ĐTC dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời
Hồng Thủy - Vatican News
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa ngày lễ Các Thánh 1/11, Đức Thánh Cha nói rằng đây sẽ là cơ hội để hiệp nhất cách thiêng liêng với các tín hữu trên toàn thế giới trong những ngày này đến cầu nguyện tại phần mộ của người thân của họ. Hơn nữa, ngài cũng lưu ý rằng việc cử hành tại một Nghĩa trang Quân đội là cơ hội cầu nguyện đặc biệt cho “tất cả nạn nhân của chiến tranh và bạo lực”.
Có khoảng 1.900 ngôi mộ tại Nghĩa trang Chiến tranh của Pháp ở Roma. Phần lớn là nơi an nghỉ của những người lính Marốc và Algeria đã hy sinh trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Nhiều ngôi mộ có dấu hình trăng lưỡi liềm của Hồi giáo trong khi những ngôi mộ khác có các Thánh giá. Tất cả đều được khắc dòng chữ “Chết vì nước Pháp” .
Nghĩa trang được chính phủ Ý xây dựng để tưởng nhớ các quân nhân Pháp đã chiến đấu trong những năm giữa năm 1943 và 1944 chống lại Đức quốc xã. Mỗi năm vào ngày 11/11, Ngày Tưởng niệm, một buổi lễ tưởng niệm tất cả các nạn nhân của các cuộc chiến tranh trong quá khứ và hiện tại được tổ chức tại đây.
Trước khi bắt đầu Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đến đặt những bông hồng trắng trên các ngôi mộ và cầu nguyện trong giây lát.
Thánh lễ được cử hành ngoài trời với sự tham dự của một số đông tín hữu người Pháp.
Đức Thánh Cha mở đầu bài giảng bằng một câu nói được viết ở một nghĩa trang phía Bắc: “Bạn là người bước qua, hãy nghĩ đến những bước chân của bạn, và với những bước chân của bạn, hãy nghĩ đến bước cuối cùng.” Ngài nhắc nhở các tín hữu rằng “cuộc sống là một hành trình và tất cả chúng ta đều trên hành trình. Nếu tất cả chúng ta muốn làm điều gì đó trong cuộc sống, chúng ta không phải là dạo chơi nhưng là trên hành trình”.
Chúng ta đi qua bao nhiêu biến cố lịch sử, nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng sẽ có bước cuối cùng.
Từ đó Đức Thánh Cha nêu lên lời khuyên: “Bạn là người bước qua, hãy dừng lại và suy nghĩ về những bước chân của mình và nghĩ về bước cuối cùng”. Điều quan trọng là chúng ta bước bước cuối cùng đó trên hành trình, chứ không phải dạo chơi, trong hành trình cuộc sống chứ không phải là mê cung vô định.
Điểm thứ hai Đức Thánh Cha chia sẻ trong bài giảng là những ngôi mộ. Những người lính can đảm này chết trong chiến tranh; họ chết vì được kêu gọi bảo vệ tổ quốc, bảo vệ các giá trị, bảo vệ lý tưởng và nhiều lần khác, để bảo vệ những tình huống chính trị đáng buồn và đáng tiếc. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Họ là nạn nhân của chiến tranh, những cuộc chiến ăn thịt những người con của quê hương”.
Ngài nhắc đến những địa điểm như Anzio, Redipuglia, Piave, bãi biển Normandy, nhiều người đã ngã xuống và vẫn còn ở đó.
Trước một ngôi mộ có ghi: “Inconnu, mort pour la France, 1944”. Vô danh, chết vì nước Pháp, năm 1944. Đức Thánh Cha khẳng định: “Trong trái tim của Chúa có tên của tất cả chúng ta, nhưng đây là thảm kịch của chiến tranh. Tôi chắc chắn rằng tất cả những người có thiện chí, được quê hương kêu gọi để bảo vệ tổ quốc, đều ở với Chúa”.
Từ đó ngài đưa ra câu hỏi: “Nhưng chúng ta, những người đang hành trình, chúng ta có tranh đấu đủ để chiến tranh không xảy ra không? Để không có các nền kinh tế của các quốc gia làm giàu từ ngành công nghiệp vũ khí?” Và theo Đức Thánh Cha, lời giảng hôm nay phải là “hãy nhìn các ngôi mộ”. “Những ngôi mộ này là một thông điệp hòa bình: ‘Hãy dừng lại, các anh chị em, hãy dừng lại. Hãy dừng lại, các nhà sản xuất vũ khí, hãy dừng lại!’”.
Đức Thánh Cha tóm lại hai ý của bài giảng: (1) “Bạn là người bước qua, hãy nghĩ về những bước của mình và về bước cuối cùng”, và (2) những ngôi mộ này gào lên: “Hoà bình!”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.