Điểm sách - Cùng đích đời Đức Giêsu

Tin mừng thứ tư hàm chứa rất nhiều thành ngữ liên quan tới thời gian, những câu hỏi được đặt ra: đâu là dụng ý của tác giả? Những “thành ngữ thời gian” giúp ta hiểu Đức Giê-su Ki-tô thế nào? Đâu là vai trò độc đáo của nó? Những câu hỏi này đẩy bước chân chúng ta lên đường tìm kiếm.

Văn Cương, SJ - Vatican News

Tác phẩm: Cùng đích đời Đức Giêsu

Tác giả: Lm. Vinh sơn Mai Văn Kính

Kính thưa quý độc giả,

“Cùng đích đời Đức Giêsu” đến với tác giả như thế nào?

Tác giả viết, chủ đề “cùng đích đời Đức Giê-su” trong Tin mừng (Tm) theo thánh Gio-an đến với người viết một cách rất riêng và bất ngờ. Trong lúc tôi đang mải dồn tâm huyết nghiên cứu về thời gian nơi Tin mừng thứ tư, thì lời của Đấng Chịu Đóng Đinh “thế là đã hoàn tất” (x. 19,30) đã cuốn hút và chiếm hữu tôi.

Đó là một cuộc gặp gỡ vượt quá điều mong đợi. Bản thân tôi, một cách biểu tượng, khi đang thắc mắc “thời gian ở Tin mừng thứ tư có ý nghĩa gì?”, tôi lại được cuốn hút về núi Gôn-gô-tha để lắng nghe lời xác quyết của Đức Giê-su Ki-tô, Mô-sê mới: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).

Nhưng, là môn đệ Đức Ki-tô, đức tin không bao giờ thụ động tĩnh tại, trái lại nó luôn năng động trên đường tìm kiếm. Thế nên, tôi cũng thắc mắc: phải chăng lời “hoàn tất” của Đức Giê-su trên Thập Giá là cánh cửa khép kín? Nếu tất cả đã “xong”, vậy đâu là giá trị nỗ lực cộng tác của con người? Đối với Giáo hội, nếu “mọi sự đã hoàn tất”, thì đâu là ý nghĩa của những cố gắng mà Giáo hội đã cống hiến hơn 20 thế kỷ qua?

Hóa ra, lời khẳng định “mọi sự đã hoàn tất” cũng gợi ra nhiều câu hỏi hấp dẫn. Cũng chân nhận rằng, sự kiện lời cuối cùng của Đức Giê-su trên Thập Giá cuốn hút tôi mới chỉ là một linh cảm khởi đầu, phía trước còn hoàn toàn mở ngỏ chưa có gì chắc chắn. Dù vậy, linh cảm này cho phép tôi đặt những bước chân đầu tiên vào hành trình nghiên cứu.

Nội dung (Chương I - ĐẾN GẦN CÙNG ĐÍCH)

Tin mừng thứ tư hàm chứa rất nhiều thành ngữ liên quan tới thời gian, những câu hỏi được đặt ra: đâu là dụng ý của tác giả? Những “thành ngữ thời gian” giúp ta hiểu Đức Giê-su Ki-tô thế nào? Đâu là vai trò độc đáo của nó? Những câu hỏi này đẩy bước chân chúng ta lên đường tìm kiếm.

Tất cả các học giả đều ghi nhận vai trò quan trọng của “thời gian câu chuyện”, nhưng cùng lúc họ phải thú nhận rằng: đó là chủ đề rất phức tạp, khiến họ mới chỉ nghiên cứu ở một mức độ chung chung mà thôi. Hai thực tế trên với những câu hỏi mở ngỏ khiến chúng tôi làm con đường vòng tìm kiếm và gặp được chủ đề telos.

Chúng tôi ý thức rằng, đề cập tới “cùng đích cuộc đời Đức Giê-su (telos)” nơi Tin mừng thứ tư đòi phải nghiêm túc và mang tính khoa học. Do đó, một đàng tác giả để cập thực trạng nghiên cứu về “thời gian câu chuyện” và về telos, đàng khác dần dần giúp ta tìm hướng đi riêng cho đề tài nghiên cứu.

Từ ngữ trực tiếp nói về thời gian

Đọc Tin mừng thứ tư, ai cũng nhận thấy có rất nhiều thành ngữ liên quan tới thời gian mà ta có thể gom vào ba nhóm. Thứ nhất, tác giả dùng từ gốc Hy-lạp hôra để nói về giờ (x. 2,4; 7,30; 8,20; 12,23.27; 13,1; 17,1; 19,27). “Giờ” thường gắn liền với thời khắc quyết định của cuộc đời Đức Giê-su. Chẳng hạn giờ thực hiện dấu lạ khởi đầu (x. 2,4); hoặc giờ “vượt qua thế gian mà về cùng Chúa Cha” (x. 13,1). Bên cạnh đó, tác giả dùng từ kairos để nói về thời (x. 7,6.8). Đó là khoảng khắc thuận tiện để một người thực hiện ý định của mình. Chẳng hạn, trong dịp Lễ Lều, Đức Giê-su nói: “thời của tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng thuận tiện” (x. 7,6). Thứ hai, Tin mừng thứ tư đề cập tới các ngày trong tuần lễ. Chẳng hạn, thành ngữ “hôm sau” mang ý nghĩa biểu tượng: một giai đoạn mới của lịch sử mặc khải so với giai đoạn trước (1,29.35.43; 6,22; 12,12). Hoặc, thành ngữ “ngày thứ ba” diễn tả biến cố dấn thân quyết định của Thiên Chúa nhằm giải thoát con người v.v... (x. 2,1.19).

Tiếp đó, Tin mừng thứ tư dùng rất nhiều thành ngữ thời gian liên quan tới các dịp Lễ của người Do-thái. Chẳng hạn ngày sa-bát (x. 5,9.10.16.17; 9,14.16; 19,31) gọi về biến cố Thiên Chúa hoàn tất công trình sáng tạo và Ngài nghỉ ngơi (x. St 2,1-3). Tác giả cũng đặc biệt kể lại lễ Vượt Qua, mừng biến cố nền tảng đức tin của Ít-ra-en: Thiên Chúa đã giải thoát họ ra khỏi cảnh nô lệ của Ai-cập, và Ngài tiếp tục giải thoát họ. Trong cuộc đời công khai của Đức Giê-su, có ba dịp lễ Vượt Qua: dịp thứ nhất, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem (x. Ga 2,13.23); lần thứ hai, Ngài ở tại Ga-li-lê (x. 6,4); lần thứ ba, Ngài lên Giê-ru-sa-lem để hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó (11,55; 12,1; 13,1; 18,28.39; 19,14).

Tầm quan trọng của “thời gian”

Chúng ta thấy rằng: thành ngữ về thời gian hiện diện hầu hết trong từng trang Tin mừng thứ tư. Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của thời gian trong Tin mừng này. Ngày nay, các học giả đều đồng ý công nhận: những thành ngữ về thời gian và địa lý nơi Tin mừng thứ tư có độ tin tưởng chính xác hơn so với Nhất Lãm.

Lời mời gọi đặc biệt lưu tâm tới các “chỉ dẫn thời gian” nơi Tin mừng thứ tư thật chính đáng và tha thiết, vì chúng đụng chạm tới cả thần học của Tin mừng này. Nhưng câu hỏi đặt ra, ta nghiên cứu thế nào? Trước vô vàn chỉ dẫn thời gian ở Tin mừng thứ tư, liệu rằng ta có thể đề cập tất cả được chăng?

Câu trả lời xem ra có vẻ không khả quan cho lắm! Dù vậy, ta vẫn thấy lời réo gọi nghiên cứu trên là thiết thực. Bởi vì, khi lưu tâm thực sự tới các “thành ngữ thời gian”, hầu hết các học giả đều nhận định: chúng đóng vai trò quyết định không chỉ trên phương diện thần học, mà còn tác động trực tiếp tới cấu trúc của chính Tin mừng thứ tư nữa.

Chẳng hạn, một số học giả đã dựa trên hai tiêu chuẩn về thời gian là “tuần lễ” và “các dịp Lễ” để bố cục Tin mừng thứ tư. Lối đề nghị này vẫn được khá đông học giả hiện đại chấp nhận: họ dựa vào tiêu chuẩn thời gian về giờ để chia tác phẩm Gio-an thành hai phần: sách về dấu chỉ và sách về giờ. Thực tế này cho thấy tiêu chuẩn về thời gian là yếu tố căn bản không thể bỏ qua để chia bố cục Tin mừng thứ tư. Lý do, “những chỉ dẫn về thời gian liên quan trực tiếp tới nguồn gốc, căn tính và định hướng cuộc đời Đức Giê-su”. Đến đây ta thấy rõ, đối với Tin mừng thứ tư, không đề cập tới những chỉ dẫn về thời gian, thì dường như không thể hiểu về cuộc đời Đức Giê-su. Nhưng câu hỏi vẫn day dứt: ta sẽ tìm hiểu các “chỉ dẫn thời gian” ở Tin mừng này thế nào?

Mục lục

Tác phẩm gồm các phần như sau.

Phần thứ nhất sẽ nêu ra lý do cần thiết để nghiên cứu chủ đề cùng đích (telos) và ý nghĩa của nó.

Phần thứ hai sẽ trực tiếp nghiên cứu cùng đích - telos trong Tin mừng thứ tư: trước hết nơi sách về Dấu Lạ (1,19‒12,50); sau đó nơi sách về Giờ (13,1‒20,29).

Phần thứ ba sẽ là những suy tư về hoa trái thần học của cùng đích - telos. Một cách chung, cả ba phần trên đều nhằm làm nổi bật ý nghĩa và vai trò của cùng đích - telos đời Đức Giê-su trong Tin mừng thứ tư.

Tuy nhiên, vì độ dài các trang nghiên cứu, nên chúng tôi xin chia thành hai tập sách. Tập 1 sẽ bao gồm phần thứ nhất và nửa phần thứ hai. Tập 2 sẽ tiếp tục đề cập nửa phần thứ hai còn lại và phần thứ ba

Tập 1 Phần I: Đường vòng tới gần cùng đích Chương 1: Đến gần cùng đích Chương 2: Ý nghĩa của cùng đích Phần II: Cùng đích nơi Tin mừng thứ tư Chương 3: Hoàn tất công trình Chúa Cha (Ga 4) Chương 4: Hoàn tất công trình Đấng Sai Đến (Ga 5) Tập 2 Chương 5: Yêu đến cùng (Ga 13) Chương 6: Xin hiệp nhất trọn hảo (Ga 17) Chương 7: Thế là đã hoàn tất (Ga 19,16-42) Phần III: Thần học về cùng đích Chương 8: Hoa trái của cùng đích Chương 9: Thần học về cùng đích

Tác phẩm “Cùng đích đời Đức Giêsu” dày 248 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm, tác phẩm dành cho những độc giả đang muốn tìm hiểu về Tin mừng thứ tư, cách đặc biệt để hiểu sâu về khái niệm ‘thời gian’ trong Tin mừng này. Sách cũng dành cho các học viên thần học muốn nghiên cứu sâu hơn về Tin mừng thứ tư.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

24 tháng một 2023, 00:42