Sơ Pia, “nữ tu kỳ diệu” của Rwanda
Vatican News
Các nữ tu Dòng Nữ tỳ Phanxicô Thánh Giá phục vụ người mù và khiếm thị ở Rwanda từ năm 2006. Trung tâm được đặt ở Kibeho, một nơi được biết đến với những lần hiện ra của Đức Mẹ và năm 2008 đã được Giáo hội công nhận. Tại đây, các nữ tu quản lý một trường học và một trung tâm giáo dục. Trường dạy các trẻ em và thiếu niên khiếm thị của các sơ là cơ sở đầu tiên được xây dựng ở Rwanda dành cho những em có hoàn cảnh đặc biệt như vậy.
Trung tâm giáo dục đặc biệt chào đón 195 người, tuổi từ 6 đến 24 đến từ khắp Rwanda. Ở quốc gia này, bị mù có nghĩa là bị nguyền rủa, vì thế các trẻ em bị gạt ra bên lề xã hội và không nhìn thấy tương lai. Một số trong các em còn bị bạch tạng nên cảm thấy bị loại trừ nhiều hơn. Trung tâm của các nữ tu cố gắng bù đắp sự thiếu thốn này của các em, thực sự là một ốc đảo ấm cúng cho những người trẻ này. Sơ Pia đến từ Laski của Ba Lan từ tháng 9 năm ngoái đang phục vụ tại đây bày tỏ sự cảm thông đối với các em bị mù. Theo sơ, ở đây, các em có hoàn cảnh như vậy dường như bị tước mất cơ hội học hành.
Nói về ơn gọi truyền giáo phục vụ ở nước ngoài, sơ Pia cho biết trước khi gia nhập Dòng Nữ tỳ Phanxicô Thánh Giá, sơ đã cầu nguyện và xin Chúa chỉ con đường cần theo ý Chúa. Sơ đã nhận được dấu chỉ vào vào năm 24 tuổi. Lúc đó trên con đường quê, sơ đã gặp một bé gái bị mù. Ngay lập tức sơ Pia tin chắc rằng ơn gọi của sơ là phục vụ những người khiếm thị. Sơ nói: “Tôi có cảm giác sẽ trải nghiệm một Giáo hội trẻ trung, vui tươi và sống động, nơi đức tin cũng được biểu lộ qua những điệu múa và bài ca”.
Sơ Pia cho biết, các bạn trẻ được trung tâm hỗ trợ rất ít khi than phiền và họ nỗ lực không ngừng. Nhưng các em thường bị bỏ mặc hoàn toàn, thiếu sự hỗ trợ từ gia đình. Sơ giải thích: “Chúng tôi tiếp nhận những thanh thiếu niên chưa bao giờ được đi học. Cha mẹ các em nói vì bị mù nên không cần phải học. Tôi thực sự không thể chấp nhận được thái độ này”.
Nữ tu than phiền: “Ở Rwanda, nhiều trẻ em đang bị mất thị lực mặc dù thảm kịch như vậy có thể tránh được. Lỗi là do thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc. Sơ lưu ý, chẩn đoán, can thiệp phòng ngừa và hỗ trợ y tế còn rất yếu, và lấy làm tiếc về những khó khăn tài chính nghiêm trọng khiến các gia đình không thể đến gặp bác sĩ.
Sơ mạnh mẽ nói: “Chúng tôi cảm thấy cần phải hiện diện ở đây. Sứ vụ của chúng tôi là giúp đỡ những người nghèo nhất, trẻ em biết ơn và cảm thấy hài lòng với chúng tôi”.
Sơ Pia cho biết được truyền cảm hứng từ sự gần gũi của trung tâm với đền thánh Đức Mẹ Kibeho: “Lần đầu tiên sau khi đến Rwanda, trong lúc cầu nguyện tại nhà nguyện dâng kính các lần Đức Mẹ hiện ra, tôi đã được bao phủ bởi cảm xúc đặc biệt. Đó không chỉ là một trải nghiệm đầy tình cảm, nhưng tôi còn cảm nhận được sự gần gũi của Mẹ Maria, việc Mẹ ở đây và chăm sóc các con Mẹ. Trong lòng tôi cảm thấy vô cùng biết ơn. Tôi đến từ một thị trấn gần Gietrzwałd, nơi Đức Mẹ cũng hiện ra. Tôi đi từ đền thánh này đến đề thánh khác, chính Đức Maria đã đưa tôi đến đây để phục vụ người mù. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, chúng tôi cầu xin cho các trẻ em của chúng tôi cảm nghiệm được tình mẫu tử của Mẹ”.
Tinh thần phục vụ của sơ Pia đúng theo lời dạy của Đức Thánh Cha được ngài thể hiện trong những buổi tiếp kiến riêng dành cho các nhóm, phong trào, tổ chức. Như gần đây vào ngày 11/4/2024, trong buổi gặp gỡ các thành viên Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học, Đức Thánh Cha đã nhắc lại quan điểm của Giáo hội về người khuyết tật. Theo đó, người khuyết tật có đầy đủ mọi quyền và nghĩa vụ; Mỗi người đều có quyền sống xứng nhân phẩm, ngay cả khi họ có những hạn chế; Phẩm giá của mỗi người không dựa trên hoàn cảnh nhưng dựa trên giá trị sự hiện hữu.
Tính dễ bị tổn thương và yếu đuối là một phần tình trạng con người, và không chỉ liên quan đến người khuyết tật. Sự quan tâm của Giáo hội dành cho người khuyết tật hiện thực hoá nhiều cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người dễ bị tổn thương này.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.