Các Giám mục Đức họp Đại hội mùa thu tại Fulda Các Giám mục Đức họp Đại hội mùa thu tại Fulda 

Các Giám Mục Hòa Lan và Đức về Roma thăm Tòa Thánh

Bắt đầu từ thứ hai 7/11/2022, các Giám Mục Hòa Lan và Đức về Roma thăm Tòa Thánh. Bắt đầu là 12 Giám Mục Hòa Lan từ ngày 7 đến 12/11/2022. Tiếp đến là gần 70 Giám Mục thuộc 27 giáo phận tại Đức từ ngày 14 đến 18/11/2022. Dư luận Công Giáo đặc biệt quan tâm đến tình hình Giáo Hội tại hai nước này, được coi là "biểu tượng" những thách đố tục hóa mà Giáo Hội đang phải đương đầu tại Âu Châu.

G. Trần Đức Anh, O.P.

 Giáo Hội tại Hòa Lan

 Hòa Lan ở trong tình trạng tục hóa cao độ nhất Âu Châu. Tin gần đây nhất

gây chú ý về Giáo Hội này là ngày 10/9/2022, Đức Cha Jan Hendricks, Giám Mục giáo phận Harlem-Amsterdam, vùng thủ đô Hòa Lan, cho biết 60% thánh đường của giáo phận, tức là gần 100 nhà thờ sẽ bị đóng cửa trong vòng 5 năm tới đây, vì số tín hữu đi nhà thờ, số người thiện nguyện và số thu nhập của giáo phận bị giảm sút.

 Đức cha Hendricks cho biết như trên trong cuộc gặp gỡ khoảng 90 vị quản trị các giáo xứ hôm 10/9 vừa qua. Giáo phận này được thành lập năm 1559, và bao gồm toàn miền bắc Hòa Lan cũng như miền nam tỉnh Flevoland, bao gồm thủ đô Amsterdam.

 Đức Cha cai quản giáo phận này từ 2 năm nay (2020). Ngài nhận định rằng đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh sự suy giảm số tín hữu đi nhà thờ. Nhiều người cao tuổi không còn đến thánh đường nữa. Một số khác trở nên quen thuộc với việc tham dự Thánh lễ trực tuyến Chúa Nhật. Số người thiện nguyện giảm sút và nhiều ca đoàn cũng ngưng hoạt động. Tình trạng này đưa tới viễn tượng: trong số 164 nhà thờ của giáo phận, có 99 thánh đường sẽ bị đóng cửa trong vòng 5 năm tới. Trong số 65 nhà thờ còn lại, 37 thánh đường sẽ tiếp tục trong vòng từ 5 đến 10 năm như những "nhà thờ hỗ trợ", và chỉ còn lại 28 nhà thờ chủ yếu được coi là có thể sống lâu dài.

 Đức Ông Bart Putter, tổng đại diện giáo phận Harlem-Amsterdam, nói với báo The Pillar ở Mỹ hôm 26/9 vừa qua rằng giáo phận chưa lập danh sách những nhà thờ cần bị đóng cửa, nhưng hy vọng các cộng đoàn địa phương sẽ chọn những nhà thờ chính. "Ý tưởng chính là thành lập 28 nơi tích cực loan báo Tin Mừng và chúng tôi hy vọng các cha sở cũng như Hội đồng giáo xứ có thể thực hiện điều đó".

 Những con số được trình bày trong cuộc họp ngày 10/9 vừa nói cho thấy số tín hữu đi dự lễ giảm sút, từ hơn 25 ngàn hồi năm 2013 xuống còn 12 ngàn trong năm ngoái, 2021. Số người dự lễ giảm sút nhiều trong nhiều năm qua, chứ không phải chỉ trong thời gian gần đây. Trong thập niên 1950, số tín hữu Công Giáo tham dự thánh lễ là 80% nhưng ngày nay chỉ còn lại 3% tín hữu đi dự lễ, trong tổng số 425 ngàn người Công Giáo trong giáo phận. (The Pillar 27/9/2022)

 Tình hình Công Giáo Đức

 Còn về Công Giáo tại Đức, từ lâu Giáo Hội tại đây thu hút nhiều chú ý và quan tâm của dư luận Công Giáo thế giới, đặc biệt là tình trạng căng thẳng và chia rẽ trầm trọng về lập trường đối với đạo lý của Giáo Hội, như được biểu lộ trong Con đường Công nghị, và các vị hy vọng cuộc viếng thăm Tòa Thánh sắp tới sẽ giúp tái lập sự hòa giải với nhau.

 Bối cảnh vấn đề

 "Chúng tôi đồng ý rằng có sự bất đồng giữa chúng tôi. Và đó không phải là điều thích hợp”. Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, tuyên bố như trên trong cuộc họp báo trưa ngày thứ Năm, 26/9/2022, sau khi kết thúc hóa họp mùa thu của 69 Giám Mục thuộc 27 giáo phận toàn quốc tại Fulda, cạnh mộ của thánh Bonifaxio, Tông đồ của dân tộc Đức.

 Qua câu nói trên đây, Đức Cha Baetzing tóm tắt nội dung khóa họp và theo ngài, các Giám Mục Đức phản ánh một xã hội trong đó không phải mỗi người đều đồng ý với nhau.

 Từ lâu nay, tình trạng chia rẽ giữa các Giám Mục Đức ngày càng rõ rệt, như kết quả của điều gọi là Con đường Công nghị (Synodal Weg). Đây là một tiến trình do Hội Đồng Giám Mục và Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức đề xướng nhắm cải tổ Giáo Hội sau những vụ Giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong những thập niên trước đây: cải tổ trong 4 lãnh vực cũng là 4 diễn đàn của công nghị: cải tổ việc thực thi quyền bính trong Giáo Hội, cụ thể là dân chủ hóa; vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, trong đó có việc cho phụ nữ chịu thánh chức, cải tổ luân lý tính dục của Giáo Hội cho hợp thời và sau cùng là thay đổi luật độc thân giáo sĩ. Khóa họp toàn thể của Công nghị có tối đa là 230 đại biểu, đa số là giáo dân.

 Trong đại hội lần thứ 4 hồi đầu tháng 9 năm nay của Con đường Công nghị Công Giáo Đức, các đại biểu đã bỏ phiếu về 4 văn kiện chính, trong đó Văn kiện thứ nhất về việc thay đổi luân lý tính dục của Công Giáo không được thông qua vì không hội đủ 2 phần 3 số phiếu của các Giám Mục trong cuộc bỏ phiếu kín. Sau đó, ban lãnh đạo công nghị gồm các giáo dân và Giám Mục cấp tiến, đã quyết định phải bỏ phiếu công khai, kêu tên mỗi đại biểu, để họ bỏ phiếu thuận hay chống. Với biện pháp này, 3 văn kiện sau đó đều hội đủ số phiếu để thông qua. Lý do vì nhiều Giám Mục không muốn bị dư luận phê phán và chống đối, nên đã bỏ phiếu thuận đối với các văn kiện đó, ví dụ như đề nghị thỉnh cầu Tòa Thánh truyền chức thánh cho phụ nữ, biến luật độc thân giáo sĩ thành điều tùy ý, dân chủ hóa Giáo Hội.

 Lập trường của Tòa Thánh

 Lập trường của Tòa Thánh đối với hướng đi của Con đường Công nghị đã được Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, người Croát, Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, bày tỏ qua lời kêu gọi các Giám Mục nước này hãy hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

 Trong buổi khai mạc Đại hội mùa thu 26/9/2022 của các Giám Mục Đức, Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần nhấn mạnh rằng "tính hiệp hành, tính đoàn thể và cộng đoàn tính của hàng Giám Mục là những thực tại bổ túc đặc tính của Giáo Hội Công Giáo”. Và Đức Tổng Giám Mục Eterovic bày tỏ quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô về con đường công nghị của Công Giáo Đức, theo đó, Giáo Hội Công Giáo tại Đức quá quan tâm tới các vấn đề cơ cấu, cải tổ các cơ cấu Giáo Hội, mà ít nghĩ đến việc loan báo sứ điệp Tin Mừng cứu độ.

 Cụ thể, vị đại diện Tòa Thánh nhắc nhở cho các Giám Mục Đức rằng các cơ cấu mới và giáo huấn tại các giáo phận chỉ có thể được du nhập trong sự phù hợp với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, như thông cáo của Tòa Thánh gửi Hội Đồng Giám Mục Đức hồi tháng 6 năm nay. Cần phải duy trì sự hiệp nhất của các thành viên Giám mục đoàn với Đức Giám Mục Roma.

 Đức Sứ Thần Tòa Thánh nhắc lại lời cảnh giác của Đức Thánh Cha chống lại nguy cơ "duy nghị viện”, trong tiến trình công nghị đồng hành của Giáo Hội, nguy cơ theo đó người ta quyết định mọi sự theo đa số và thiểu số phải phục tùng đa số.

 Đức Tổng Giám Mục nhắc nhở Hội Đồng Giám Mục Đức về truyền thống bỏ phiếu kín trong Thượng Hội Đồng Giám Mục hoặc các cuộc họp chính thức của Giáo Hội. Các ký giả báo chí không được tham dự, để các Giám Mục được tự do quyết định và không chịu sức ép từ bên ngoài hoặc của dư luận.

 Trước đó, hồi tháng 7 năm nay, một thông cáo Phủ Quốc Vụ khanh Tòa Thánh nhắc nhở các Giám Mục Đức và các thành viên Con đường Công nghị rằng Công nghị này không có quyền "buộc các Giám Mục và các tín hữu chấp nhận những cách thức cai quản mới và những đường lối tiếp cận mới về đạo lý và luân lý của Giáo Hội Công Giáo”.

 Hy vọng vượt thắng chia rẽ và hòa giải

 Trong cuộc họp báo trưa ngày 26/9/2022, Đức Cha Baetzing cho rằng sở dĩ có sự bất đồng của một số Giám Mục chống đối và phê bình từ phía Tòa Thánh là vì Đức Thánh Cha và các vị tại Tòa Thánh không được nghe trực tiếp những lý lẽ và nội dung của Con đường Công nghị. Sở dĩ có sự chống đối vì "Hình ảnh mà Đức Giáo Hoàng có về Con đường Công nghị không tương ứng với sự thật”.

 Với hy vọng giải tỏa những "hiểu lầm” đó, việc chuẩn bị cho cuộc "Visit ad Limina”, hành hương về Roma, viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, gặp các cơ quan trung ương Tòa Thánh và nhất là gặp Đức Thánh Cha là một chủ đề chính trong khóa họp của các Giám Mục Đức tại Fulda.

 Đức Cha Baetzing đã trình bày "chiến lược” của các Giám Mục Đức khi về Roma: sẽ có 11 cuộc gặp gỡ giữa các Giám Mục với các cơ quan Tòa Thánh, từ Phủ Quốc vụ khanh, tới Bộ Giám Mục, giáo lý đức tin, đại kết, dòng tu, phụng vụ và kỷ luật bí tích, và các cơ quan khác. Hội Đồng Giám Mục sẽ bổ nhiệm người phát ngôn mỗi nhóm trong các cuộc gặp gỡ đó. Chương trình sẽ có một điểm mới, "một hình thức mới trong đó các Giám Mục Đức chúng tôi sẽ ngồi cùng với Đức Giáo Hoàng và nhiều vị bộ trưởng, và một lần nữa sẽ có một cái nhìn khẩn trương về Con đường Công nghị.

 Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức tuyên bố rất hy vọng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự các cuộc thảo luận chứ không chỉ gặp chung các Giám Mục trong 1 hay 2 tiếng đồng hồ để lắng nghe mà thôi, như thường xảy ra với các đoàn Giám Mục khác. Nhưng trong cuộc phỏng vấn ngày 26/9, với đài Phát thanh Bavavia (Bayerischer Rundfunk), Đức Cha Baetzing nhấn mạnh rằng "Nói cho cùng, chính Đức Giáo Hoàng là nhà đại cải tổ, vì thế không phải là một nhận thức đúng khi nói Đức Giáo Hoàng là người chống lại Con đường Công nghị”.

 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

06 tháng mười một 2022, 11:44