Bạn trẻ cùi Robert Naoussi “dọn đường lên trời” cho người khác
Ngọc Yến - Vatican News
Ngày nay, phần mộ của anh đã trở thành nơi hành hương. Từ nơi này nhiều người đã được ơn hoán cải và chữa lành bệnh tật. Một trường truyền giáo được thành lập vào năm 2005 cũng đã mang tên anh.
Ngày 01/10/1970, giữa đêm tiếng chuông của trại phong Dibamba ở phía tây của Cameroon vang lên thật lớn. Bên ngoài, các bệnh nhân ca hát. Ở tuổi 23, Robert Naoussi vừa phó dâng linh hồn cho Chúa. Sau này, cha Raymond người đã đồng hành với bạn trẻ bị phong cùi viết “Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đến đón Robert”. Một niềm hoan hỉ như tất cả những gì Robert đã gieo ở đây, nơi sự bình an không thể giải thích được vẫn còn ngự trị cho đến ngày nay.
Robert Naoussi sinh năm 1947 ở Cameroon trong một gia đình nghèo, với người cha đa thê. Năm 7 tuổi Robert xin được rửa tội từ một linh mục truyền giáo ở trong làng. Lòng nhiệt thành của cậu bé làm mọi người xung quan ngạc nhiên. Từ khi được rửa tội, Robert siêng năng đến nhà thờ kéo chuông để mời mọi người đến cầu nguyện. Robert mơ được vào chủng viện nhưng người nhà anh phản đối. Sau đó Robert được gửi đến một trường học xa nhà, và ở lại đó với người dân địa phương. Buổi sáng khi không có đủ thức ăn, Robert thường nhường phần của mình cho người khác và để bụng đói đến trường.
Robert bắt đầu nhiễm bệnh phong cùi khi khoảng 16-17 tuổi. Đối với Robert, đây là một thử thách nặng nề vì anh đã có những kế hoạch đẹp cho cuộc đời. Vào tháng 5/1969 anh được đưa đến trại phong Dibamba. Bực mình khó chịu về điều này, Robert hỏi cha tuyên uý tại sao lại là chính anh phải ở đây. Cha trả lời rằng chỉ có Chúa Giêsu mới có câu trả lời cho anh. Trong ba ngày, anh cầu nguyện, không ăn, không uống, không ngủ. Cuối cùng anh hiểu. Anh nói: “Tôi ở đây để anh chị em tôi biết Chúa Giêsu”. Thực tế, 9 anh chị em của Robert đã rửa tội sau khi anh qua đời. Một nữ tu làm việc ở trại phong làm chứng: “Từ đó về sau không bao giờ anh than phiền nữa. Lời thưa xin vâng của Robert như lời thưa xin vâng của Đức Mẹ, một lời xin vâng dứt khoát, trọn vẹn và với niềm vui”.
Robert biết mình sẽ không thể hồi phục. Trong đau đớn này, anh cầu nguyện cho những người khác và vui vẻ đón tiếp những ai đến gặp anh. Cha Raymond đã đọc cho anh nghe cuộc đời của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Đối với người trẻ bị bệnh phong cùi, đây là một mặc khải vì qua câu chuyện của thánh nữ anh hiểu rằng anh có thể trở thành nhà truyền giáo với những đau khổ của mình. Anh nói: “Bạn bè của tôi không biết Chúa Giêsu, tâm hồn họ thường hay buồn rầu. Tôi sẽ dâng hiến cuộc sống tôi vì hạnh phúc của họ. Căn bệnh tôi đang mang là công cụ làm việc để dọn đường lên thiên đàng cho người khác”. Ở thời điểm đó, những ai sống gần Robert đều ghi nhớ nụ cười và đức tin của anh mặc dù phải sống trong cảnh bị bỏ rơi và rất đau đớn.”
Cuối cùng Robert qua đời vào ngày 01/10/1970. “Papa Louis” là y tá của anh cho đến cuối đời, nói: “Chưa bao giờ tôi thấy có một người đau đớn như vậy. Tạ ơn Chúa, Đấng tốt lành đã cho tôi can đảm để làm việc với Robert. Một ngày Robert nói với tôi: ‘Tôi muốn Chúa thêm đau khổ cho tôi để bệnh phong có thể rời khỏi thế giới này’”.
Robert đã dạy rằng đau khổ không phải là điều xấu như có nhiều người ở châu Phi nghĩ. Đau khổ không còn là gánh nặng nếu người ta biết chấp nhận nó.
Chứng tá của Robert đã lan toả khắp giáo phận Douala và ở các nơi khác. Cuối tuần, nhiều người hành hương đến mộ của anh. Trong số này có nhiều người trẻ của trường truyền giáo “Robert Naoussi” được thành lập vào năm 2005 theo cảm hứng của người cùi trẻ và mục tiêu của trường là học cách biến đau khổ trở thành một công cụ loan báo Tin Mừng. Cha Patoum, vị sáng lập phong trào quy tụ khoảng 50 người giải thích: “Hoạt động chính là cầu nguyện, đặc biệt là thờ lạy Thánh Thể”.
Ảnh hưởng của Robert vượt ra ngoài biên giới. Yêu mến tinh thần của Robert, một giảng viên thần học ở miền đông nước Pháp Michèle Atlmeyer đã cố gắng truyền cảm hứng này cho các sinh viên, bằng cách cho các bạn trẻ xem video về cuộc đời của Robert khi 20 tuổi. Giáo sư nói: “Hiện nay các thanh thiếu niên không bị bệnh phong như Robert, nhưng các em bị các loại bệnh phong khác, các dạng nghèo đói khác, trong đó có cả việc không biết Chúa, thường thiếu sự nâng đỡ từ đức tin. Khi giới thiệu Robert cho các bạn trẻ, chính người trẻ này đã dọn đường cho nhiều sinh viên của tôi”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.