Hỗ trợ người di cư trở về quê hương ở Niger của cha Mauro Armani
Ngọc Yến - Vatican News
Vì không bao giờ có thể rời công trường xây dựng ở Algeria, nơi công việc rất bấp bênh và không bao giờ nhận được tiền lương đầy đủ và đúng hạn, nên anh Cecé quyết định không tiếp tục ở lại đây nữa và chọn trở về quê hương Guinea, nơi anh làm thợ lát gạch. Câu chuyện của Cecé là một trong nhiều câu chuyện về những người di cư “trở về”. Họ là những người sau một kế hoạch di cư thất bại hoặc không thể khởi hành, đã cố gắng đối mặt với con đường ngược chiều để trở về quê hương. Để làm được điều này, họ thường đi qua Niger, một quốc gia mà từ những năm 90 của thế kỷ trước đã là khu vực trung chuyển quan trọng đối với những người di cư từ Tây và Trung Phi đến Libya và Algeria và trong một số trường hợp là đến châu Âu. Ở đó, tại thủ đô Niamey, anh nhận được sự giúp đỡ của cha Mauro Armanino, thuộc Hiệp hội Truyền giáo châu Phi (SMA) hoạt động cho những người khốn cùng. Trong 12 năm, nhà truyền giáo gốc Ý đã thu thập những câu chuyện, những đau khổ và hy vọng của các thế hệ người đi tìm tương lai.
Cha Armanino giải thích ngài được Giám mục kêu gọi phục vụ những người di cư ở vùng đất này. Hành trang nhân bản và thiêng liêng của cha có được ở Ý với những người di cư và tù nhân và với một sứ vụ ở Liberia là nền tảng để bắt đầu hoạt động hỗ trợ “những người di cư trở về”, đem lại cho họ hy vọng về những con đường mới sẽ mở ra cho họ, sau khi niềm hy vọng nơi vùng đất hứa không được toại nguyện.
Nhà truyền giáo giải thích: “Khi những người này đến thủ đô Niamey, họ thường phải trải qua các đợt trục xuất. Những người di cư đi qua, quá cảnh và không để lại dấu vết. Do đó, dịch vụ đầu tiên của chúng tôi là làm cho điều này được thấy. Đối với chúng tôi, hoạt động này trước hết có nghĩa là một nơi để lắng nghe, không để cho sự phong phú trong những câu chuyện của họ bị mất đi, bị cát chôn vùi”.
Tiếp đến, bước thứ hai là đưa ra một quá trình “tái nhân vị”. Theo cha Armanino, ngày nay, “tiến trình di cư là một thảm họa nhân loại, bởi vì người di cư bị coi là tội phạm, một phần vì luật pháp và một phần vì việc vượt ra ngoài biên giới”. Trong nhiều trường hợp, họ bị coi là một “con vật hoặc đồ vật”, sau đó thường bị cướp, đánh đập, giam giữ và cuối cùng là “trả lại nơi xuất phát”. Do đó, điều cần thiết là bắt đầu quá trình “tái nhân vị” này. Trong lúc phục vụ, Hiệp hội Truyền giáo châu Phi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, và sau đó tạo mối liên hệ cho những người có cùng quốc tịch hoặc hoàn cảnh.
Cha Armanino tiếp tục: “Chúng tôi cùng nhau làm mọi điều có thể. Các cuộc gặp gỡ và phỏng vấn cũng được tổ chức để trao tiếng nói cho chính những người di cư, bởi vì người ta nói nhiều về những người chết trên biển, nhưng ít nói về những người chết trong sa mạc”.
Có những người chỉ dừng lại Niger trong vài ngày. Trái lại đối với những người lưu lại trong vài năm, những câu chuyện của họ rất đa dạng. Giống như trường hợp của Maurice và Amos, gốc Liberia đã cùng nhau khởi hành đến Sudan, với hy vọng qua Ai Cập đến châu Âu. Maurice là một nữ sinh vừa tốt nghiệp chuẩn bị làm giáo viên, còn Amos, một kỹ thuật viên máy tính, cả hai đã không thể thực hiện kế hoạch của mình do tình hình chính trị đầy biến động ở Sudan, buộc họ phải lên đường trở về quê hương nhưng không khỏi thất vọng.
Cha Mauro Armanino biết nhiều cuộc đời như thế, cuộc đời của những người thường tin chắc rằng, đến được điểm đến mong muốn hay không, bất kể điều kiện thuận lợi hay nguy hiểm, chỉ phụ thuộc vào một định mệnh mà họ cho rằng đó là ý trời.
Cha Armanino nói: “Người ta muốn hiện tượng di cư cam chịu và phục tùng một hệ thống kinh tế mà không có tên gọi nào khác hơn là sự bóc lột. Tuy nhiên, cho đến nay di cư là hệ thống mạnh nhất và nhanh nhất để chống đói nghèo”. Ngài nói tiếp: “Phương châm của chúng tôi là ‘tự do ở lại, tự do ra đi’, như Hội đồng Giám mục Ý đã nói. Chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng quyền di cư và nhân quyền được tôn trọng”.
Sứ vụ của cha Armanino bên cạnh những người di cư được quyết định bởi “một lựa chọn đạo đức không thể tách rời khỏi bài giảng các mối phúc của Chúa Giêsu (Mt, 5, 1-12) và Tin Mừng chào đón khách lạ (Mt, 25, 35 -44).” Cha khẳng định: “Khuôn mặt cụ thể và thực sự của họ là học cách nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu ngày nay”. Theo nghĩa này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ bằng cách đưa ra một sứ điệp rõ ràng: “Làm sao chúng ta có thể gặp gỡ Chúa của Tin Mừng ngày nay, nếu đó không phải là nơi của những khuôn mặt của những người di cư?”. Nhà truyền giáo nhận xét: “Nhìn thế giới qua đôi mắt của họ là sự phục vụ tuyệt vời nhất mà tôi đã nhận được kể từ khi tôi ở đây, đối với tôi đó là một đặc ân”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.