Tình huynh đệ của các nhà truyền giáo Mông Cổ thúc đẩy mọi người đến với Chúa
Ngọc Yến - Vatican News
Theo nữ tu truyền giáo, đây thực sự là chuyến tông du lịch sử. Thực vậy, từ ngày 31/8 đến ngày 04/9, Đức Thánh Cha sẽ nhìn thấy một quốc gia hơn 30 năm đã bỏ lại đằng sau những khó khăn của chế độ cũ và dấn thân vào con đường dân chủ đầy khó khăn nhưng không hối tiếc. Đức Thánh Cha sẽ chạm tới sự phát triển mạnh mẽ của Giáo hội đã bắt đầu nảy mầm cách đây khoảng 30 năm. Chỉ có hơn 1.500 tín hữu Công giáo trong tổng số gần 3,5 triệu dân, chỉ có 1% trong đa số dân theo Phật giáo hoặc tuyên bố không theo tôn giáo nào.
Lấy từ ý tưởng Kinh Thánh, sơ Maria Esperanza khẳng định đó là muối cho đời. Không khó tin khi sơ nói rằng hạt muối này chỉ là 8 giáo xứ, một nhà nguyện, khoảng 20 linh mục, 30 nữ tu, khoảng 70 nhà truyền giáo và một số giáo dân dấn thân.
Có thể hiểu được hương vị của công cuộc loan báo Tin Mừng được thực hiện với một vài chi tiết như sơ nói: “70% dấn thân của chúng tôi có liên hệ đến xã hội, bao gồm thăng tiến con người, phát triển, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phổ biến văn hóa Mông Cổ. Mục đích là giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn”.
Sơ tóm tắt mọi điều trong một khẩu hiệu được đặt ra vào buổi bình minh hình thành Giáo hội trong đất nước: hãy đến và xem. Đó là một lời mời đơn giản, không áp đặt, nhưng cần sự cởi mở và gần gũi với mọi người, đặc biệt với những người sống bên lề xã hội, những người nghèo. Ở đây, các giá trị Tin Mừng được làm chứng bằng sự gắn kết giữa đời sống Kitô giáo và người Mông Cổ như thế, khiến họ say mê.
Sơ Maria Esperanza nói: “Mọi người rất ấn tượng khi thấy chúng tôi, những người truyền giáo thuộc 24 quốc tịch khác nhau, cố gắng hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau bước đi. Nhiều người hỏi: ai thúc đẩy họ thực sự trở thành anh chị em của nhau? Việc tìm kiếm câu trả lời là bước đầu tiên để nhận biết Chúa Giêsu, Tin Mừng và Giáo hội”.
Sơ cho biết thêm ở Ulaanbaatar có rất nhiều việc làm. Thành phố chính của quốc gia, trụ sở của chính phủ và trung tâm công nghiệp chiến lược, đang trong quá trình phát triển không ngừng và xáo động. Những tòa nhà chọc trời mới và những con đường trải nhựa thu hút hàng ngàn người từ vùng thảo nguyên nghèo nàn, hoang vắng. Họ mơ ước có thể thay đổi cuộc sống nhưng chắc chắn không phải như vậy. Thực tế là rất nhiều cảnh nghèo đói ở thành thị, với nhiều trường hợp nghiêm trọng ảnh hưởng đến cả phụ nữ và trẻ em.
Cùng với các chị em trong dòng, sơ Maria Esperanza cố gắng đến với những người đang đau khổ và giúp các gia đình một cách cụ thể, hỗ trợ những người trẻ trong các hoạt động sau giờ học, phân phát lương thực cho những người nghèo thiếu thức ăn.
Các nhà truyền giáo tìm cách gặp gỡ dân chúng trong mọi hoạt động thường ngày của họ. Chẳng hạn như khi di chuyển bằng phương tiện công cộng cũng là dịp để các nữ tu xây dựng mối quan hệ. Đôi khi chỉ cần ánh mắt cảm thông dành cho họ cũng giúp những người gặp gỡ trên đường được yên tâm, cảm thấy được thấu hiểu. Điều cần thiết là phải mở rộng trái tim và loại bỏ sự ngờ vực và định kiến. Sơ giải thích chính bằng cách này mà các nhà truyền giáo làm quen với thế giới, văn hóa của người dân và đổi lại họ học cách khám phá các giá trị của các nhà truyền giáo.
Sơ Maria Esperanza đưa ra một ví dụ: Có một cộng đoàn Công giáo cách thủ đô 400 km được xây dựng cách đây khoảng 20 năm, đang cung cấp sự hỗ trợ cho người dân không phân biệt tôn giáo. Mục tiêu của việc làm này là xây dựng một tình bạn hỗ tương, trong đó chứng tá Kitô giáo của các tín hữu rất kín đáo.
Một thách đố khác đối với các nhà truyền giáo, theo sơ Maria Esperanza, đó là thách đố về sự hoán cải cá nhân thường xuyên, mở lòng ra với Thiên Chúa và với người khác. Nhưng có một khó khăn khác, mà sơ cho là rất cơ bản, đó là ngôn ngữ Mông Cổ, cần thiết cho hành trình hội nhập văn hóa của các nhà truyền giáo. Đây là điều cần ưu tiên.
Nhắc lại những lời của Đức Hồng Y Giorgio Marengo, sơ Maria Esperanza mô tả thực tế truyền giáo bằng một hình ảnh thi vị nhưng đồng thời rõ ràng về cách họ đã chọn để nói về Chúa Giêsu: “Tin Mừng phải được nói thỏ thẻ vào tai như những người bạn với nhau. Và để làm được điều này, mỗi người chúng ta cần chuẩn bị cho mình một cách tốt nhất có thể”.
Khẩu hiệu trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha là Cùng nhau hy vọng. Đây là một sự khích lệ mà nữ tu truyền giáo cảm thấy hướng đến cả đất nước vì “trong một môi trường phi Kitô giáo như ở Mông Cổ, sự hợp tác của tất cả mọi người là điều nền tảng”. Sơ kết luận: “Chính quyền rất vui mừng chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô. Đó sẽ là dấu hiệu hữu hình về tình yêu của Giáo hội dành cho những người bé mọn, những người yếu đuối nhất”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.