Điểm sách - Giải đáp những thắc mắc về đạo Công giáo

Chào mừng bạn đến với chuyên mục “điểm sách” của Vatican News Tiếng Việt, chuyên mục điểm sách được phát vào thứ hai hàng tuần, với mong muốn giới thiệu đến thính giả những tác phẩm công giáo. Chúng tôi hy vọng rằng, chuyên mục sẽ mang đến cho bạn những cuốn sách hay và ý nghĩa hầu giúp thăng tiến đời sống đức tin, cũng như cổ võ những giá trị Kitô giáo và nhân văn.

Văn Cương, SJ - Vatican News

Đã khi nào bạn có những thắc mắc về đạo Công giáo mà chưa biết hỏi ai, hay mặc dù đã hỏi, đã tra cứu nhưng vẫn chưa hài lòng với câu trả lời nhận được; hoặc đôi khi, những em nhỏ trong gia đình hỏi mà chúng ta không biết phải trả lời ra sao; hay có những người bạn ngoài Công giáo hỏi về những điều liên quan đến ‘chuyện nhà đạo’ và chúng ta trả lời ậm ừ cho qua, vì nếu trả lời không biết thì ngại với người ta, nên đành trả lời theo kiểu “người nghe không hiểu và người nói cũng thực sự không hiểu.”

Nếu ai đã từng đi qua những kinh nghiệm gay go như vậy, có lẽ mục điểm sách tuần này sẽ có nhiều điều thú vị dành cho bạn, với cuốn sách có tựa đề: Giải đáp những thắc mắc về đạo Công giáo. Sách gồm 300 câu hỏi thường gặp nhất liên quan đến đạo Công giáo do Linh mục John Trigilio Jr. linh mục Kenneth D. Brighenti chắp bút và được nhóm Majorica – Dòng Tên chuyển ngữ.

Cha John Trigilio Jr. là tiến sĩ Triết học và Thần học, Cha Kenneth D. Brighenti là tiến sĩ Triết học, cả hai cha hiện đang là những ngòi bút được yêu thích với nhiều tác phẩm nổi tiếng được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, như tiếng Đức, Hà Lan, Pháp.

Lời mở đầu của cuốn sách được bắt đầu bằng lời khuyên nhủ của thánh Phêrô tông đồ dành cho mỗi tính hữu chúng ta: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1Pr 3,15-16).

Quả thực, việc trả lời những câu hỏi liên quan đến đức tin và niềm hy vọng không phải là chuyện đơn giản. Thế nhưng, vì là người Công giáo, bạn có thể được hỏi bất cứ lúc nào về niềm tin và những diễn tả niềm tin tôn giáo của mình. Có những câu hỏi rất đơn sơ, song cũng có những câu hỏi có vẻ rất hóc búa.

Chúng ta cùng đi ngay vào phần mục lục sách, vì chỉ cần đọc những câu hỏi trong phần mục lục, chúng tôi chắc chắn, bạn sẽ thấy những câu hỏi này vừa gần nhưng cũng vừa thách đố. Sách được chia thành 5 phần, gồm 23 chương.

Phần I (chương 1-5) nhằm trả lời cho những câu hỏi liên quan đến Tín lý của Giáo lý Công giáo: Thiên Chúa là ai? Thiên Chúa là nam hay nữ, hay không có giới tính? Tạo dựng hay tiến hoá – điều nào mới đúng? Nếu Thiên Chúa tốt lành, tại sao trên thế giới này lại có sự dữ? Thiên Chúa có tạo nên những loài sống ở các hành tinh khác không? Đâu là sự khác biệt giữa Kinh thánh Công giáo và Kinh thánh Tin lành? Đâu là sự khác biệt giữa Thánh truyền và Kinh thánh? Kinh thánh hay Giáo hội có thẩm quyền tối thượng?

Phần II (chương 6-11) nói về Việc Thờ Phượng của người Công giáo, trong đó nhấn mạnh đến Bảy Bí Tích: Vì sao Hội thánh Công giáo có bảy bí tích trong khi hầu hết các hội thánh Tinh lành chỉ có hai? Điều gì quyết định một người được gọi là thánh? Tại sao phải đến với một linh mục trong khi tôi có thể xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa? Tôi phải xưng những tội nào, thế nào là việc xưng tội cách không thành sự? Tại sao không có nữ linh mục, độc thân là một giáo thuyết hay một kỷ luật?

Phần III (chương 12-17) trả lời cho những câu hỏi liên hệ đến Mười Điều Răn như những vấn đề luân lý từ quan điểm công giáo? Những vấn đề luân lý gây tranh cãi: thế nào là một đời sống tốt? Lương tâm có bất khả xâm phạm không? Người ta cộng tác vào điều xấu như thế nào?

Phần IV (chương 18-21) gồm những câu trả lời về Việc Cầu Nguyện như việc đạo đức và lòng sùng kính: tôi có thể cầu xin mọi điều tôi muốn không? Tại sao lại cầu nguyện cho người khác? Ta nên dùng ngôn ngữ nào để cầu nguyện?

Phần V (chương 22-23) trả lời cho những câu hỏi liên quan đến Lịch Sử Giáo hội và những câu hỏi thường gặp nhất: Lạc giáo là gì? Làm sao để ngăn chặn lạc giáo? Việc các Kitô hữu bị bách hại đã giúp cho công cuộc loan báo Tin mừng như thế nào? Tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh có nghĩa là gì? Công đồng Vaticano II là gì và đã thay đổi Giáo hội như thế nào?

Chúng ta cùng đi vào một trong số rất nhiều câu hỏi mà khi vừa đọc lên chúng ta đều thấy tò mò và muốn đi tìm lời giải tức thì. Câu hỏi đó là: Thiên Chúa là nam hay nữ, hay không có giới tính? Nếu một ai đó hỏi bạn câu này, bạn sẽ trả lời với họ như thế nào?

Chúng ta cùng tạm tóm gọn câu trả lời của tác giả như sau:

“Thiên Chúa là tinh thần thuần túy, điều đó có nghĩa là Ngài không có thể xác. Thiên Chúa không là nam cũng không là nữ, chẳng phải nam tính hay nữ tính. Thiên Chúa không có giới tính. Con người và con vật có giới tính bởi vì chúng ta không sinh sản vô tính. Người nam và người nữ cần đối tác của mình để sinh sản. Người nam và người nữ bổ túc cho nhau vì không giới tính nào có được sự đầy đủ của nhân tính. Tự bản chất chúng ta bất toàn và cần những người khác. Thiên Chúa hoàn hảo và là hiện hữu viên mãn.”

Từ câu trả lời trên lại sinh ra một câu hỏi, vậy tại sao chúng ta sử dụng đại từ được chia ở giống đực “Ngài” (He) để gọi Thiên Chúa?

“Câu trả lời không chỉ nằm trong yếu tố văn hóa hay truyền thống phụ hệ, nhưng còn vượt xa hơn thế nữa… Kinh Thánh sử dụng đại từ “Ngài” bởi vì Thiên Chúa cũng mặc khải cương vị làm cha của Ngài trong Cựu Ước. Thêm nữa, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, mặc khải tư cách làm con và gọi Thiên Chúa là Cha trong Tân Ước.”

Từ việc Thiên Chúa không là nam cũng không là nữ, điều này muốn nói lên điều gì?

Điều này muốn nói rằng: “người nam không thể cho rằng mình có nhiều lợi thế hơn người nữ. Sách Sáng thế cho chúng ta biết: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (1:27). Điều này có nghĩa là người nam và người nữ bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Mặc dầu có những khác biệt về thể lý và tình cảm giữa hai giới, song về mặt thiêng liêng, người nam và người nữ lại giống nhau. Việc sử dụng đại từ được chia ở giống đực “Ngài” để nói về Đấng Toàn Năng thì không gì khác hơn việc thừa nhận mối tương quan được mặc khải về Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Những người cố gắng sửa đổi điều này vì lý do chính trị hoặc sử dụng những thuật ngữ mới mẻ như “Thiên Chúa là Mẹ chúng ta” thì rơi vào sai lầm của thuyết hình nhân.”

Ngoài ra, còn rất nhiều câu hỏi vừa khơi gợi sự tìm tòi, cũng như giúp bạn hiểu biết hơn về đạo Công giáo mà chúng ta đang tin theo, đang sống. Bạn sẽ thấy trong cuốn sách này những câu hỏi được trả lời thật ngắn gọn và thực tiễn. Những câu trả lời nhằm giúp chúng ta có thêm sự hiểu biết để biện hộ cho những ai chất vấn về niềm tin và hy vọng của chúng ta. Cuốn sách có kích thước 15x23cm với 680 trang.

Kính thưa quý thính giả, không phải cuốn sách nào cũng phù hợp với tất cả mọi người, hay cũng không có người nào phù hợp với mọi cuốn sách.

Nếu sau khi đã nghe mục ‘điểm sách’ tuần này, và bạn phân vân không biết liệu tác phẩm “Giải đáp những thắc mắc về đạo Công giáo” có phù hợp với mình hay không, bạn có thể tìm đọc tại các nhà sách công giáo hay tra cứu trên internet để tìm hiểu thêm về tác phẩm trước khi có quyết định cuối cùng. Hoặc có thể chờ một tác phẩm tiếp theo sẽ được giới thiệu vào tuần tới.

Cám ơn quý thính giả đã lắng nghe,

Xin chào và hẹn gặp lại.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

22 tháng hai 2022, 11:37