ĐTC Phanxicô tiếp Chủ tịch Ủy ban châu Âu
Ngọc Yến - Vatican News
Theo thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh, trong cuộc hội kiến thân tình, sau khi đề cập đến mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai bên, Đức Thánh Cha và bà Ursula von der Leyen đã tập trung nói về chủ đề phát triển con người và xã hội của lục địa, theo cái nhìn của Hội nghị về Tương lai của châu Âu vừa được tiến hành. Hai vị lãnh đạo còn thảo luận về các vấn đề mà cả hai bên đều quan tâm, như hậu quả xã hội của đại dịch, về di cư, biến đổi khí hậu, và những diễn biến gần đây ở Trung Đông.
Sau khi được Đức Thánh Cha tiếp kiến, Chủ tịch Ủy ban châu Âu còn gặp Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh.
Trả lời Vatican News về cuộc viếng thăm Tòa Thánh và quan hệ giữa hai bên, bà Ursula von der Leyen nói: “Mối quan hệ giữa Tòa Thánh, Vatican và Liên minh châu Âu rất tuyệt vời. Và 50 năm, điều này cho thấy chúng tôi có cùng đường hướng. Sự hợp tác tốt dựa trên việc chia sẻ các giá trị giống nhau, dấn thân vì hòa bình, tình liên đới, vì phẩm giá con người. Đây là những giá trị được chia sẻ. Và tất nhiên, chúng tôi đang theo dõi rất sát chủ đề lớn của Vatican, toàn cầu hóa về tình liên đới, rất gần gũi với trái tim chúng tôi. Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm của Tòa Thánh đối với Hội nghị về Tương lai châu Âu của chúng tôi. Vì thế, đây chỉ là một vài chủ đề cho thấy quan hệ giữa hai bên rất tốt”.
Trả lời câu hỏi về sự ủng hộ của Liên minh châu Âu trước lời mời gọi của Đức Thánh Cha về việc phân phối vắc-xin công bằng, bà Chủ tịch cho biết, mặc dù khó khăn nhưng châu Âu vẫn đảm bảo một nửa vắc-xin được sản xuất sẽ được chuyển sang 90 quốc gia khác. Bà cho biết thêm châu Âu là một trong những nhà tài trợ chính của Covax, sẽ tiếp tục cung cấp 100 triệu liều vắc-xin Covax.
Sau đó, về vấn đề môi trường. Bà Ursula von der Leyen nói bà rất biết ơn Đức Thánh Cha về thông điệp Laudato si’. Vì vậy, trong vai trò là Chủ tịch, chủ đề đầu tiên bà quan tâm nhất đó là Thỏa thuận Xanh châu Âu. Vào năm 2050, Liên minh châu Âu sẽ là lục địa đầu tiên có khí hậu trung hòa. Bà nói: “Chúng tôi không chỉ có các mục tiêu mà còn đưa vào luật, hiện chúng tôi đang từng bước thể hiện cách chúng tôi muốn đạt được sự trung hòa về khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030”.
Theo bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đây là một nhiệm vụ to lớn, nhưng nếu chúng ta không hành động, hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Chúng ta đã hiểu ý nghĩa của việc thay đổi khí hậu. Nhưng nó cũng có nghĩa rộng hơn, đó là trách nhiệm của chúng ta đối với thế hệ tương lai. Bà tin rằng, Laudato si’ thực sự là một lời kêu gọi thức tỉnh.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.