Các tổ chức từ thiện Công giáo tại Ucraina cảm ơn lời ĐTC kêu gọi chấm dứt chiến tranh
Hồng Thủy - Vatican News
Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế vừa kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày để xem xét các nỗ lực nhân đạo của Công giáo tại đất nước bị chiến tranh tàn phá. Nói về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trưa Chúa Nhật 2/10/2022 về việc ngừng bắn ở Ucraina và đối thoại để tìm kiếm hòa bình, Đức ông Robert Vitillo, Tổng thư ký của Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế (ICMC) đã bày tỏ lòng biết ơn đối với những lời của Đức Thánh Cha và hy vọng rằng nó sẽ tạo động lực để tìm cách ngừng xung đột và làm việc để tìm ra một giải pháp hòa bình.
Thông điệp của Đức Thánh Cha mang đến hy vọng
Đức ông Vitillo nói rằng việc Đức Thánh Cha hướng chúng ta cũng như cộng đồng quốc tế tập trung vào nhu cầu hoạt động vì hòa bình là điều rất quan trọng. Đức ông nói: "Trong khi chúng ta tiếp tục giúp đỡ những người đang bị ảnh hưởng nặng nề ở Ucaina và những người tị nạn đó cũng như các nước láng giềng và thậm chí trên toàn thế giới, chúng ta thực sự cần thấy rằng chiến tranh sẽ không giải quyết được những vấn đề này. Chúng tôi nhận thấy các tác động không chỉ đơn giản là mất mát bi thảm về nhân mạng, không bao giờ có thể bù đắp được, mà còn những tác động đến con người về sức khỏe tâm lý, về mối quan hệ gia đình và về đau khổ và mất hy vọng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng thông điệp này của Đức Thánh Cha mang đến cho họ hy vọng, nhắc nhở thế giới rằng chúng ta phải làm việc vì hòa bình trong khi chúng ta cũng đang đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của họ ngay bây giờ."
Nhóm "Phản ứng của Công giáo vì Ucraina"
Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế đóng vai trò là người triệu tập Nhóm Công tác được gọi là Phản ứng của Công giáo vì Ucraina, bao gồm các tổ chức nhân đạo Công giáo lớn tham gia hỗ trợ người tị nạn Ucraina và những người phải di dời. Ủy ban vừa kết thúc phiên lập kế hoạch chiến lược kéo dài hai ngày của Nhóm công tác, xem xét nhu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Nhóm Phản ứng Công giáo cho Ucraina họp thường xuyên để xem xét tình hình trong nước, chia sẻ thông tin chính về các nỗ lực của họ, xác định các lỗ hổng, tránh trùng lặp các nỗ lực và thúc đẩy vận động để tăng cường sự tiếp cận sâu rộng và rộng rãi của Giáo hội Công giáo đối với những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Trong số các thành viên nhóm làm việc còn có Caritas Quốc tế, Caritas Châu Âu, Cơ quan Tị nạn Dòng Tên Châu Âu, Ủy ban Hội đồng Giám mục Liên minh Châu Âu, Hội đồng Giám mục Châu Âu và Hội Hiệp sĩ Malta, Tổ chức Quốc tế Depaul I, Hội Hiệp sĩ Columbus, Hiệp hội Stella Maris _ Sao Biển, và Hiệp hội Y tế Công giáo Hoa Kỳ. Nhóm hợp tác chặt chẽ với Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.