ĐTC Phanxicô: Mùa Chay là để mở rộng con tim cho sự dịu dàng của Thiên Chúa
Ngọc Yến - Vatican News
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, phụng vụ Thánh Thể Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay bắt đầu với lời mời gọi “Mừng vui lên, Giêrusalem hỡi” (Is 66,10).
“Đâu là lý do của niềm vui này?”, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi và trả lời: “Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết: ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời’. (Ga 3, 16). Sứ điệp vui mừng này là trung tâm đức tin Kitô giáo: Tình yêu Thiên Chúa đã đạt tuyệt đỉnh khi ban tặng Người Con cho nhân loại yếu đuối và tội lỗi”.
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng, đây là những gì xuất hiện trong cuộc đối thoại ban đêm giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô (Ga 3, 14-21). Ông Nicôđêmô cũng như mọi người dân Israel khác, đang mong đợi Đấng Mêsia, xác định Người là một người mạnh mẽ, có quyền xét xử thế gian. Trong cuộc đối thoại này Chúa Giêsu đã làm cho Nicôđêmô hiểu đúng ý nghĩa của sự chờ mong này, bằng cách bày tỏ chính Người dưới ba khía cạnh. Đức Thánh Cha lần lượt giải thích từng khía cạnh một
Con Người phải được giương cao trên thập giá
Trước hết, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình với tư cách là Con Người (câu 14-15). Bản văn ám chỉ con rắn đồng (Ds 21, 4-9), đã được ông Môsê giương cao trong sa mạc theo ý Thiên Chúa, khi dân Israel bị rắn độc tấn công; ai bị rắn cắn và ngước nhìn con rắn đồng này thì sẽ được chữa khỏi. Chúa Giêsu cũng như vậy, Người được gương cao trên thập giá và ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
Con Thiên Chúa
Đức Thánh Gia giải thích tiếp về khía cạnh thứ hai: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người: Thiên Chúa thực hiện điều này trong việc nhập thể của Con Một và đã trao ban Con Một cho đến chết. Mục đích của việc trao ban này là sự sống đời đời của con người: Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ cứu độ tất cả mọi người”.
Chúa Giêsu là ánh sáng
Tên thứ ba Chúa Giêsu tự đặt cho mình là “ánh sáng” (câu 19-21). Tin Mừng cho biết: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (câu 19). Việc Chúa Giêsu đến thế gian đưa đến một chọn lựa: ai chọn bóng tối phải đối diện với sự xét xử, ai chọn ánh sáng sẽ được ơn cứu độ. Bản án là hậu quả của việc lựa chọn tự do của mỗi người: ai làm điều ác thì tìm bóng tối, ai thực hành sự thật, bác ái thì tìm đến ánh sáng. Ai bước đi trong ánh sáng, ai đến gần ánh sáng, thì làm điều tốt. Đây là điều mà chúng ta được mời gọi thực hiện với sự dấn thân nhiều hơn trong Mùa Chay: đón nhận ánh sáng vào lương tâm của chúng ta, để mở rộng tâm hồn chúng ta trước tình thương vô biên của Thiên Chúa, với lòng thương xót đầy dịu dàng và nhân hậu của Người. Nhờ đó, chúng ta sẽ tìm được niềm vui đích thực và có thể vui mừng trong sự tha thứ của Thiên Chúa, Đấng tái tạo và ban sự sống.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý với lời cầu nguyện: “Xin Mẹ Maria giúp chúng ta không sợ để Chúa Giêsu ‘đặt mình vào khủng hoảng’. Đó là một cuộc khủng hoảng lành mạnh, vì sự chữa lành của chúng ta; để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn”.
KINH TRUYỀN TIN
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói đến cuộc khủng hoảng chiến tranh tại Syria. “Cách đây 10 năm, cuộc xung đột đẫm máu ở Syria bắt đầu, đã gây ra một trong những thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất trong thời đại của chúng ta. Biết bao người chết và bị thương không thể xác định được, hàng triệu người tị nạn, hàng ngàn người mất tích, tán phá, bạo lực dưới mọi hình thức”, Đức Thánh Cha nói và tái kêu gọi các bên trong cuộc xung đột hãy thể hiện thiện chí, để tia hy vọng có thể được mở ra cho những người kiệt sức. Ngài cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ để Syria có thể hàn gắn kết cấu xã hội và tái thiết phục hồi kinh tế.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc đến ngày 19/3 tới đây sẽ là ngày khai mạc Năm Gia đình Amoris laetitia. Ngài mời gọi canh tân và sáng tạo hoạt động mục vụ để đặt gia đình vào trung tâm sự chú ý của Giáo hội và xã hội. Ngài cầu nguyện để mỗi gia đình có thể cảm nhận được sự hiện diện sống động của Thánh Gia Nazareth trong chính ngôi nhà của mình.
Sau cùng, ngài chào thăm tất cả mọi người đang hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, đặc biệt đông đảo các tín hữu Philippines đang cử hành 500 năm loan báo Tin mừng tại quê hương.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.