ĐTC gặp các tu sĩ dòng Tên Âu Châu đang thụ huấn
G. Trần Đức Anh OP - Vatican
Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi gặp gỡ 29 tu sĩ dòng Tên Âu Châu đang trong giai đoạn thụ huấn, sáng thứ tư, 1-8-2018, trước buổi tiếp kiến chung 7 ngàn tín hữu hành hương. Trong bài huấn dụ ứng khẩu, ĐTC nói:
Hiệp nhất tâm trí trong sự khác biệt và vâng phục
”Một LM đã làm cho tôi bật cười khi vị ấy nói về việc thống nhất mục vụ của các tu sĩ dòng Tên. Trước đó tôi đã hiểu rằng vấn đề là hiệp nhất tâm trí các tu sĩ của dòng, chứ không phải là thống nhất các phương thức, vì thống nhất kiểu này thì dòng Tên sẽ chấm dứt. Người ta nói vai trò đầu tiên của Cha Bề trên Cả dòng Tên là ”chăn dắt các tu sĩ của dòng”, và người khác thì nói: ”Đúng vậy, nhưng việc ấy cũng như chăn dắt một đoàn cóc”: con này thì ở đây, con kia thì ở chỗ khác... Nhưng đó là điều thật đẹp, vì cần có một sự tự do rộng rãi, không có tự do thì không thể là tu sĩ dòng Tên. Và cần có một sự vâng phục lớn đối với vị mục tử; vị này phải có một tài phân định sâu rộng để cho mỗi ”con cóc” chọn lựa điều mà họ cảm thấy Chúa chọn cho họ. Đây chính là đặc điểm của dòng Tên: một sự hiệp nhất trong sự khác biệt lớn”.
Diễn văn của Chân Phước Phaolô 6 và Cha Arrupe
ĐTC cũng nhắc lại rằng: ”Chân phước Phaolô 6 đã nói trong Tổng Hội thứ 22 của dòng Tên: nơi nào có những ngã tư tư tưởng, các vấn đề, các thách đố, thì tại đó có một tu sĩ dòng Tên. Anh em hãy đọc bài diễn văn đó: theo ý tôi đó là diễn văn đẹp nhất mà một vị Giáo Hoàng đã nói với Dòng. Đó là một lúc khó khăn đối với dòng và Chân phước Phaolô 6 đã bắt đầu bài diễn văn thế này:
”Tại sao anh em nghi ngờ? Phải chăng đây là lúc ngờ vực? Không phải vậy! Hãy can đảm lên!”. Và tôi muốn liên kết diễn văn ấy với một diễn văn khác, không phải của một vị Giáo Hoàng, nhưng là một vị tổng quyền là cha Pedro Arrupe: đó là diễn văn cuối cùng của Ngài, tại trại tị nạn ở Thái Lan, tôi không rõ là ở Bangkok hay ở mạn nam Bangkok. Cha Arrupe đã nói bài diễn văn đó cạnh máy bay và sau đó khi đáp xuống phi trường Fiumicino thì cha bị tai biến mạch máu não. Đó là bài giảng cuối cùng, là chúc thư của cha.
Điểm chung của hai diễn văn
”Trong hai bài diễn văn ấy, có một cái khung chung mà ngày nay dòng phải làm, đó là: can đảm, ai tới những khu ngoại ô, những ngã tư của các tư tưởng, các vấn đề, và sứ vụ.. Tại đó có chúc thư của cha Arrupe, kinh nguyện. Cần có can đảm để làm tu sĩ dòng Tên.. Can đảm là một ơn của Chúa, là một ”parresia” ơn nói thẳng nói thật theo thánh Phaolô.. Chúng ta cần quì gối cầu nguyện. Tôi nghĩ rằng với hai diễn văn ấy, anh em sẽ được gợi hứng để đi đến nơi mà Chúa Thánh Linh soi sáng cho anh em trong tâm hồn”.
ĐTC cũng nhắn nhủ các tu sĩ dòng Tên đang thụ huấn hãy đọc hồi ký của thánh Phêrô Favre, đó là một tác phẩm quan trọng về sự thông truyền, thông truyền nội tâm với Chúa và thông truyền bên ngoài với dân chúng”.
Cách thức chống nạn thất nghiệp
Sau huấn dụ trên đây, ĐTC đã trả lời một câu hỏi do một tu sĩ dòng nêu lên về cách thức đối phó với nạn thất nghiệp, đặc biệt nơi người trẻ. Ngài nhắc đến sự cần thiết phải có tinh thần sáng kiến can đảm để tìm ra cách thức đối phó với tình trạng này. Ngài nói: Điều quan trọng là hiểu vấn đề của người trẻ, làm cho họ cảm thấy mình hiểu họ, đả thông với họ và cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề này. Vấn đề có giải pháp, nhưng cần phải tìm ra cách thức, cần có lời ngôn sứ, cần óc sáng tạo và làm bao nhiêu điều. Xắn tay áo lên để làm...
Sau cùng, ĐTC nói: Điều gì xảy ra khi một tu sĩ dòng Tên không có việc làm? Đây là một vấn đề lớn. Hãy nói ngay với cha linh hướng, với bề trên và thực hiện một sự phân định sâu sắc xem tại sao...
Trước khi giã từ, ĐTC còn nhắc nhở rằng: ”Xin anh em đừng quên 2 bài diễn văn: bài của Chân phước Phaolô 6 năm 1974 với Tổng hội 22 của dòng Tên, và bài diễn văn của cha Arrupe tại Thái Lan, diễn văn cuối cùng và chúc thư của cha (Rei 2-8-2018)
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.