ĐTC cử hành Thánh lễ tại Tượng đài Đức Maria Nữ Vương Hòa bình
Ngọc Yến - Vatican
Lúc 12 giờ 15’ xe đưa ĐTC đến Tượng đài Đức Maria Nữ Vương Hòa bình. Tượng đài Đức Maria Nữ Vương Hòa bình được khánh thành ngày 15 tháng 8 năm 1940 để tạ ơn Đức Maria vì Mẹ đã che chở đất nước trong Thế chiến thứ nhất. Công trình được xây dựng theo kiểu ruộng bậc thang xanh tăng dần, xen kẽ với những mảng hoa nhiều màu sắc, hướng về thành phố. Trên đỉnh có một bàn thờ với tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch Carrara, cao 3 mét. Đức Trinh Nữ cầm quả địa cầu trong tay.
Tượng đài là nơi hành hương của giáo phận. Khu vực này có sức chứa khoảng 80.000 người. Các sự kiện tôn giáo quan trọng đã được tổ chức tại đây: 100 năm Giáo phận (1947); Lễ phong chức đầu tiên của các linh mục Maurice (1955); Lễ tấn phong Hồng Y Jean Margéot, giám mục địa phương đầu tiên (1969); Thánh lễ tạ ơn long trọng nhân sự kiện phong Chân phước cho cha Jacques-désiré Laval, truyền giáo (1979); Thánh lễ do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến tông du quốc tế lần thứ 44 vào ngày 14 tháng 10 năm 1989.
Phụng vụ Thánh lễ kính trọng thể Chân phước Jacques-désiré Laval. Thánh tích của ngài đã được đặt trên bàn thờ.
Mở đầu bài giảng ĐTC nhấn mạnh mối liên hệ giữa nơi Thánh lễ được cử hành và tinh thần Bát Phúc trong Tin Mừng. ĐTC nói: “Từ trên núi này, trước bàn thờ dâng kính Đức Maria, Nữ Vương Hòa bình, chúng ta nhìn thấy thành phố và xa kia là biển, chúng ta thấy mình là một phần của vô số khuôn mặt từ Maurice và các đảo khác của khu vực Ấn Độ Dương đến để nghe Chúa Giêsu công bố các Mối Phúc. Như hai ngàn năm trước cũng chính Lời hằng sống đó có cùng sức mạnh của ngọn lửa khiến ngay cả những trái tim lạnh lùng cũng phải bùng cháy. Cùng nhau chúng ta có thể thưa với Chúa: Chúng con tin nơi Ngài, và với ánh sáng đức tin, nhịp đập con tim, chúng ta biết rằng lời của ngôn sứ Isaia là sự thật loan báo hòa bình, Tin Mừng cứu độ, Thiên Chúa chúng ta hiển trị”.
Bát Phúc là thẻ căn cước của Kitô hữu
“Các Mối Phúc giống như thẻ căn cước của Kitô hữu. Vì vậy, nếu được hỏi: ‘Ta phải làm gì để là một Kitô hữu tốt?’ Câu trả lời rất đơn giản: Mỗi người cần phải làm theo cách riêng của mình, những gì Chúa Giêsu nói trong Bát Phúc. Qua các Mối Phúc, ta nhận ra chân dung của Thầy chúng ta, chân dung mà ta được mời gọi phản chiếu lại trong cuộc sống hàng ngày của mình”. (Tông huấn Gaudete et exsultate, 63).
Tiếp đến ĐTC nhắc đến mẫu gương của Chân phước linh mục Jacques-Désiré Laval, người rất được yêu mến ở vùng đất này. ĐTC đề cao tình yêu của cha Laval dành cho Chúa Kitô và người nghèo. Tình yêu này đã giúp cha thoát khỏi ảo tưởng loan báo Tin Mừng "xa xôi". Cha biết rằng loan báo Tin Mừng bao gồm làm mọi sự cho mọi người (1Cor 9,19-22). Cha đã học ngôn ngữ của những nô lệ mới được giải thoát và loan báo Tin mừng cứu độ cho họ một cách đơn giản. Cha tập hợp các tín hữu để thực hiện sứ mệnh, tạo ra các cộng đoàn Kitô giáo nhỏ trong các khu phố. Hiện nay, nhiều giáo xứ có nguồn gốc từ các cộng đoàn đó. Cha tin tưởng người nghèo và những người bị bỏ rơi, giúp họ tự tổ chức và tìm ra câu trả lời cho chính đau khổ của mình.
Mẫu gương cha Laval
Nhờ sự năng động truyền giáo và tình yêu, cha Laval đã mang đến cho Giáo hội Maurice một sự tươi trẻ. Hôm nay chúng ta được mời gọi tiếp tục thực hiện sự năng động này. Tinh thần hăng say truyền giáo phải được gìn giữ, bởi vì chúng ta có thể bị rơi vào cám dỗ mất đi sự nhiệt tình loan báo Tin Mừng, tìm an toàn nơi thế gian, từng chút một, không chỉ làm cho sứ vụ trở nên nặng nề mà còn làm cho chúng ta không có khả năng thu hút mọi người (Tông huấn Evangelii gaudium, 26). Nhiệt tình loan báo Tin Mừng có một khuôn mặt trẻ và có khả năng trẻ hóa. Chính những người trẻ, với vẻ đẹp và sự tươi trẻ, có thể mang đến lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng, khi họ thúc đẩy cộng đồng Kitô giáo tự làm mới mình và mời mọi người ra đi đến những chân trời mới (Tông huấn Christus vivit, 37).
Đi vào thực tế của vấn đề ĐTC chỉ ra rằng những điều vừa nói không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta phải học cách nhận ra và trao cho người trẻ một vị trí trong cộng đoàn và xã hội. Mặc dù trong những thập kỷ gần đây, nền kinh tế đã tăng trưởng, nhưng người trẻ còn phải chịu đau khổ do thất nghiệp. Hậu quả không chỉ là người trẻ không có một tương lai chắc chắn, mà còn lấy đi khả năng cảm thấy mình là nhân vật chính trong lịch sử chung. Một tương lai không chắc chắn sẽ đẩy họ ra đường và buộc họ phải viết cuộc đời mình bên lề, họ dễ bị tổn thương và gần như không có điểm tham chiếu cho cuộc đời.
Người trẻ là sứ vụ đầu tiên
ĐTC nhấn mạnh: “Những người trẻ là sứ vụ đầu tiên của chúng ta! Chúng ta phải mời các bạn trẻ tìm thấy hạnh phúc của họ trong Chúa Giêsu, không phải từ xa, nhưng học cách cho họ một chỗ, học biết ngôn ngữ, lắng nghe những câu chuyện, sống bên cạnh họ, làm cho họ cảm thấy được Chúa chúc phúc. Chúng ta không được để cho mình bị cướp mất khuôn mặt trẻ của Giáo hội và của xã hội! Chúng ta không cho phép các thương gia chỉ tìm lợi nhuận cho mình đánh cắp những hoa trái đầu tiên của trái đất này!”
“Những người trẻ của chúng ta cảm thấy họ không có tiếng nói vì họ bị nhận chìm trong sự bấp bênh, cha Laval mời họ làm cho lời loan báo của ngôn sứ Isaia vang lên: "Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giêrusalem" (52.9). Ngay cả khi những gì xung quanh chúng ta dường như không có giải pháp, hy vọng vào Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phục hồi niềm tin chiến thắng của Thiên Chúa. Chiến thắng này không chỉ ở mặt lịch sử mà còn trong những điều ẩn giấu của những câu chuyện nhỏ được đan xen trong cuộc sống”.
Mọi sự không thuận lợi khi sống Tin Mừng
“Khi sống Tin mừng, ta không thể mong đợi mọi sự sẽ thuận lợi, bởi vì những tham vọng quyền lực và lợi ích thế tục thường chống lại ta. Thánh Gioan Phaolô II đã lưu ý rằng “Một xã hội mà trong đó các hình thức tổ chức, sản xuất và tiêu thụ, đều gây khó khăn cho việc quên mình để xây dựng tình liên đới giữa con người, thì đã hoàn toàn đánh mất chính mình” (Thông Điệp Centesimus Annus 41 c). Trong một xã hội đánh mất chính mình như vậy làm người ta khó mà sống các mối Phúc Thật; bất cứ nỗ lực nào nhằm sống như thế đều bị nhìn một cách tiêu cực, bị ngờ vực và nhạo báng (Tông huấn Gaudete et exsultate, 91). Đó là sự thật, nhưng chúng ta không thể để sự chán nản thắng chúng ta”.
Tiếp tục những lời được trích từ Tông huấn “Hãy vui mừng và hãy Hân hoan” và Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” ĐTC nói: “Dưới chân ngọn núi này, chúng ta được mời gọi sống các Mối Phúc, chúng ta phải phục hồi lời mời này để được hạnh phúc. Chỉ có những Kitô hữu vui mừng khơi dậy ước muốn đi theo con đường này; từ “hạnh phúc” hay “phúc thay” trở thành đồng nghĩa với “thánh thiện”. Nó diễn tả sự kiện ai hiến mình để sống trung thành với Thiên Chúa và Lời Ngài, sẽ đạt được hạnh phúc đích thật” (Tông huấn Gaudete et exsultate, 64).
Điều quan tâm không phải là con số mà là con người sống không có mục tiêu
“Khi chúng ta nghe cảnh báo "chúng ta ngày càng ít đi", điều chúng ta phải quan tâm trước hết không phải là con số hay hình thức tận hiến trong Giáo hội bị giảm bớt, mà là thiếu những người nam và người nữ muốn sống hạnh phúc bằng cách đi theo con đường thánh thiện, những người nam và người nữ làm con tim mình cháy bỏng với lời loan báo đẹp và tự do hơn. "Nếu có cái gì khiến chúng ta phải trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời ” (Tông huấn Evangelii gaudium 49).
Khi một người trẻ nhìn thấy một kế hoạch đời sống Kitô hữu được thực hiện với niềm vui, điều này làm phấn khởi và khích lệ để người trẻ cảm nhận một ước muốn rằng mình có thể thực hiện theo cách này: "Tôi muốn leo lên ngọn núi Bát Phúc, tôi muốn gặp ánh mắt Chúa Giêsu và Ngài nói với tôi con đường hạnh phúc của tôi là gì".
ĐTC mời gọi mọi người cầu nguyện cho cộng đoàn: “Chúng ta cùng cầu nguyện cho cộng đoàn chúng ta, để chúng ta làm chứng cho niềm vui của đời sống Kitô hữu, xin cho mọi người thấy ơn gọi nên thánh trong những hình thức khác nhau của cuộc sống mà Thánh Thần đề nghị chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo phận này, và cho các giáo phận khác mà hôm nay đã cố gắng đến đây. Cha Laval cũng đã trải qua những giây phút thất vọng và khó khăn với cộng đoàn Kitô giáo, nhưng cuối cùng, Thiên Chúa đã chiến thắng trong tâm hồn Chân phước. Cha Laval đã trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúng ta hãy để sức mạnh đó chạm đến con tim của rất nhiều người nam và người nữ trên mặt đất này, chúng ta cũng hãy để sức mạnh này chạm vào con tim chúng ta, để sự tươi trẻ này làm mới cuộc sống và cộng đoàn chúng ta. Và chúng ta đừng quên Đấng kêu gọi, Đấng xây dựng Giáo hội là Chúa Thánh Thần”.
Kết thúc bài giảng ĐTC gợi lại hình ảnh Đức Maria, Người Mẹ luôn che chở và đồng hành với chúng ta. Mẹ được gọi là "Đấng được chúc phúc". Mẹ đã sống nỗi đau như lưỡi gươm xuyên thâu tâm hồn, Mẹ đã đi đến đỉnh điểm của đau khổ khi chứng kiến con mình chết. ĐTC mời gọi tất cả mọi người xin ơn biết mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, xin niềm vui kiên trì, không nản lòng và không rút lui và luôn xác tín rằng "Đấng toàn năng đã làm những điều kỳ diệu, và Danh Ngài là thánh".
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.