Tìm kiếm

Kinh Truyền Tin (30/10): Cái nhìn của Chúa Giêsu và của Dakêu tìm nhau

Trưa Chúa Nhật 30/10, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài đã có một bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 31 thường niên về ông Da-kêu gặp Chúa Giêsu.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, trong Phụng vụ, Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Da-kêu, người đứng đầu những người thu thuế ở thành Giê-ri-khô (Lc 19,1-10). Trung tâm của câu chuyện này là động từ tìm kiếm. Ông Da-kêu đã “tìm cách xem cho biết Đức Giêsu là ai” (c. 3) và Chúa Giêsu sau khi gặp ông đã khẳng định: “Con người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (c. 10). Chúng ta hãy chú ý một chút đến hai cái nhìn đi tìm nhau: cái nhìn của ông Da-kêu, người đi tìm Chúa Giêsu và cái nhìn của Chúa Giêsu, người đi tìm ông Da-kêu.

Cái nhìn của Da-kêu

Ông là một người thu thuế, tức là một trong những người Do Thái đã thu thuế cho những người La Mã đô hộ, phản bội đất nước và trục lợi từ vị trí của họ. Vì lý do này, Da-kêu giàu có, bị mọi người ghét bỏ và bị xem là kẻ tội lỗi. Bản văn nói rằng “ông ta lùn” (câu 3) và điều này có lẽ cũng ám chỉ đến sự nhỏ lùn nội tâm của ông, đến cuộc sống tầm thường, không trung thực của ông, với cái nhìn của ông luôn hướng xuống. Tuy nhiên, Da-kêu muốn thấy Chúa Giê-su. Một điều gì đó thúc đẩy ông để nhìn thấy Chúa. Theo lời Phúc âm, “Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.” (câu 4). Ông ta trèo lên cây sung: Da-kêu, kẻ thống trị mọi thứ, làm một hành đồng buồn cười để gặp Chúa Giê-su. Chúng ta có thể tưởng tượng xem điều gì xảy ra. Ví dụ, hãy tưởng tượng một bộ trưởng kinh tế trèo lên một cái cây để nhìn xem một điều gì khác. Da-kêu đã liều để nhìn Chúa. Da-kêu, với sự nhỏ lùn của mình, cảm thấy cần phải tìm kiếm một cái nhìn khác, cái nhìn của Chúa Kitô. Ông vẫn không biết Người, nhưng ông chờ ai đó giải thoát ông ra khỏi tình trạng của ông, đưa ông ra khỏi đầm lầy hiện tại của ông. Đây là điều nền tảng: Da-kêu dạy chúng ta rằng, trong cuộc sống, không bao giờ mất đi tất cả. Chúng ta luôn có thể dành chỗ cho mong muốn bắt đầu lại, khởi đầu lại một lần nữa, hoán cải.

Cái nhìn của Chúa Giêsu

Khía cạnh thứ hai, theo nghĩa này, mang tính quyết định: cái nhìn của Chúa Giêsu, Người được Chúa Cha sai đến để tìm kiếm những gì đã mất; và khi đến Giê-ri-khô, Người đi ngang qua gần cây mà Da-kêu đang ở sẵn. Tin Mừng thuật lại rằng “Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : ‘Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !’” (c. 5). Đó là một hình ảnh rất đẹp, vì nếu Chúa Giêsu nhìn lên, có nghĩa là Người nhìn Da-kêu từ bên dưới. Đây là lịch sử ơn cứu độ: Thiên Chúa đã không nhìn chúng ta từ trên cao để hạ nhục và phán xét chúng ta; ngược lại, Người hạ mình rửa chân cho chúng ta, từ bên dưới Người nhìn chúng ta để khôi phục phẩm giá cho chúng ta. Như vậy, sự giao thoa giữa những cái nhìn của ông Da-kêu và Chúa Giêsu dường như tổng kết toàn bộ lịch sử cứu độ: nhân loại với những đau khổ của mình tìm kiếm sự cứu rỗi, nhưng trên hết Thiên Chúa với lòng thương xót tìm kiếm thụ tạo của Người để cứu nó.

Chúng ta có cái nhìn nào?

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhớ điều này: Ánh mắt của Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở quá khứ đầy lỗi lầm của chúng ta, nhưng nhìn với niềm tin tưởng vô hạn vào những gì chúng ta có thể trở thành. Và nếu đôi khi chúng ta cảm thấy mình là những người nhỏ lùn, không đáp ứng được những thử thách của cuộc sống và càng kém xa Tin Mừng, sa lầy vào những vấn đề và tội lỗi, thì Chúa Giêsu luôn nhìn chúng ta với tình yêu thương: như với Da-kêu, Người đến gặp chúng ta, Người gọi tên chúng ta và nếu chúng ta chào đón Người, Người sẽ đến nhà chúng ta. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta tự nhìn mình thế nào? Chúng ta có cảm thấy bất xứng và cam chịu không, hay ngay tại đó, khi cảm thấy thất vọng, chúng ta tìm kiếm một cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su? Và rồi, chúng ta có cái nhìn nào đối với những người đã từng mắc sai lầm và đang đấu tranh để đứng dậy từ lấm bùn của những sai lầm của họ? Đó có phải là cái nhìn từ trên xuống để đánh giá, xem thường và loại trừ không? Hãy nhớ rằng chỉ có thể chấp nhận được việc một người nhìn từ trên cao xuống thấp chỉ để giúp nâng người khác đứng dậy, và không có gì khác. Chỉ trong trường hợp này mới chấp nhận được. Chúng ta, những người Kitô hữu phải có cái nhìn của Chúa Kitô, Đấng ôm lấy từ bên dưới, Người tìm kiếm những gì hư mất, với lòng trắc ẩn. Đây luôn là cái nhìn của Giáo Hội, cái nhìn của Chúa Kitô, không nhìn để kết tội.

Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ Maria. Chính Chúa đã nhìn đến phận hèn của Mẹ, và chúng ta hãy xin Mẹ ban cho chúng ta món quà là một cái nhìn mới về chúng ta và về những người khác.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

30 tháng mười 2022, 14:01

Kinh Truyền Tin là kinh đọc để luôn nhớ Mầu nhiệm Nhập Thể 3 lần mỗi ngày: lúc 6 giờ sáng, lúc giữa trưa và chiều tối khoảng 6 giờ, là lúc chuông Kinh Truyền Tin được đánh lên. Từ ”Angelus” lấy từ câu đầu tiên trong kinh này -

Angelus Domini nuntiavit Mariae - (Thiên Thần Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria). Kinh Truyền Tin gồm 3 câu đơn sơ qui hướng về sự Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô và 3 kinh Kính Mừng. Kinh nguyện này được Đức Giáo Hoàng đọc tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật và những ngày Lễ Trọng. Đức Giáo Hoàng cũng đọc một bài huấn dụ ngắn lấy từ các bài đọc Sách Thánh trong ngày. Tiếp đến ngài chào các tín hữu hành hương.

 Từ Lễ Phục Sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, thay vì kinh Truyền Tin, các tín hữu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng là một kinh nhắc nhớ sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Cuối kinh có đọc 3 lần kinh Sáng Danh.

Kinh Truyền Tin/Kinh Nữ Vương Thiên đàng cuối cùng

Đọc tất cả >