Đức Thánh Cha: Lời cầu nguyện nhỏ làm “động lòng” Thiên Chúa
Trần Đỉnh, SJ – Vatican News
Đoạn Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta cách người phong cùi đến với Chúa Giêsu: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Đó là một lời cầu nguyện rất đơn sơ, "một hành động của đức tin", và cũng là "một thử thách thực sự". Đó là một lời cầu nguyện xuất phát từ đáy lòng anh, mà cũng cho thấy cách thức hành động của Chúa Giêsu và lòng trắc ẩn Người dành cho chúng ta. Người là Đấng giàu lòng trắc ẩn, "đau khổ với chúng ta và vì chúng ta", "mang lấy đau khổ của người khác nơi chính mình" để chữa lành và xoa dịu đau khổ ấy nhân danh tình yêu của Chúa Cha.
Một thử thách thực sự
Suy ngẫm về "câu chuyện đơn sơ" của việc chữa lành người phong cùi, Đức Thánh Cha nói rằng cụm từ "Nếu ngài muốn" vừa là một lời cầu nguyện thu hút sự chú ý của Thiên Chúa, và vừa là một giải pháp. Nó cũng là một “thách thức” thực sự mà cũng là một hành động của đức tin. Anh biết rằng Người có thể và vì thế, anh giao phó chính mình cho Người."
Và Đức Thánh Cha hỏi: “Nhưng tại sao anh ta lại có thể thực hiện lời cầu nguyện như thế? - Bởi vì anh đã thấy cách thức Chúa Giêsu hành động. Anh đã thấy lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu.” “Trắc ẩn”, chứ không phải “thương hại”, chính là một "điệp khúc trong Tin Mừng", nơi đó có khuôn mặt của bà góa thành Nain, người Samari tốt bụng, và người cha của đứa con hoang đàng.
Lòng trắc ẩn xuất phát từ con tim và sẽ hướng dẫn bạn làm điều gì đó. Trắc ẩn là đau khổ với đau khổ của người khác, và mang lấy đau khổ ấy vào nơi chính mình để giải quyết nó, để chữa lành nó. Và đây chính là sứ mạng của Chúa Giêsu. Người không đến để rao giảng luật này, lệ kia, và rồi bỏ đi. Ngài đến với lòng trắc ẩn, nghĩa là chịu đau khổ với chúng ta và cho chúng ta, để đem lại sự sống đích thực. Tình yêu và lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu cao cả đến nỗi dẫn Người đến thập giá để hiến mạng sống chính mình.
Chúa Giêsu không rửa tay mà vẫn ở bên cạnh chúng ta
Và Đức Thánh Cha mời gọi mọi người thường xuyên lặp lại cụm từ rất ngắn này: Người đầy lòng trắc ẩn. Và Đức Thánh Cha giải thích rằng Chúa Giêsu có khả năng để chính mình liên đới với những đau khổ, những vấn đề của người khác bởi Người đến vì điều này, chứ không phải là phủi tay, giảng ba hay bốn bài, rồi bỏ đi. Ngài luôn ở gần bên chúng ta.
“Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể chữa lành con, nếu Chúa muốn, Chúa có thể tha thứ cho con, nếu Chúa muốn, Chúa có thể giúp con.” Hoặc nếu các bạn muốn, [các bạn có thể làm] một lời cầu nguyện dài hơn một chút: “Lạy Chúa, con là kẻ có tội, xin thương xót con, xin thương xót con.” Một lời cầu nguyện đơn sơ có thể lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày: “Lạy Chúa, kẻ tội lỗi con đây kêu cầu Chúa, xin dủ lòng thương con”. Lặp lại những lời ấy nhiều lần trong ngày, từ thẳm sâu con tim mình, không cần phải nói thành tiếng: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể; nếu Chúa muốn, Chúa có thể, xin dủ lòng thương xót con.” Hãy lặp lại những lời ấy.
Một lời cầu nguyện “kỳ diệu”
Người phong cùi, với lời cầu nguyện đơn sơ và “kỳ diệu” của mình, đã nhận được ơn chữa lành nhờ lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu, Đấng cũng yêu thương chúng ta mặc cho tội lỗi của chúng ta.
Ngài không xấu hổ vì chúng ta. "Ôi, thưa cha, con tội lỗi lắm, làm sao con nói những lời ấy được…” Tốt hơn rồi đó! Bởi vì Chúa đã đến vì chúng ta là những tội nhân, và tội con càng lớn bao nhiêu, thì Chúa càng gần gũi với con bấy nhiêu, bởi vì Người đến vì con, kẻ tội lỗi nhất, Người đến vì cha, kẻ tội lỗi nhất, và Người đến vì tất cả chúng ta. Hãy tập thói quen lặp đi lặp lại lời cầu nguyện này: Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm điều ấy. Nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm điều ấy…” Lặp lại những lời này với niềm tin rằng Chúa ở gần chúng ta và lòng trắc ẩn của Người sẽ giải quyết những vấn đề của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, những thứ bệnh tật bên trong của chúng ta, và tất cả mọi sự.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.