Sagrada Familia Sagrada Familia  (AFP or licensors)

Ơn hoán cải của điêu khắc gia người Nhật Etsuro Sotoo

Một trong những người được nhận Giải thưởng Ratzinger 2024 là điêu khắc gia Nhật Bản Etsuro Sotto. Ông trở thành nghệ sĩ châu Á đầu tiên nhận được vinh dự này. Năm 1978, khi đến thăm công trường xây dựng nhà thờ Sagrada Familia ở Tây Ban Nha, ông đã được đánh động mạnh mẽ và đã quyết định rửa tội theo Công giáo.

Vatican News

Sinh năm 1953 ở Fukuoka, Nhật Bản, sau khi theo học nghệ thuật tại Đại học Tokyo, năm 1978, ông Etsuro Sotoo đến Barcelona. Tại thành phố này ông tình cờ biết được kiệt tác còn dang dở của thiên tài Antoni Gaudi, Nhà thờ Sagrada Familia.

Nhà thờ Sagrada Familia do kiến trúc sư Antoni Gaudi thực hiện bắt đầu vào năm 1883. Ông đã dành trọn 40 cuộc đời cho kiệt tác này và đột ngột qua đời vào năm 1926 khi công trình vẫn chưa hoàn thành. Từ đó tới nay đã 141 năm, kiệt tác vẫn đang được tiếp tục thực hiện và chưa ấn định ngày hoàn thành. Dù còn dang dở nhưng năm 1984, nhà thờ Sagrada Familia vẫn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Năm 2007, nhà thờ nằm trong danh sách 12 bảo vật của Tây Ban Nha. Dự kiến sau khi hoàn thành, Sagrada Familia sẽ trở thành nhà thờ cao nhất thế giới. Nhà thờ hiện đón khoảng 3 triệu du khách mỗi năm.

Vào năm 1978, việc xây dựng vương cung thánh đường phần lớn bị bỏ hoang. Chỉ có một mặt tiền và một phần nội thất được hoàn thiện. Ấn tượng với công trình của Gaudi, ông Sotoo quyết định chuyển đến Tây Ban Nha để làm việc trên công trình kiến trúc mang tính biểu tượng này. Và trước sự ngạc nhiên lớn, mặc dù không nói được tiếng Catalan và không phải Kitô hữu, nhưng ông vẫn được thuê làm “thợ đá đơn giản”. 

Theo chỉ dẫn của kiến trúc sư Gaudí để lại, ông đã tạo ra hàng trăm tác phẩm điêu khắc, bao gồm bộ mười lăm thiên thần, hoàn tất vào năm 2000 và sáu cánh cửa của cùng một mặt tiền vào năm 2015. Các tác phẩm của ông bao gồm những tháp nhọn của trái cây vương miện nhà thờ. Ông cũng đã hoàn thành mặt tiền cảnh Giáng Sinh do Gaudí khởi công và được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2005. Các tác phẩm của Etsurō Sotoo cũng có thể được tìm thấy ở Nhật Bản và Ý, như giảng đài của Nhà thờ Florence.

Trong quá trình làm việc, ông đắm mình trong các tác phẩm của Antoni Gaudi và cũng quan tâm đến đời sống tâm linh của kiến trúc sư này, mong muốn hiểu được từ bên trong vị kiến trúc sư Công giáo, đang trong quá trình phong thánh được mở vào năm 1994. Nhờ đó, ông đã gặp Chúa Kitô và chuyển sang đạo Công giáo. Ông được rửa tội vào ngày 03/11/1991 với tên Lluc Michelangelo. Vợ ông, bà Hisako Hiseki, một nghệ sĩ dương cầm hòa tấu, và con gái của họ, cũng lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Trở thành một trong những nhà điêu khắc-kiến trúc sư của Nhà thờ Sagrada Familia, hiện ông Etsuro Sotoo được nhiều người biết đến ở Nhật Bản. Tại quê hương, ông thiết kế Bảo tàng Nghệ thuật Matsuzaki và Viện Ngũ hành ở Fukuoka. Trên khắp thế giới, ông cũng được mời đến nhiều hội nghị về Sagrada Familia và về Antoni Gaudí, người mà ông hỗ trợ tiến trình phong chân phước.

Vào ngày 22/11/2024, ông sẽ được nhận Giải thưởng Ratzinger bởi Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến.

Giải thưởng Ratzinger do “Quỹ Joseph Ratzinger - Biển Đức XVI” thành lập vào năm 2010 với mục đích khuyến khích và tưởng thưởng các nghiên cứu về tư tưởng thần học của nhà thần học Ratzinger - Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

Những người được trao giải thưởng sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô lựa chọn dựa trên các khuyến nghị của một ủy ban gồm năm vị Hồng Y là thành viên của Giáo triều Rôma.

Với giải thưởng năm 2024, tổng số người đoạt giải Ratzinger tăng lên 30. Đây chủ yếu là những nhân vật lỗi lạc trong các nghiên cứu về thần học tín lý hoặc nền tảng, Kinh thánh, giáo phụ, triết học, giáo luật, xã hội học hoặc trong hoạt động nghệ thuật như âm nhạc, kiến trúc và bây giờ là điêu khắc.
Những người được trao giải đến từ 18 quốc gia khác nhau trên năm châu lục, không chỉ là người Công Giáo mà còn theo các truyền thống tôn giáo khác, như Anh giáo, Luther và Do Thái giáo.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

02 tháng mười 2024, 14:55