Đức Thánh Cha cử hành lễ Chúa Kitô Vua
Ngọc Yến - Vatican News
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Lễ Chúa Kitô Vua cũng là Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 36 cấp giáo phận, vì vậy trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha đặc biệt hướng đến giới trẻ, mô tả hai hình ảnh của Chúa Giêsu là vua được các bài đọc nói đến: Chúa Giêsu là vua khi ngự đến trong đám mây; và Chúa Giêsu là vua khi đứng trước Philatô.
Hai hình ảnh của Chúa Giêsu
Đức Thánh Cha nói: “Hai hình ảnh từ Lời Chúa chúng ta vừa mới nghe, có thể giúp chúng ta đến gần Chúa Giêsu với tư cách là Vua Vũ trụ. Hình ảnh thứ nhất, trích từ sách Khải huyền của thánh Gioan và được tiên tri Đa-ni-en tiên báo trong bài đọc thứ nhất, được mô tả bằng những từ: ‘Người ngự đến giữa đám mây’ (Kh 1, 7; Đn 7,13). Đề cập đến sự tái lâm vinh quang của Chúa Giêsu với tư cách là Chúa vào cuối lịch sử. Hình ảnh thứ hai là của Tin Mừng: Chúa Kitô đứng trước mặt Philatô và nói với ông: ‘Ta là vua’ (Ga 18,37). Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy dừng lại và chiêm ngắm hai hình ảnh này của Chúa Giêsu, khi chúng ta bắt đầu hành trình hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon.”
Hình ảnh thứ nhất của Chúa Giêsu: ngự đến giữa đám mây
Chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh đầu tiên: Chúa Giêsu, Đấng ngự đến giữa đám mây. Hình ảnh này nói đến việc Chúa Kitô đến vào cuối thời gian; làm cho chúng ta hiểu rằng lời cuối cùng về sự hiện hữu của chúng ta sẽ thuộc về Chúa Giêsu. Kinh Thánh còn nói cho chúng ta biết Người là “Đấng ngự giá đằng vân” (Tv 68, 5), và biểu lộ quyền năng trên các tầng trời (Tv 68, 34-35). Nghĩa là Chúa là mặt trời soi sáng chúng ta từ trên cao và không bao giờ lặn, Đấng trường tồn trong khi mọi thứ khác qua đi, là niềm hy vọng chắc chắn và vĩnh cửu của chúng ta. Lời ngôn sứ hy vọng này soi sáng đêm tối của chúng ta, cho chúng ta biết rằng Chúa thực sự đang đến, Người hiện diện và đang làm việc, hướng lịch sử về phía Người, hướng tới điều tốt lành. Người ngự đến “với đám mây” để trấn an chúng ta; như muốn nói: “Thầy không để anh em một mình khi cuộc đời bị giông tố ập đến. Thầy luôn ở bên anh em. Thầy đến để mang lại bầu trời tươi sáng”.
Chúa cũng ngự đến trong đêm đen
Mặt khác, ngôn sứ Đa-ni-en nói với chúng ta rằng ông đã nhìn thấy Chúa ngự đến với những đám mây khi ông “thấy những thị kiến ban đêm” (Đn 7,13). Những thị kiến ban đêm: Chúa ngự đến trong đêm, giữa những đám mây thường bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúng ta cần phải nhận ra Người, nhìn xa hơn màn đêm, ngước mắt lên để có thể nhìn thấy Người giữa bóng tối.
Trong đêm tối cuộc đời hãy ngước nhìn lên Chúa
Các bạn trẻ thân mến, nhìn những thị kiến ban đêm, nghĩa là có đôi mắt chiếu sáng ngay cả trong bóng tối. Không ngừng tìm kiếm ánh sáng giữa những bóng tối mà chúng ta có thể có trong tâm hồn hoặc xung quanh chúng ta. Từ mặt đất hãy ngước nhìn lên cao, không phải để chạy trốn, nhưng để vượt qua cám dỗ tiếp tục bị giam cầm bởi nỗi sợ hãi của chúng ta. Điều nguy hiểm là để nỗi sợ hãi kìm hãm chúng ta. Đừng đóng kín cõi lòng chỉ nghĩ đến bản thân. “Hãy ngước mắt nhìn lên cao! Hãy chỗi dậy!” là lời khích lệ mà Chúa nói với chúng ta, và cha muốn lặp lại điều đó trong Sứ điệp gửi đến các bạn trẻ để đồng hành trong năm hành trình này. Đây là nhiệm vụ được giao cho các bạn, đầy thử thách nhưng rất lôi cuốn: đôi chân đứng vững trong khi mọi thứ xung quanh ta dường như đang sụp đổ; trở thành những người lính canh biết nhìn ánh sáng trong những thị kiến ban đêm; trở thành những người xây dựng giữa đống đổ nát, để có khả năng mơ ước. Đối với cha đây là chìa khoá: một người trẻ không có khả năng ước mơ, là một người đáng tội nghiệp, vì người này già trước tuổi. Hãy biết mơ ước. Bởi vì những điều người biết mơ ước thường làm là: không ở trong bóng tối, nhưng thắp lên một ngọn lửa, một ánh sáng hy vọng loan báo bình minh xuất hiện. Hãy ước mơ, hãy đứng lên và nhìn về tương lai với hy vọng.
Hãy biến Chúa Giêsu trở thành giấc mơ cuộc đời
Cha muốn nói với các con điều này: chúng tôi, tất cả chúng tôi, đều biết ơn các con khi các con mơ ước. Khi người trẻ mơ ước, đôi khi gây ồn ào. Hãy làm điều này, vì sự ồn ào của các con là hoa trái của những giấc mơ. Có nghĩa là các con không muốn sống trong đêm tối, khi các con biến Chúa Giêsu trở thành giấc mơ của cuộc đời các con, và các con đón nhận Chúa Giêsu với niềm vui và lòng nhiệt thành dễ lây lan, là lúc các con làm điều tốt cho chúng tôi! Cám ơn các con vì những lúc các con can đảm làm việc để biến ước mơ thành hiện thực, khi các con luôn tin vào ánh sáng ngay cả trong những khoảnh khắc tăm tối, khi các con dấn thân với lòng say mê để làm cho thế giới của chúng ta tươi đẹp và nhân văn hơn. Cám ơn các con khi các con vun trồng ước mơ huynh đệ, khi các con quan tâm đến vết thương của thụ tạo, đấu tranh cho phẩm giá của những người yếu đuối và lan tỏa tinh thần liên đới và chia sẻ. Và trên hết, cám ơn các con, vì trong một thế giới chỉ nghĩ đến lợi ích hiện tại, có xu hướng bóp nghẹt những lý tưởng vĩ đại, các con đã không đánh mất khả năng ước mơ! Điều này giúp cho người lớn chúng tôi và Giáo hội. Vâng, là một Giáo hội cũng vậy, chúng ta cần ước mơ, chúng ta cần lòng hăng say và nhiệt huyết của người trẻ để trở thành chứng nhân của Thiên Chúa luôn tươi trẻ!
Hãy có ước mơ của Tin Mừng: Tình huynh đệ, liên đới, công lý và hoà bình
Và cha muốn nói với các con một điều khác: nhiều giấc mơ của các con cũng giống như những giấc mơ của Tin Mừng. Tình huynh đệ, liên đới, công lý, hòa bình: đây là những ước mơ của chính Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Đừng ngại mở lòng ra để gặp Chúa Giêsu: Người yêu thích ước mơ của các con và giúp các con biến chúng thành hiện thực. Đức Hồng y Martini đã từng nói rằng Giáo hội và xã hội cần “những người biết mơ ước luôn mở lòng đón nhận những điều bất ngờ của Chúa Thánh Thần”. Cha ước mong các con sẽ là một trong những người mơ ước này!
Hình ảnh thứ hai của Chúa Giêsu: Trước Philatô, Chúa nói “Ta là vua”
Bây giờ chúng ta đến với hình ảnh thứ hai, Chúa Giêsu nói với Philatô: “Ta là vua”. Chúng ta được đánh động bởi sự quyết tâm, lòng can đảm, tự do vượt bậc của Chúa. Chúa bị bắt, bị đưa đến dinh quan, bị thẩm vấn bởi những người có quyền kết án tử hình Người. Trong một tình huống như vậy, Chúa có mọi quyền để bảo vệ mình, và thậm chí “dàn xếp” bằng cách đi đến một thỏa hiệp. Trái lại, Chúa Giêsu không che giấu căn tính của mình, không che giấu ý định, hoặc lợi dụng cơ hội Philatô đưa ra. Với lòng can đảm đến từ sự thật, Chúa trả lời: “Tôi là vua”. Chúa nhận trách nhiệm về cuộc sống của chính mình: Tôi đến vì một sứ vụ và tôi sẽ đi đến cùng để làm chứng cho Vương quốc của Cha. Chúa nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18, 37). Chúa Giêsu đến công bố Vương quốc của Người khác với các vương quốc của thế gian; Chúa không trị vì để gia tăng quyền lực và để đè bẹp người khác; Chúa không trị vì bằng sức mạnh. Vương quốc của Người là Vương quốc tình yêu, Vương quốc của những người hiến mạng sống vì ơn cứu độ người khác.
Các bạn trẻ thân mến, sự tự do của Chúa Giêsu là điều lôi cuốn! Chúng ta hãy để cho tự do này rung động trong chúng ta, để lay động và khơi dậy trong chúng ta lòng can đảm sinh ra từ sự thật. Chúng ta hãy tự hỏi điều này: Nếu tôi đang ở vị trí của Philatô, nhìn vào mắt Chúa Giêsu, tôi sẽ xấu hổ về điều gì? Trước sự thật của Chúa Giêsu, là chính Chúa, những giả dối nào làm Người không vừa ý? Mỗi chúng ta đều có điều này, hãy tìm ra chúng. Chúng ta cần phải đặt mình trước Chúa Giêsu, để sự thật trong chúng ta được tỏ bày. Chúng ta cần phải thờ phượng Người để có được tự do bên trong, để cuộc sống được sáng tỏ, và không bị lừa dối bởi những mốt thời thượng và những giả tạo của chủ nghĩa tiêu dùng gây loá mắt và tê liệt. Các bạn trẻ thân mấn, chúng ta ở đây không phải để bị mê hoặc bởi tiếng còi của thế giới, nhưng để nắm lấy cuộc sống chúng ta, để sống trọn vẹn!
Tự do của Chúa giúp can đảm lội ngược dòng
Bằng cách này, trong tự do của Chúa Giêsu, chúng ta tìm được can đảm để lội ngược dòng: không chống lại người khác, như những người coi mình là nạn nhân và những người theo thuyết âm mưu, những người luôn đổ lỗi cho người khác; lội ngược dòng là chống lại cái tôi ích kỷ, khép kín và cứng nhắc của chúng ta, để trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Vì Chúa dạy chúng ta chỉ chống lại điều ác bằng sức mạnh hiền lành và khiêm nhường của điều thiện. Không có con đường tắt, không giả dối. Thế giới của chúng ta bị tổn thương bởi quá nhiều tệ nạn, không cần thêm bất kỳ thỏa hiệp mơ hồ nào nữa, của những người ngã bên này nghiêng bên kia như sóng biển, tùy theo điều gì là thuận tiện nhất. Hãy sống tự do đích thực, các bạn hãy là lương tâm phê phán của xã hội. Đừng ngại phê bình góp ý! Chúng tôi cần sự góp ý của các bạn, như nhiều bạn trẻ đang phê bình chống ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cần điều này! Hãy tự do trong khi phê bình. Hãy say mê sự thật, để với ước mơ, các bạn có thể nói: “Cuộc sống tôi không bị giam cầm bởi suy nghĩ của thế gian: Tôi được tự do, bởi vì tôi trị vì với Chúa Giêsu cho công lý, tình yêu và hòa bình!”. Cha ước mong và cầu nguyện cho các con để mỗi người trong các con có thể cảm nhận niềm vui khi nói: “Với Chúa Giêsu, tôi cũng là vua”. Tôi là vua: là một dấu chỉ sống động về tình yêu Thiên Chúa, về lòng trắc ẩn và sự dịu dàng của Người. Tôi là một người biết ước mơ, được hoa mắt bởi ánh sáng của Tin Mừng, và tôi nhìn với hy vọng trong những thị kiến ban đêm. Và khi tôi té ngã, tôi tìm lại được sự can đảm nơi Chúa Giêsu để tiếp tục chiến đấu và hy vọng, can đảm để tiếp tục ước mơ. Ở bất cứ độ tuổi nào trong cuộc sống.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.