ĐTC bắt đầu án phong thánh tương đương cho 16 nữ tu Cát Minh tử đạo trong thời Cách mạng Pháp
Hồng Thủy - Vatican News
Việc phong thánh theo thủ tục “tương đương” không cần nghi lễ tôn phong như thủ tục phong thánh thông thường, nhưng được thực hiện bằng việc công bố tông sắc của Đức Thánh Cha về việc tuyên thánh. Có ba điều kiện để các vị chân phước được phong thánh “tương đương”; đó là các vị chân phước được tuyên thánh đã được tôn kính từ rất lâu, đã thể hiện các nhân đức anh hùng, và mặc dù không cần phép lạ mới nào, các ngài được tin là người chuyển cầu của những phép lạ. Các phép lạ xảy ra trước hoặc sau khi các ngài qua đời cũng được ban sử học của Bộ Phong thánh cứu xét.
Ít trường hợp phong thánh "tương đương"
Trong lịch sử chỉ có một số ít trường hợp phong thánh “tương đương”. Gần đây nhất là trường hợp Đức Thánh Cha tuyên thánh cho thánh nữ Magherita Castello dòng Đaminh, một nữ giáo dân Dòng Ba Đa Minh người Ý bị mù và khuyết tật, sống vào thế kỷ XIV.
Margherita sinh khoảng năm 1287 tại Metola, gần Urbino, bị mù bẩm sinh và bị cong cột sống nặng, do đó phải sống một cuộc sống khổ cực, giam mình trong một căn phòng để tránh khỏi ánh mắt người đời. Năm 1303, cha mẹ Margherita đã bỏ rơi cô tại một đền thánh ở Città di Castello. Người dân địa phương đã tìm thấy cô và một gia đình đã nhận chăm sóc cho cô. Sau đó Margherita tiếp xúc với Dòng Đa Minh, mới được thành lập, và được nhận vào Dòng Ba Đa Minh. Cô được nhận tu phục Dòng Ba Đa Minh và mang nó suốt cuộc đời còn lại của mình. Để cảm ơn những người hàng xóm đã nuôi nấng mình, Margherita đã mở một ngôi trường nhỏ, nơi cô dạy các em những Thánh vịnh mà cô đã học thuộc lòng, và dạy dỗ các em trong đức tin Công giáo.
Margherita qua đời vào năm 1320 khi 33 tuổi, và được chôn cất bên trong nhà thờ. Sau đó nhiều dấu lạ, phép lạ và chữa lành đặc biệt cũng như những hiện tượng thần bí khác được tin là nhờ lời chuyển cầu của cô.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng áp dụng thủ tục phong thánh “tương đương” cho thánh Phêrô Favre, người Pháp, bạn đồng hành của thánh I-nhã, đấng sáng lập dòng Tên. Trước đó Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng đã tuyên thánh theo thủ tục này cho thánh nữ Hildegard của Bingen, người Đức, Tiến sĩ Hội thánh.
16 vị tử đạo dòng Cát Minh
16 vị tử đạo được Đức Thánh Cha phong thánh tương đương bao gồm 11 nữ đan sĩ, ba nữ trợ sĩ và hai nữ tu phục vụ bên ngoài. Các chị thuộc đan viện dòng Cát Minh ở Compiègne.
Tập sinh duy nhất trong số 16 nữ tu Cát Minh - người đầu tiên và trẻ nhất bị hành hình - đã tự phát xướng lên bài thánh thi “Laudate Dominum, omnes gentes” - Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa - khi tiến đến máy chém. Hành động của nữ tu trẻ này đã truyền cảm hứng cho tất cả các nữ tu còn lại. Từng người trong các chị đã tiến đến quì xuống trước Mẹ Bề trên, hôn ảnh Đức Mẹ trong tay Mẹ Bề trên, xin thực hiện lời khấn hy sinh sự sống cầu nguyện cho cuộc Cách mạng Pháp chấm dứt và cho Giáo hội Pháp, sau đó tiến lên các bậc thang lên máy chém trong khi miệng cất cao lời ca ngợi khen Chúa. Nữ tu Bề trên là người cuối cùng chịu tử đạo.
Đâu là lý do các chị phải nhận cái chết đẫm máu như thế?
Thời Kinh hoàng của cuộc Cách mạng Pháp
Ngày nay các du khách thăm Paris có thể đến Place de la Nation - Quảng trường Quốc gia, một trung tâm giao thông và thương mại ở hữu ngạn sông Seine, và có thể họ không bao giờ biết về những hành động đẫm máu của cuộc cách mạng đã diễn ra ở đó. Tại đây, vào mùa hè nóng nực cuối cùng của Thời Kinh hoàng của cuộc Cách mạng Pháp, vào ngày 17/7/1794, 16 nữ tu Cát Minh ở Compiègne đã bị giết vì đức tin Công giáo của họ.
Đan viện Cát Minh được thành lập vào năm 1641, chỉ cách Paris một giờ lái xe về phía bắc, và là nơi nổi tiếng về lòng nhiệt thành và thực hành tôn giáo. Các thành viên của đan viện đặc biệt thực hành và làm chứng cho lòng nhiệt thành đó trong suốt những năm Cách mạng Pháp.
Một năm sau cuộc Cách mạng Pháp, vào năm 1790, Nhà nước Pháp đã ban hành Hiến pháp dân sự bài Công giáo. Các nhà lãnh đạo của Quốc hội đã quyết định rằng các dòng kín, chuyên tâm cầu nguyện và giữ thinh lặng, không đóng góp gì cho lợi ích chung. Do đó họ giải thể các đan viện. Còn các linh mục và dòng tu hoạt động tông đồ đã trở thành nhân viên của nhà nước. Hiến pháp Dân sự về Giáo sĩ đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng đối với hàng giáo phẩm Công giáo. Nó đòi các giáo sĩ tuyên thệ trung thành, một sự trung thành mâu thuẫn với lời thề trung thành với Đức Giáo hoàng và với Giáo hội thánh thiện, công giáo và tông truyền. Các linh mục không tuyên thệ đã bị lưu đày, cầm tù và bị xử tử như những kẻ phản bội.
Năm 1794, Thời Kinh hoàng bắt đầu và việc đổ máu ngày càng gia tăng. Ngoài 17.000 người bị Ủy ban An ninh Công cộng hành quyết, 300.000 người bị bắt, khoảng 10.000 người trong số họ chết trong tù.
Ngay cả các yếu tố văn hóa của Ki-tô giáo cũng bị tấn công. Các nhà chức trách đã thay đổi tuần làm việc thành 10 ngày, để loại bỏ mọi dấu vết của Ki-tô giáo trong nền văn hóa, bao gồm cả việc thực hành nghỉ ngơi vào Chúa Nhật.
Thi hài của Voltaire, người được tôn xưng là bổn mạng của người vô thần trong Thời Kinh hoàng vì lập trường chống Công giáo và vô thần kịch liệt của ông, đã được khai quật và diễu hành khắp các đường phố. Nhà độc tài Maximilien Robespierre, người đã giám sát phần lớn các vụ đổ máu, cũng được rước qua các đường phố và được tuyên bố là một vị thần bên trong nhà thờ Đức Bà nổi tiếng. Nhà thờ Đức Bà bị sử dụng như một ngôi đền dành riêng cho nữ thần Lý trí.
Cuộc tử đạo anh hùng
Vào ngày lễ Suy tôn Thánh giá, 14/9/1792, các đan sĩ dòng Cát Minh đã tái nhập vào một xã hội bị tàn phá bởi sự hỗn loạn đẫm máu của cuộc Cách mạng Pháp. Họ đã lên kế hoạch. Giới chức chính quyền đã đề nghị tự do và khen thưởng tiền bạc cho những người muốn rời dòng, nhưng không nữ tu nào chấp nhận lời đề nghị của họ. Thay vào đó, Mẹ Têrêsa Augustinô, bề trên tu viện, đã gợi ý cho các chị em một lời khấn bổ sung: dâng hiến mạng sống của mình với ý chỉ cầu cho cuộc Cách mạng Pháp chấm dứt và cầu cho Giáo hội Công giáo ở Pháp.
Khi tu viện bị giải tán vào ngày 14/9 sau khi chính phủ cướp bóc và tịch thu tất cả các nhà thờ Công giáo ở vùng lân cận, các nữ tu tiếp tục cuộc sống tu trì của mình cách âm thầm trong một tòa nhà chung cư ở Paris trong hai năm tiếp theo. Cuộc cách mạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn trước khi các nữ tu bị phát hiện và có cơ hội thực hiện lời khấn hứa hy sinh mạng sống cầu nguyện cho Giáo hội Pháp.
Tháng 6/1794, các quan chức chính quyền cách mạng đã tìm thấy tại căn hộ của các nữ tu ở Compiègne một bức chân dung của Vua Louis XVI và một lời kinh cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa Giêsu cho nhà vua. Các nữ tu đã bị bắt và sau 26 ngày bị giam trong tù, ngày 17/7/1794, 16 thành viên của đan viện Dòng Cát Minh ở Compiègne bị đưa ra xét xử.
Giống như rất nhiều phiên tòa trong Thời Kinh hoàng, quá trình tố tụng diễn ra không công bằng và các nữ tu đã phải chịu đựng những lời chế giễu về ơn gọi của họ trước khi bị Ủy ban An ninh Công cộng kết án là phản cách mạng và cuồng tín tôn giáo và kết án tử hình ngay ngày hôm đó.
Trên đường lên đoạn đầu đài, các nữ tu đã cùng nhau hát những bài thánh thi ngợi khen, bao gồm cả kinh Thương xót, kinh Lạy Nữ Vương, và giờ Kinh Chiều cùng với những kinh nguyện và các bài hát khác. Tại nơi hành quyết, các nữ tu hát cả kinh Chúa Thánh Thần và thánh thi Te Deum - Tạ Ơn Thiên Chúa, như truyền thống trong các lễ tuyên khấn, và sau đó, tập sinh duy nhất trong số 12 nữ tu, tên Constance, đã tuyên khấn. Mỗi nhát chém của máy chém làm câm lặng thêm một giọng hát cho đến khi Mẹ Bề trên bước lên bậc thang máy chém để chịu chết. Đám đông bình thường la ó cổ vũ khi đó đã im lặng một cách lạ thường.
Theo gương các Kitô hữu sơ khai
Sau khi Đức Thánh Cha khởi sự thủ tục phong thánh tương đương cho 16 nữ tu tử đạo dòng Cát Minh, cha John Hogan, cũng thuộc dòng Cát Mình đã viết trên Twitter: “Những nữ tu dòng Cát Minh này vẫn trung thành với Đức tin mặc dù Nhà nước yêu cầu họ chấp nhận điều cuối cùng là một tôn giáo mới - tôn thờ thế tục. Nhiều điểm tương đồng với những gì đang xảy ra hiện nay.”
Lòng trung thành với lời thề hứa và chứng tá nổi bật về cuộc tử đạo của các nữ tu đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật, từ các sách truyện như “Bài hát và Đoạn đầu đài”, cho đến phim ảnh, và thậm chí là một vở opera nổi tiếng có tựa đề “Cuộc Đối thoại của những tu sĩ Cát Minh”, được lấy cảm hứng từ cuốn sách cùng tên của nhà văn và nhà bình luận Công giáo nổi tiếng Georges Bernanos.
Đón nhận cái chết trong sự hỗn loạn của một trong những cuộc đàn áp chống Công giáo dữ dội nhất mà Giáo hội phải đương đầu, các nữ tu đã theo cách thức của những Ki-tô hữu sơ khai, đón nhận cái chết với lòng đạo đức và hát các bài thánh thi và kinh nguyện truyền thống. (CNA 25/02/2022)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.