổ tiên của họ, những người đã đón nhận đức tin và truyền lại cho Singapore và suy tư về những thách đố của Giáo hội ngày nay. Các giáo xứ đã tổ chức các hoạt động thiêng liêng và cộng đồng để khuyến khích họ đào sâu đời sống thiêng liêng.

Chương trình trong năm kỷ niệm còn có các hội nghị và cuộc họp về các khía cạnh khác nhau của Công giáo và tác động của nó đối với xã hội Singapore, trong đó có các chủ đề như giáo dục, đạo đức trong nền kinh tế, trách nhiệm xã hội, phục vụ người nghèo, tăng cường mối tương quan gia đình và đối thoại giữa các tôn giáo.

Đỉnh điểm của các lễ kỷ niệm là lễ hội được tổ chức trong tuần qua, từ ngày 4-11/12/2021, tại bốn địa điểm Công giáo quan trọng ở Singapore: nhà thờ Chúa Chiên Lành, nhà thờ hai thánh Phê-rô và Phao-lô, nhà thờ thánh Giuse và Trung tâm Công giáo.

Giáo hội Công giáo Singapore kết thúc năm kỷ niệm 200 năm truyền giảng Tin Mừng
Giáo hội Công giáo Singapore kết thúc năm kỷ niệm 200 năm truyền giảng Tin Mừng

Thánh lễ kết thúc Năm Thánh

Vào chiều thứ Bảy 11/12/2021, tất cả các nhà thờ ở Singapore đều kết nối với Thánh lễ chính do Đức Tổng Giám mục William Goh của Singapore cử hành tại Nhà thờ Chúa Chiên Lành, nhà thờ Công giáo lâu đời nhất trong nước.

Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ niềm vui của cộng đồng Công giáo Singapore với sự hiện diện của ông trong Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa để ghi nhận sự hiện diện của Giáo hội và đóng góp của Giáo hội đối với Singapore.

Trong số những người khác hiện diện tại Thánh lễ này có Sứ thần Tòa thánh, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, phu nhân của Thủ tướng, các lãnh đạo các tôn giáo và các đại diện của Đại sứ quán Pháp và Bồ Đào Nha, như dấu hiệu sự nhìn nhận thành quả lớn lao của việc loan báo Tin Mừng của các nhà truyền giáo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và chủ tịch Tổ chức Liên tôn giáo của Singapore.

Giáo hội Công giáo Singapore kết thúc năm kỷ niệm 200 năm truyền giảng Tin Mừng
Giáo hội Công giáo Singapore kết thúc năm kỷ niệm 200 năm truyền giảng Tin Mừng

Một Giáo hội năng động và tăng trưởng

Với khoảng 300.000 tín hữu, tương đương với 2,8% dân số, Giáo hội Công giáo ở Singapore là một trong những Giáo hội năng động và quan trọng nhất ở Đông Nam Á, bất chấp một xã hội ngày càng bị lối sống vật chất quyến rũ. Trên thực tế, dữ liệu gần đây nhất từ Văn phòng Thống kê Singapore cho thấy rằng Ki-tô giáo, và đặc biệt là Công giáo, là tôn giáo duy nhất đang phát triển ở quốc đảo này. Một sức sống được khẳng định qua sự hiện diện tích cực của Giáo hội trong lĩnh vực xã hội cũng như bởi đông đảo tín hữu tham dự các cử hành phụng vụ. Quan hệ của Giáo hội với Nhà nước, vốn có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh từ năm 1981, rất tốt cũng nhờ vào đặc tính đa tôn giáo của xã hội Singapore, nơi vốn có đa số dân theo Phật giáo.

Tín hữu Công giáo ở Singapore đã có những đóng góp và xây dựng cho Singapore. Đức Tổng Giám mục Goh nói trong bài giảng của mình: “Chúng ta được kêu gọi để tạ ơn vì những gì Chúa đang làm qua Giáo hội của chúng ta. Bất chấp xu hướng đi xuống ở nhiều quốc gia nơi mọi người đang mất niềm tin vào Chúa, cuộc điều tra dân số gần đây cho thấy chúng ta đã phát triển mạnh mẽ hơn trong 5 năm qua”.

Đức Tổng Giám mục Goh bày tỏ sự vui mừng vì các lễ kỷ niệm 200 năm Công giáo Singapore đã mang những người Công giáo đến với nhau theo những cách thức sáng tạo. Các sự kiện và video trực tuyến đã đạt hơn 1 triệu lượt xem trong năm kỷ niệm. Lễ hội từ ngày 4-11/12/2021 đã chứng kiến 12.000 người Công giáo tham dự các sự kiện và hoạt động khác nhau trong tổng giáo phận, và hơn 6.000 người khác đã tham dự các Thánh lễ cuối của Năm Thánh tại các nhà thờ trên 32 giáo xứ.

Thủ tướng Lý Hiển Long, một Phật tử, đã bày tỏ sự phấn khởi khi có thể hoà chung với cộng đồng Công giáo tại nhà thờ chính tòa của Singapore. Trong một video đăng trên Facebook, ông đánh giá cao về đóng góp của Giáo hội Công giáo cho Singapore trong hơn hai thế kỷ, thông qua giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội. Ông nói thêm: “Trong xã hội đa tôn giáo của chúng ta, người Công giáo phát triển mạnh và cùng tồn tại hài hòa với các tôn giáo khác.”

Giáo hội Công giáo Singapore kết thúc năm kỷ niệm 200 năm truyền giảng Tin Mừng
Giáo hội Công giáo Singapore kết thúc năm kỷ niệm 200 năm truyền giảng Tin Mừng

Sự hoà hợp giữa các tôn giáo

Theo điều tra dân số năm 2020, xét về thành phần sắc tộc của 3,52 triệu dân Singapore, thì 74,3% là người Trung Quốc, 13,5% là người Mã Lai, 9% là người Ấn Độ và các sắc tộc khác chiếm 3,2%.

Trong số những cư dân từ 15 tuổi trở lên, 31,1% tự nhận mình là Phật tử, 8,8% theo Đạo giáo, 18,9% là Ki-tô hữu, 15,6% là người Hồi giáo và 5,0% theo Ấn giáo. Những người không theo tôn giáo nào chiếm 20,0%.

Kể từ các cuộc bạo động chủng tộc giữa người gốc Hoa và người Mã Lai vào những năm 1960 khiến khoảng 40 người thiệt mạng, những người gốc Hoa theo Phật giáo (chiếm đa số ở Singapore), người Mã Lai theo Hồi giáo và người Ấn Độ theo Ấn giáo đã tránh xung đột với nhau.

Đức Tổng Giám mục Goh chỉ ra rằng chính phủ đời vẫn duy trì tính trung lập và khuyến khích sự hợp tác giữa các tôn giáo trong việc phát triển các giá trị xã hội, đạo đức và tinh thần của người dân. Ngài nói: “Các tôn giáo ở Singapore đều tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau”, và nói thêm, “Chúng tôi có sự hòa hợp giữa các tôn giáo rất mạnh mẽ ở Singapore, một thứ được xây dựng cẩn thận qua nhiều thế hệ”.

Phát triển "nội bộ"

Đức Tổng giám mục lưu ý rằng Giáo hội đã phát triển “nội bộ” trong tám năm qua, về các văn phòng tổng giáo phận, sự củng cố và các phong trào mới. Một số văn phòng mới đã được thêm vào và một số được mở rộng ví dụ như Văn phòng thu hút sự tham gia của những người trẻ, đặc biệt là những người trong các trường cao đẳng, đại học và người lớn đang đi làm. Ủy ban Gia đình với 11 chi nhánh đã được tái thiết, và hiện phục vụ những người đã đính hôn, kết hôn, mục vụ cho những người ly hôn và những người có vợ hay chồng đã qua đời.

Với việc thành lập Hội đồng mới của các Hiệu trưởng trong các trường Công giáo, Ủy ban Tổng giáo phận về các trường Công giáo (ACCS) đã hoạt động rất tích cực. Tổng giáo phận cũng đã tăng cường phương tiện truyền thông kỹ thuật số, Đài phát thanh Công giáo và Tin tức Công giáo. Các phong trào mới đã bắt đầu như Trung tâm Lãnh đạo Công giáo, Hiệp hội Kiến trúc Công giáo, Hiệp hội Công nhân Xã hội Công giáo và những tổ chức khác. Ngài nói: “Thật vậy, Giáo hội của chúng ta đang sống! Giáo dân chúng ta đang sống! Các tổ chức của chúng ta đang sống. Họ được tràn đầy Chúa Thánh Thần”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

14 tháng mười hai 2021, 10:38