“Mẹ Thiên quốc” của tín hữu Mông Cổ - tượng Đức Mẹ được nhặt từ bãi rác
Hồng Thủy - Vatican News
Tìm thấy bức tượng
Cha Anrê Nguyễn Tín, dòng Don Bosco, chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Phù hộ các Tín hữu ở thành phố Darkhan, chia sẻ với hãng tin CNA rằng người phụ nữ tìm thấy bức tượng không thể nhớ chính xác năm bà phát hiện ra pho tượng. Tuy nhiên, bà khẳng định việc này xảy ra ngay cả trước khi những nhà truyền giáo đến Darkhan cách đây 18 năm.
Người dân Darkhan đã từng thu thập vật liệu có thể tái chế như nhựa và kim loại để kiếm sống. Một ngày nọ, một phụ nữ tên là Tsetsege, người đã nhiều năm nhặt rác ở các bãi rác, khi đang sàng lọc đống rác, tình cờ thấy một bức tượng được giấu cẩn thận trong áo quần. Những người xung quanh bà Tsetsege không muốn giữ bức tượng. Bị thu hút bởi vẻ đẹp của bức tượng, bà Tsetsege quyết định mang tượng về nhà. Khi một số Nữ tu Thừa sai Bác ái đến thăm gia đình, bà Tsetsege mới thuật lại câu chuyện và quyết định dâng bức tượng cho Giáo xứ Đức Mẹ Phù hộ các Tín hữu.
Ban đầu, tượng được giữ ở văn phòng giáo xứ. Sau đó Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ doãn tông tòa của Ulaanbaatar, đã nghe về câu chuyện của bức tượng và vào ngày 8/12/2022, Đức Hồng Y đã tôn kính bức tượng trong Nhà thờ Chính tòa kính hai Thánh Phêrô và Phaolô ở Ulaanbaatar và thánh hiến Mông Cổ cho Đức Trinh Nữ Maria.
Vài tháng sau, Đức Hồng y Marengo đã đến thăm bà Tsetsege ở Darkhan. Khi đó bà rất yếu, như sắp chết, và bày tỏ: “Nếu bây giờ tôi còn sống thì đó là nhờ có Bà đó.” Bà xin được rửa tội vì cảm thấy có mối liên kết sâu sắc với “Bà đó”, người mà bà đã từng tìm thấy ở một bãi rác.
Đức Mẹ xuất hiện ở nơi khiêm nhường, nghèo hèn
Theo cha Tín, khám phá này có thể là dấu chỉ cho thấy rằng Đức Mẹ đã hiện diện ở Mông Cổ để chuẩn bị cho các nhà truyền giáo. Cha nói: “Mẹ xuất hiện ở những nơi khiêm nhường nhất và nghèo khó nhất, điều này có thể biểu thị mong muốn của Mẹ muốn chúng ta chăm sóc cho những người nghèo nhất giữa chúng ta.”
Đức Hồng y Giorgio Marengo giải thích rằng vào tháng 1, ngài đã trình với Đức Thánh Cha nhiều danh hiệu khác nhau mà các tín hữu Mông Cổ đã chọn cho tượng Đức Mẹ. Đức Thánh Cha đã chọn tước hiệu “Mẹ Thiên quốc”, một danh hiệu phù hợp nhất, thừa nhận tầm quan trọng của thiên đàng trong văn hóa Mông Cổ.
Vào thời điểm tượng Đức Mẹ được tìm thấy, cộng đoàn Công giáo Mông Cổ chỉ có một ít người; vào năm 1995 chỉ có 14 người. Tuy nhiên, hiện tại cộng đoàn đã tăng lên khoảng 1.500 người, tại 8 giáo xứ.
Như một minh chứng cho lòng sùng kính ngày càng tăng đối với Đức Trinh Nữ Maria và đức tin ngày càng sâu sắc của cộng đoàn, Đức Hồng y Marengo đã tuyên bố năm 2023 là Năm Thánh Mẫu. (CNA 31/08/2023)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.