Phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay về từ Rumani
Văn Yên, SJ
Bắt đầu cuộc đối thoại với các phóng viên, Đức Thánh Cha nhắc đến hôm nay (2/6 – Lễ Chúa Thăng Thiên) là Ngày Truyền thông Xã hội: “Hôm nay là ngày nhớ đến anh chị em, chúng tôi nghĩ đến anh chị em, những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Anh chị em là chứng tá ngang qua truyền thông. Ngày nay, cách chung truyền thông đi thụt lùi. Tiến tới về “liên hệ”, tạo những “liên hệ” nhưng lại không truyền thông. Vì ơn gọi của mình, anh chị em tạo nên những liên hệ và cũng phải làm việc truyền thông. Ít liên hệ hơn và truyền thông nhiều hơn…”
Câu hỏi trước tiên là của Diana Coada Dumitrascu, từ Tvr:
Hàng triệu đồng bào của chúng tôi đã di cư trong những năm gần đây. Đức Thánh Cha có thông điệp gì cho một gia đình phải bỏ con cái lại để đi làm ở nước ngoài?
Đ. – “Điều này làm tôi nghĩ về gia đình li tán, người ta luôn mong trở về. Họ đi, gạt sang một bên nỗi nhớ con là một hành động của tình yêu. Hôm qua chúng ta đã nghe câu chuyện của người phụ nữ làm việc ở nước ngoài để giúp đỡ gia đình. Tình cảnh này luôn là một nỗi đau, họ đi vì nhu cầu như thế. Nhiều lần, đây là kết quả của một chính sách thế giới ảnh hưởng trên điều này. Tôi biết lịch sử đất nước của chị sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và sau đó nhiều công ty nước ngoài đã đóng cửa và mở lại ở nước khác để có doanh thu tốt hơn. Đóng cửa doanh nghiệp và để lại mọi người trên đường. Đây cũng là một sự bất công toàn cầu nói chung: thiếu tình liên đới. Thật sự đau khổ. Trong tình hình thế giới hiện nay, không dễ tìm được cơ hội việc làm. Và anh chị em có mức sinh ấn tượng. Anh chị em không phải thấy mùa đông dân số tại đây! Và thật bất công khi không có việc làm cho rất nhiều người trẻ. Vì lý do đó, tôi hy vọng rằng tình trạng này sẽ được giải quyết. Điều này không chỉ phụ thuộc vào Rumani mà phụ thuộc vào trật tự tài chính thế giới. Nhiều người vẫn đơn độc tại đó. Chúng ta cần sự liên đới toàn cầu và tại thời điểm này, Rumani đang nắm ghế chủ tịch của Liên minh châu Âu”.
Câu hỏi tiếp theo của Cristian Micaci thuộc Radio Maria Rumani:
Người ta nói nhiều về việc đi cùng nhau, bây giờ tôi muốn hỏi về đề nghị của Đức Thánh Cha: đâu là tương quan phải có giữa các giáo hội, giữa Công giáo và Chính thống? Và đâu là tương quan giữa các nhóm dân tộc khác nhau và trong thế giới chính trị?
Đ. – “Tôi nghĩ rằng đó là mối quan hệ của việc đưa tay ra khi có những xung đột. Ngày nay ở nước này có mức sinh cao, cần phải có một tiến trình tạo sự gần gũi giữa các nhóm dân tộc khác nhau, các niềm tin tôn giáo khác nhau, cần dấn thân, đưa tay ra, và lắng nghe người khác. Với Chính thống giáo: anh chị em có một thượng phụ vĩ đại, một người có trái tim vĩ đại, một học giả vĩ đại, ngài biết những bí nhiệm của những tổ phụ sa mạc, những huyền bí linh đạo, ngài đã học tại Đức và cũng là một con người cầu nguyện. Daniele thật dễ gần gũi, chúng tôi đã nói chuyện như những người anh em. Chúng ta hãy đi cùng nhau! Cần có suy nghĩ này: đại kết không phải chờ đến cuối hiệp chơi, cuối các cuộc thảo luận. Nhưng là thực hiện khi bước đi, đi cùng nhau, cầu nguyện cùng nhau. Trong lịch sử, chúng ta có đại kết máu: khi giết các Kitô hữu, người ta không hỏi: anh là Công giáo? Anh là Chính thống? Anh là Tin lành? Người ta chỉ hỏi: anh có phải là Kitô hữu không? Rồi có đại kết về chứng tá, về máu và sau đó là đại kết về người nghèo, cùng làm việc để giúp đỡ người nghèo, người bệnh, như chúng ta đọc thấy trong chương 25 của Tin Mừng Matthêu. Đi cùng nhau, nhưng đừng đợi các nhà thần học đi đến đồng thuận về Thánh Lễ chung. Đại kết được thực hiện cùng với các công việc bác ái và yêu thương nhau. Tại một thành phố ở châu Âu, có một tương quan tốt giữa tổng giáo mục Công giáo và giám mục Tin lành Luther. Tổng giám mục Công giáo đã phải đến Vatican vào tối Chủ nhật. Nhưng ngài ấy đã gọi tôi và nói: Tôi sẽ đến vào thứ Hai, vì giám mục Luther nói với tôi rằng ông ấy phải đi và xin tôi ‘Hãy đến nhà thờ của tôi để thờ phượng.’ Và ngài ấy đã làm như thế. Khi tôi ở Buenos Aires, tôi được Giáo hội Scotland mời đến giảng về các phận vụ của họ. Chúng ta có thể đi cùng nhau: hợp nhất, tình anh em, đưa tay ra, không nói xấu người khác. Tất cả chúng ta đều có lỗi.”
Câu hỏi tiếp theo của Xavier Le Normand, từ I-Media:
Hôm ngày đầu tiên ngài đến nhà thờ Chính thống, một khoảnh khắc đẹp, nhưng lúc cầu nguyện Kinh Lạy Cha thì hơi khó khăn vì các ngài đứng cùng nhau nhưng không cầu nguyện cùng nhau. Ngài đã nghĩ gì khi im lặng trong lúc đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Rumani?
Đ. – “Tôi tin tưởng, tôi đã không thinh lặng, tôi cầu nguyện Kinh Lạy Cha bằng tiếng Ý và thấy hầu hết mọi người cầu nguyện bằng tiếng Rumani và tiếng Latin. Dân chúng vượt xa chúng tôi, những người lãnh đạo. Các lãnh đạo chúng tôi phải cân bằng về ngoại giao để đảm bảo đi cùng nhau, có những thông lệ, mà điều đó tốt để giữ cho mọi thứ không bị vỡ, nhưng dân chúng cầu nguyện chung và cả chúng tôi cũng cầu nguyện chung trong những cuộc gặp riêng. Đây là một kinh nghiệm tôi đã làm với nhiều mục sư và Chính thống giáo. Vâng, chúng ta có những người khép kín khi nói rằng Chính thống giáo là li giáo: Nó cũ rồi. Có những nhóm Công giáo với đôi chút cực đoan, chúng ta cầu nguyện cho họ. Nhưng tôi đã cầu nguyện cho cả hai. Tôi đã không nhìn Daniele, nhưng tôi tin là ngài ấy cũng làm như thế.”
Câu hỏi tiếp của Manuela Tulli, từ Ansa:
Trong các cuộc bầu cử này, các nhà lãnh đạo như Salvini đã làm cuộc vận động cho thấy các biểu tượng tôn giáo, chuỗi hạt, thánh giá, tượng thánh hiến cho Trái tim Vô nhiễm. Ngài nghĩ gì? Có thật là ngài không muốn gặp ông ấy?
Đ. – “Tôi chưa tiếp ai từ chính phủ, ngoại trừ Thủ tướng Conte đã yêu cầu theo nghi thức. Đó là một buổi tiếp kiến trong một giờ. Ông ấy là một người thông minh, tri thức, ông ấy biết những gì ông nói. Tôi chưa nhận được yêu cầu tiếp kiến từ phó thủ tướng và các bộ trưởng khác. Trên các hình ảnh của chiến dịch bầu cử: Tôi đã nhiều lần nói rằng tôi đã đọc hai tờ báo: báo Quan Sát Viên Roma (L’Osservatore Romano), tôi đã đọc nó và thật tuyệt nếu các bạn cũng đọc nó, bởi vì có rất nhiều chìa khóa giải thích rất thú vị và cả những điều tôi nói cũng có trong đó. Và tờ thứ hai là báo Người Đưa Tin (Il Messaggero) mà tôi thích, bởi vì nó có những chủ đề lớn: tôi đọc lướt qua và đôi khi dừng lại. Và tôi không đi sâu vào những tin tức tuyên truyền này, như đảng này đảng khác vẫn làm về bầu cử. Nhưng có một yếu tố thứ ba, mà tôi thú nhận là tôi chẳng biết gì: tôi không hiểu chính trị của Ý. Đó là sự thật, tôi phải tìm hiểu về nó, tôi không hiểu nó. Cho ý kiến về thái độ đối với một chiến dịch bầu cử của đảng này đảng khác mà không có thông tin, thì về phía tôi thật rất thiếu khôn ngoan. Tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người, để nước Ý có thể tiến bước, để người Ý có thể hiệp nhất và trung thành.
Câu hỏi của Eva Maria Huescar Fernandez, từ Đài phát thanh Cope:
Với những người trẻ, ngài nhấn mạnh đến tương quan của họ với ông bà để những người trẻ có thể được bén rễ và ông bà có thể mơ ước. Ngài không có một gia đình thân cận, nhưng ngài nói rằng đối với ngài Đức Benedictô XVI như một người ông. Ngài có tiếp tục nhìn thấy Đức Benedictô như vậy không?
Đ. – “Mỗi lần tôi đến thăm ngài tôi đều cảm thấy như vậy. Tôi cầm tay ngài và nói chuyện. Ngài nói ít, nói chậm nhưng với chiều sâu như vẫn thế. Bởi vì vấn đề của Đức Benedictô là cái gối chứ không phải cái đầu: Ngài có một sự sáng suốt tuyệt vời và khi tôi nghe ngài nói, tôi được mạnh mẽ, tôi cảm nhận như được nhựa sống từ cội rễ và ngài giúp tôi tiến bước. Tôi thấy truyền thống này của Giáo hội không phải là điều gì đó từ bảo tàng. Truyền thống giống như những rễ, mang lại nhựa sống để phát triển và bạn sẽ không trở thành như rễ cây sao: bạn sẽ lớn lên, cây sẽ phát triển, cho trái và hạt sẽ là rễ cho cây khác. Truyền thống của Giáo hội luôn luôn chuyển động. Trong một cuộc phỏng vấn Andrea Monda thực hiện trên báo Osservatore vài ngày trước, có một trích dẫn tôi rất thích, từ nhạc sĩ Gustav Mahler. Về truyền thống, ông ấy nói: “Truyền thống là sự bảo đảm cho tương lai, chứ không phải là hộp giữ tro cốt”: nó không phải là một bảo tàng. Truyền thống không bảo tồn tro cốt, sự hoài cổ của những người thủ cựu, hay trở về với đống tro tàn: không. Truyền thống là rễ đảm bảo cho cây phát triển, sinh hoa và kết trái. Và tôi lặp lại một đoạn thơ Argentina mà tôi rất thích trích dẫn: “Tất cả những gì cây có để cho hoa, đều đến từ những gì chôn vùi dưới đất”. Tôi rất vui, vì tại Iasi tôi đã nhắc đến người bà ấy – đây là cử chỉ của đồng phạm và của những đôi mắt. Ngay lúc đó tôi rất xúc động đến nỗi không phản ứng gì được. Rồi sau đó, chiếc popemobile tiếp tục chạy, tôi có thể nói với bà ấy đến để thực hiện cử chỉ này... và tôi đã nói với Chúa Giêsu: “Đây là một hình phạt, nhưng Ngài có khả năng giải quyết”. Nhiếp ảnh gia Francesco của chúng ta rất giỏi, khi anh ấy thấy tôi giao tiếp với người phụ nữ đó bằng đôi mắt, anh đã chụp bức ảnh đó và bây giờ đã công khai: Tôi đã thấy nó chiều nay ở trang Vatican Insider. Những điều này là cội rễ, và nó sẽ phát triển. Cuộc gặp gỡ này rất quan trọng. Rồi có những động từ, phải không? Khi ông bà thấy họ có những đứa cháu có thể tiếp tục câu chuyện, họ bắt đầu mơ, còn nếu ông bà không mơ thì họ sẽ chán nản... Có một tương lai! Và những người trẻ được khuyến khích từ cội rễ sẽ bắt đầu nói tiên tri và làm nên lịch sử. Đó là điều quan trọng.
Câu hỏi của Lucas Franz Helmut Wiegelmann từ Herder Korronymousenz:
Trong những ngày này, ngài đã nói về tình huynh đệ của mọi người và đi cùng nhau, nhưng chúng ta thấy rằng ở châu Âu, số người không muốn có tình huynh đệ và chỉ thích đi một mình đang tăng lên. Phải làm gì để thay đổi?
Đ. – “Xin lỗi nếu tôi nói về mình. Tôi đã nói về vấn đề này ở Strasbourg và khi tôi nhận được giải thưởng Charlemagne, rồi bài phát biểu với các nguyên thủ quốc gia và chính phủ tại Vatican nhân kỷ niệm Hiệp ước Châu Âu. Và còn có bài phát biểu thứ năm, những gì Burgomaster của Aachen đã làm. Châu Âu không phải nói: các anh hãy sắp xếp lại và tiến lên. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với Liên minh châu Âu và việc thực hiện chủ tịch theo lượt của Châu Âu không phải là một cử chỉ lịch sự mà là một biểu tượng trách nhiệm mà mỗi quốc gia có. Nếu châu Âu không lớn mạnh bên trong những thách đố thì tương lai sẽ khô héo. Tôi đã nói rằng châu Âu từ một người mẹ đang trở thành một người bà châu Âu. Có thể một ai đó kín đáo hỏi rằng: đó sẽ chẳng phải là kết thúc của một cuộc phiêu lưu bắt đầu từ 70 năm trước? Chúng ta cần phải lấy lại những bí nhiệm của những người cha sáng lập, phải tìm lại chính mình và vượt qua những chia rẽ về biên giới. Chúng ta đang thấy biên giới ở châu Âu và điều này không tốt. Đúng là mỗi quốc gia đều có căn tính riêng và phải bảo vệ nó, nhưng xin hãy vui lòng, đừng để châu Âu bị sự bi quan và ý thức hệ vượt thắng. Anh chị em hãy nghĩ về một châu Âu bị chia cắt, hãy học từ lịch sử và đừng thụt lùi lại.
Vào cuối buổi phỏng vấn, Đức Thánh Cha muốn nói: “cảm ơn cơn mưa” vì đã cho phép ngài - buộc ngài phải ngồi những chặng đường dài trên xe - để xem “phong cảnh tuyệt đẹp của Rumani”. Và ngài kết luận: “Tôi nói với anh chị em: hãy cầu nguyện cho châu Âu, xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng: Tôi chân thành hy vọng rằng châu Âu sẽ trở lại là giấc mơ của những người cha sáng lập”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.