Kinh Truyền Tin 19/2: "Lạ thường" của tình yêu vô vị lợi
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Những lời Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần này đòi hỏi và có vẻ nghịch lý: Người mời gọi chúng ta hãy đưa má ra và yêu thương cả kẻ thù (x. Mt 5:38-48). Chúng ta yêu người yêu thương mình và làm bạn với người kết bạn với mình là chuyện bình thường; tuy nhiên, Chúa Giêsu thúc giúc chúng ta đi xa hơn khi nói rằng: nếu anh em hành động như thế, “anh em có làm gì lạ thường đâu?” (câu 47). Anh em có làm gì lạ thường đâu? Đây là điểm mà tôi muốn lôi cuốn sự chú ý của anh chị em hôm nay, về điều lạ thường này.
“Lạ thường” là cái vượt ra khỏi giới hạn của cái thông thường, vượt qua những thông lệ và tính toán thông thường bởi sự thận trọng. Nói chung, ngược lại, chúng ta cố gắng sắp xếp mọi thứ khá trật tự và trong tầm kiểm soát, để nó tương ứng với mong đợi của chúng ta: khi sợ không nhận được sự đền đáp hoặc bày tỏ bản thân quá nhiều để rồi thất vọng, chúng ta chỉ thích yêu những người yêu mình, để không bị thất vọng, chỉ làm điều tốt cho những người tốt với chúng ta, chỉ quảng đại với những người có thể trả ơn; và đối với những ai đối xử tệ với chúng ta, chúng ta sẽ đáp lại y như vậy, như thế tất cả chúng ta được cân bằng. Nhưng Chúa khuyên chúng ta: như thế là không đủ! Chúng ta sẽ nói: như thế không phải là Kitô hữu. Nếu chúng ta ở trong sự bình thường, trong sự cân bằng giữa cho và nhận, mọi thứ sẽ không thay đổi. Nếu Thiên Chúa làm theo logic này, thì chúng ta sẽ không có hy vọng được cứu rỗi! Nhưng, thật may cho chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa luôn luôn “lạ thường”, nó vượt xa những tiêu chuẩn thông thường mà con người chúng ta sống trong các tương quan của mình.
Vì vậy, những lời của Chúa Giêsu thách thức chúng ta. Trong khi chúng ta cố gắng duy trì sự bình thường của tư duy vụ lợi, thì Người yêu cầu chúng ta mở lòng đón nhận điều lạ thường của một tình yêu vô vị lợi; trong khi chúng ta luôn cố gắng cân bằng các tài khoản, thì Chúa Kitô thúc bách chúng ta sống sự mất cân đối của tình yêu. Chúa Giêsu không giỏi tính toán. Chúng ta đừng ngạc nhiên về điều này: Giả như Thiên Chúa không tự làm mất cân đối thì chúng ta đã không bao giờ được cứu độ. Chính sự mất cân đối của thập giá mà chúng ta được cứu độ. Chúng ta sẽ thế nào nếu Chúa Giêsu đã không đến tìm chúng ta khi chúng ta lạc lối lìa xa, nếu Người đã không yêu thương chúng ta đến cùng, không vác thập giá vì chúng ta, những kẻ không xứng đáng với tất cả những điều này và chẳng có gì để đáp lại cho xứng. Như Tông đồ Phao-lô viết: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.” (Rm 5,7-8). Ở đây, Thiên Chúa yêu chúng ta khi chúng ta là tội nhân, không phải vì chúng ta tốt lành hay có thể trả lại cho Ngài điều gì. Anh chị em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu luôn dư tràn, luôn vượt quá sự tính toán, luôn không tương xứng. Hôm nay, Người cũng yêu cầu chúng ta sống theo cách này, bởi vì chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự làm chứng cho Người.
Anh chị em thân mến, Chúa đề nghị chúng ta ra khỏi tư duy vụ lợi và Người không đo lường tình yêu bằng cân đo tính toán và lợi ích. Người mời gọi chúng ta đừng lấy điều ác đáp lại điều ác, hãy dám làm điều tốt và mạo hiểm cho đi, ngay cả khi chúng ta nhận lại rất ít hoặc không nhận được gì. Bởi chính tình yêu ấy sẽ từ từ chuyển hóa những mâu thuẫn, rút ngắn khoảng cách, vượt qua hiềm khích và hàn gắn vết thương hận thù. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: trong cuộc sống của tôi, tôi đang theo logic của vụ lợi hay của vô vị lợi như Thiên Chúa đã thực hiện cách vô vị lợi? Tình yêu lạ thường của Chúa Kitô không dễ dàng, nhưng là điều có thể, bởi vì chính Người giúp đỡ chúng ta bằng cách ban cho chúng ta Thần Khí của Người, tình yêu vô biên của Người.
Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng khi đáp lời “xin vâng” với Thiên Chúa mà không cần tính toán, đã cho phép Người làm cho Mẹ trở thành kiệt tác của Ân Sủng Người.
----
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến những tình trạng bi thảm xảy ra gần đây trên thế giới, đặc biệt cầu nguyện cho nạn nhân của trận động đất tại hai nước Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài cũng không quên tình trạng chiến tranh ở Ucraina và cơn lốc xoáy tại New Zealand. Ngài mời gọi mọi người cầu nguyện và không quên thể hiện lòng bác ái đối với những người đang gặp khốn khó.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.