ĐTC ca ngợi Dante Aleghieri là ngôn sứ của niềm hy vọng và đại thi hào lòng thương xót
Ngọc Yến - Vatican News
Đại thi hào Dante (1265-1321) là tác giả của một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của nền thi ca Ý cũng như nhân loại “Divina Commedia-Thần khúc”. Đối với người Ý, Dante là cha đẻ của ngôn ngữ quốc gia này. Sự hiện diện của Dante trong văn hóa Ý vô cùng quan trọng. Chính ông đã trả tiếng Ý lại cho văn chương Ý, vốn trước đó bị thống trị bởi tiếng Latin. Ông là linh hồn của dân tộc, văn hóa và ngôn ngữ Ý. Những tư tưởng ông viết trong “Thần khúc” vẫn sống động cho đến ngày nay không chỉ cho quốc gia Ý mà cả thế giới.
Trong Tông thư “Candor lucis aeternae - Ánh quang minh đời đời”, được công bố hôm thứ Năm 25/3, Lễ Truyền Tin, Đức Thánh Cha viết: “700 năm, nhưng hôm nay, Dante vẫn nói với chúng ta, yêu cầu chúng ta không chỉ đọc và nghiên cứu tác phẩm của ông, nhưng trên hết là lắng nghe và noi gương hành trình hướng tới hạnh phúc của ông, đó là tình yêu vô biên và vĩnh cửu của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha giải thích rằng việc ban hành tông thư kỷ niệm 700 năm ngày mất của Dante trong ngày Lễ Truyền Tin không phải là điều ngẫu nhiên. Bởi vì mầu nhiệm Nhập thể, khởi từ “Lời thưa xin vâng” của Đức Maria là “trung tâm truyền cảm hứng thực sự và là điều thiết yếu” của toàn bộ “Thần khúc”, hiện thực “sự thần hóa” hay “sự trao đổi kỳ diệu”, giữa việc Thiên Chúa “bước vào lịch sử của chúng ta qua việc làm người” và nhân loại “được nâng lên với Thiên Chúa, hạnh phúc đích thực”.
Được chia thành chín đoạn, Tông thư mở đầu bằng một đoạn Đức Thánh Cha nhắc lại tư tưởng của các Giáo hoàng về Dante. Sau đó, ngài dừng lại trên cuộc đời của Dante, xác định đây là “một mẫu của thân phận con người” và nhấn mạnh “tính hiện thực và lâu dài” trong tác phẩm của ông. Đức Thánh Cha viết: “Thật vậy, tác phẩm của Dante là một phần không thể thiếu của nền văn hóa của chúng ta. Tác phẩm cho chúng ta biết về nguồn gốc Kitô giáo ở châu Âu và phương Tây. Ngay cả ngày nay, di sản tư tưởng và giá trị của ông vẫn được đề xuất cho Giáo hội và xã hội dân sự về một nền tảng của sự chung sống và nhìn nhận nhau là anh chị em”.
Đức Thánh Cha giải thích,“Thần khúc” có hai trục chính đó là “ước muốn, vốn đã hiện diện trong tâm hồn con người” và “hạnh phúc, được ban cho bởi Tình yêu Thiên Chúa”. Vì điều này, Dante là một “ngôn sứ của hy vọng”. Với tác phẩm này, ông đã thúc đẩy nhân loại tự giải thoát khỏi “khu rừng đen tối” của tội lỗi để tìm ra “con đường ngay chính”, và như thế đạt đến “sự sống viên mãn trong lịch sử” và “hạnh phúc đời đời trong Chúa”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Con đường Dante chỉ ra là một cuộc hành hương thực sự, là thực tế và khả thi cho tất cả mọi người, bởi vì lòng thương xót của Chúa luôn mang đến khả năng thay đổi và hoán cải”.
Tông thư cũng nhắc đến ba nữ nhân vật của “Thần khúc”: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, biểu hiệu của bác ái; Beatrice, biểu tượng của hy vọng, và Thánh Lucia, hình ảnh của đức tin. Ba phụ nữ này nhắc đến ba nhân đức đối thần, đồng hành cùng Dante trong các giai đoạn khác nhau cuộc hành hương của ông, chứng tỏ thực tế rằng “chúng ta không thể tự cứu mình”, nhưng chúng ta cần sự giúp đỡ của những người “có thể hỗ trợ và hướng dẫn chúng ta bằng sự khôn ngoan và thận trọng”. Thật vậy, chính tình yêu Thiên Chúa, “nguồn duy nhất có thể ban cho chúng ta ơn cứu độ”, “canh tân đời sống và hạnh phúc”, luôn thúc đẩy Đức Maria, Beatrice và Lucia.
Trong một đoạn tiếp theo, Đức Thánh Cha dành cho Thánh Phanxicô. Trong tác phẩm của Dante, thánh nhân được miêu tả là “bông hồng trắng tinh khiết của những người được chúc phúc”. Giữa Người nghèo của Assisi và Đại thi hào, Đức Thánh Cha nhận thấy “một sự hòa hợp sâu sắc”. Thực tế, cả hai đều hướng đến mọi người, Thánh Phanxicô “đi giữa dân chúng”, Dante chọn không sử dụng tiếng Latinh, nhưng sử dụng bản ngữ, “ngôn ngữ của mọi người”. Hơn nữa, cả hai đều mở ra cho “vẻ đẹp và giá trị” của Thụ tạo, tấm gương phản chiếu của Đấng Tạo Hóa.
Đức Thánh Cha nhận xét: “Dante là một nghệ sĩ lỗi lạc, tính nhân văn vẫn còn nguyên giá trị cho ngày nay. Ông là tiền thân của nền văn hóa đa phương của chúng ta. Trong tác phẩm của ông, từ ngữ và hình ảnh, biểu tượng và âm thanh được hợp nhất, tạo thành một thông điệp duy nhất”.
Liên quan đến việc duy trì di sản của Đại thi hào, Đức Thánh Cha khuyến khích các giáo viên say mê truyền đạt thông điệp, kho tàng văn hóa, tôn giáo và đạo đức trong tác phẩm của ông. Đức Thánh Cha mong di sản này không bị “nhốt” trong trường học, mà được biết đến và rộng rãi nhờ sự dấn thân của các cộng đoàn Kitô giáo và các hiệp hội văn hóa.
Đức Thánh Cha còn mời gọi giới nghệ sĩ định hình cho thơ của Dante theo con đường của cái đẹp, để phổ biến “thông điệp về hòa bình, tự do và tình huynh đệ”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là một nhiệm vụ rất quan trọng trong thời điểm lịch sử đang được đánh dấu bằng bóng tối, thiếu tin tưởng vào tương lai.
Đức Thánh Cha kết luận: “Đại thi hào có thể giúp chúng ta tiến bước với sự thanh thản và can đảm trong cuộc hành hương của cuộc sống và đức tin, cho đến khi tâm hồn chúng ta tìm được sự bình an và niềm vui đích thực, đó là tình yêu làm di chuyển mặt trời và các vì sao”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.