Đức Thánh Cha chào mừng Cuộc gặp gỡ các dân tộc tại Rimini lần thứ 43
Ngọc Yến - Vatican News
Những lời của Đức Thánh Cha được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, đại diện bày tỏ trong sứ điệp gửi đến các tham dự viên cuộc gặp gỡ, qua trung gian của Đức cha Francesco Lambasi, Giám mục Giáo phận Rimini.
Mở đầu sứ điệp, Đức Hồng Y nói đến chủ đề cuộc gặp gỡ năm nay “Niềm say mê đối với con người”, trích từ một câu nói của Tôi tớ Chúa Luigi Giussani trong bài phát biểu tại cuộc gặp gỡ năm 1985, và năm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ngài. Trong lần đó, vị Tôi tớ Chúa đã nói: “Kitô giáo không được sinh ra để sáng lập ra một tôn giáo, Kitô giáo được sinh ra như một niềm say mê đối với con người”.
Quốc vụ khanh Toà Thánh nhận xét rằng đôi khi lịch sử dường như quay lưng lại với cái nhìn này của Chúa Kitô đối với con người. Chính vì thế ngày nay hơn bao giờ hết dụ ngôn người Samari tốt lành rất quan trọng, bởi vì dụ ngôn cho thấy tận thâm tâm, con người đang mong chờ người Samari đến cứu giúp.
Tin Mừng chỉ ra người Samari tốt lành là mẫu gương của lòng say mê vô điều kiện đối với các anh chị em gặp gỡ trên hành trình cuộc sống. Như vậy dụ ngôn có một sự phù hợp sâu xa với chủ đề cuộc gặp gỡ. Tuy nhiên, đây không chỉ là một hành động quảng đại, còn hơn thế nữa, là sự say mê đối với con người.
Nhưng chúng ta biết rằng con đường tình huynh đệ không được vẽ trên mây, nhưng con đường này đi qua nhiều sa mạc thiêng liêng hiện diện trong xã hội. Trong sa mạc, nói như Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, chúng ta tái khám phá giá trị của những gì thiết thực để sống. Trong thế giới hiện nay có nhiều dấu hiệu thể hiện sự khao khát Thiên Chúa, khao khát ý nghĩa tối hậu của cuộc sống.
Đức Hồng Y Parolin cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô không mệt mỏi khi chỉ ra con đường đi qua sa mạc mang lại sự sống: “Sự dấn thân của chúng ta không chỉ bao gồm các hoạt động hay chương trình thăng tiến và trợ giúp; điều mà Chúa Thánh Thần làm chuyển động không phải là một sự hoạt động thái quá, nhưng trên hết là một sự chú tâm coi người khác như là một với chúng ta. Sự quan tâm yêu thương này là khởi đầu cho một sự quan tâm thực sự đối với nhân vị của họ, thúc đẩy chúng ta hoạt động để mưu cầu lợi ích cho họ” (Tông huấn Evangelii gaudium, 199)
Trong sứ điệp, Đức Hồng Y Parolin nhận xét rằng khôi phục nhận thức này là điều rất quan trọng. Bởi vì để khám phá chính mình chúng ta phải gặp gỡ người khác. Theo nghĩa này, người Samari tốt lành chỉ cho chúng ta thấy rằng sự hiện hữu của chúng ta có mối liên hệ với người khác và tương quan với người khác là điều kiện để trở thành chính mình cách tràn đầy và mang lại hoa trái.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.